Cái bếp bây giờ đây chỉ còn trong ký ức. Vào khoảng hơn 30 năm trước, khi đó tôi mới lên chín, lên mười, mỗi bận đi làm đồng, hay giăng lưới, cắm câu xa, chiều chèo xuồng về gần đến, thấy cái chái bếp nhà mình lững lững khói cơm chiều trên cái nền trời tím sầm là lòng thấy ấm lại.
Ở đó má tôi, rồi chị tôi, và sau nữa là em gái tôi đang cặm cụi kho cá, nấu cơm. Rồi bữa cơm chiều khi đã đỏ đèn dọn ra, cũng chỉ là mắm đồng, ba khía, cả nhà quây quần vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Vậy mà tôi ăn một bữa cơm ngon lành. Ăn xong thì mệt nhọc trôi tuột hết.
Ở quê tôi mỗi lần đi xem mắt dâu là bà già chồng tương lai hay ra dò xét cái chái bếp, nghĩa là cái hiếu hạnh của người phụ nữ được phơi bày trong chái bếp.
Hễ bếp núc gọn gàng, sạch sẽ là bà mẹ chồng tương lai cho một điểm rất cao trong những căn cứ để kén dâu
Có lẽ thứ bếp di động này đã góp phần quan trọng vào nền văn hoá ẩm thực của đất phương Nam mà cho đến bây giờ khi nhắc đến những món ăn đó ta còn thèm chảy nước miếng, đó là: cá lóc nướng trui, rắn nướng, rùa rang muối, ốc nướng tiêu…
Mười bảy tuổi tôi đã bắt đầu xa quê, đó là một chuyến đi dài đến tận bây giờ, thi thoảng mới về thăm quê cũ. Sau này khi má tôi qua đời, chị Hai tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, còn em gái tôi thì đi lấy chồng xa; mỗi lần về thăm quê, nhìn cái chái bếp lạnh tanh những hình bóng cũ, lòng tôi cứ bùi ngùi, xốn xang đến ứa nước mắt. Khi đó tôi mới ngộ ra rằng, cái chái bếp chính là không gian của nhiều thế hệ phụ nữ nối tiếp nhau thắp lên một ngọn lửa tình cảm gia đình, làm nên cái hồn gia đình trong mỗi cuộc đời chúng ta.
Làng tôi được những ngư dân khẩn hoang từ miệt Tiền Giang kéo về đây lập ra khá lâu đời. Thế nhưng hàng trăm năm qua nó vẫn là một xóm nhỏ nghèo xơ xác và buồn hiu hắt. Xóm nằm trên bờ sông Bạc Liêu nhưng lại là khúc sông buồn, khúc sông lượn như con rắn với những doi những vịnh. Chiều xuống, nước lớn, tiếng bìm bịp dội rền rền mặt sông, nghe âm u và trầm uất đến lạ. Xóm có hơn 200 nóc gia và toàn là bằng cột cây rừng và lợp lá dừa nước. Nhà cất một kiểu giống nhau, một gian nhà lớn ba căn và bên hông nó là một gian nhà nhỏ liền kề, mà nông dân gọi nôm na là cái chái bếp. Dân ở đây xem trọng việc xây dựng chái bếp bằng với ngôi nhà chính, theo quan niệm: nếu ngôi nhà lớn cất nhằm ngày tốt, hướng tốt… thì học hành đỗ đạt, mùa màng và công việc làm ăn… sẽ “thuận buồm xuôi gió”; còn nếu chái bếp tốt thì gia đạo sẽ thuận hoà, đầm ấm. Thế cho nên khi cất chái bếp ai cũng đi nhờ thầy coi ngày lành, hướng đặt miệng lò. Khi chụm bếp lửa, đầu tiên là phải cúng bái bằng trái cây hoặc chè, xôi… Đến 23 tháng chạp âm lịch đưa ông Táo về trời, là người dân quê tôi cúng chè xôi… Sau đó thì chùi rửa, dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ ông Táo, dán liễn mới. Đến 30 tết, gia chủ lại làm lễ cúng bái để rước ông bà, trong đó có rước ông Táo. Người dân xem trọng ông Táo, cho nên mấy cái lò nặng bằng đất sét đó họ gọi một cách trân trọng là “ông lò”.
Qua những câu chuyện của ông bà, cha mẹ tôi kể về cái thuở mới đến đây dựng nghiệp giúp tôi hình dung được cái bếp lò thời khẩn hoang. Hồi ông bà tôi đến xứ Bạc Liêu để khẩn hoang đã dựng một căn chòi lá cặp bờ sông làm chỗ trú mưa nắng để chặt cây dọn rừng. Và họ chọn một góc chòi để làm bếp. Bếp lúc nấy giờ là ba cục đất sét nặn giống như con cờ vua rồi xếp chụm đầu vào. Trên đầu đặt nồi siêu, sanh, chảo, dưới đặt củi đốt lò.
Vật liệu đốt lò gồm bất cứ thứ gì dễ cháy như: cành cây khô, lá khô. Thậm chí có gia đình “làm biếng” cứ chất một đống rơm cạnh nhà, hễ tới bữa là ra rút rơm về nấu quanh năm.
Bếp lửa nhà nổi lên thì khói bay mù mịt. Người nấu cơm mắt, mũi chảy nước… vậy mà hồi hoá ra hay, khói đã xua được bầy muỗi đói vốn rất nhiều, đến phải đặt vè: “Muỗi kêu như sáo thổi”.
Người khẩn hoang xưa khi đi xa để dọn rừng phát ruộng thường mang theo một bếp lò di động. Họ xách ba ông Táo hay một cái lò nặn bằng đất sét, có đáy, nung chín, đến nơi làm, chọn một chỗ khô ráo rồi đặt lò và nhặt cành cây khô nổi lửa lên. Đầu tiên là để xua muỗi mòng, sau đó thì dọn rừng phát ruộng gặp cua, vọp, ốc, rùa, rắn… thì bỏ vào nướng.
Trở lại cái bếp di động của người khẩn hoang, đến buổi nghỉ trưa thì họ vo gạo, bắc nồi cơm lên và thức ăn thì đã có sẵn. Thế là bữa cơm được dọn ra giữa cái không gian rừng rậm hoang vu hay chốn đồng không mông quạnh, người ta ăn đến 5 – 7 chén cơm vì lao động cực nhọc và cũng vì thức ăn là đặc sản ngon tuyệt trần.
Đất đai nhiễm mặn lưu niên, cuối mùa gắt thường lúa bị háp trắng nên dân xứ này xoay qua chất chà, giăng lưới hoặc đăng cá tôm kiếm sống. Mỗi lần đi đánh cá đều xách theo một cái lò đất nung dùng để un khói xua muỗi và khi đói thì cho xuồng ghé vào một lùm cây khuất gió rồi nổi lửa nấu cơm, cũng có khi là nấu trà để uống. Một hình ảnh mà lúc nhỏ tôi thường gặp là một ông lão giăng câu ngồi trên sạp một chiếc xuồng con, trong một đêm sông chở đầy trăng, đầy đom đóm lập loè trên rặng trâm bầu, giữa xuồng là cái lò lửa cháy bập bùng, nồi nước sôi réo, ông ngồi bên một bình trà để trong hộp sọ dừa…; vừa uống trà, vừa ngâm nga mấy câu hò sông Hậu: Cúc mọc dưới sông, kêu bằng cúc thuỷ/ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa/ Gởi thư thăm hết mọi nhà/ Trước là thăm mẹ sau là thăm em.
Đến thời tôi biết thì chái bếp của mỗi gia đình ở quê tôi được xây cất gọn gàng theo kiểu của thời đó. Người ta đóng cái bếp bằng cây rừng, hình chữ nhật, ngang khoảng 8 tấc, dài khoảng 1,2m, dưới chân thì đóng hai cái cây, vừa có tác dụng làm cái khung vừa để chất củi khô. Mặt giàn bếp được làm bằng đất bùn trộn rơm rồi phơi đến khô cứng. Trên mặt giàn bếp là chỗ để 2 – 3 chiếc lò và trên nữa là cái trang nho nhỏ đóng lên cột để thờ ông Táo. Trên nóc trái bếp bao giờ mạng nhện và lá cũng đen mun vì khói bếp lâu ngày. Gần cái giàn bếp thường một bên là một cái “cự” củi thật to, một bên là cái giàn chén được đóng bằng cây rừng, tre hay đơn giản hơn là sóng lá dừa nước. Trên mặt giàn chén thì úp chén, tô, đĩa và mấy chai, lon đựng mỡ, tỏi; trên vách đóng mấy cây đinh để máng nồi, ơ, chảo, rế nồi, vỉ lò… Dưới chân giàn chén thì đặt mấy cái “cà bịch” đựng muối, gạo… “Cà bịch” được đan bằng lá dừa nước. Không gian còn lại dùng làm chỗ ăn cơm. Có gia đình đóng bàn ăn bằng tre, có gia đình hễ tới bữa ăn là trải chiếc nệm ra rồi cả nhà quây quần, họ ăn cơm trong lúc lũ gia súc nhao nháo đòi ăn, có khi gà, vịt, chó nhảy cả vào mâm cơm…
Các gia đình nhà quê rất ít khi mua thức ăn, ngoại trừ mua nước mắm, mỡ… Cũng có gia đình chẳng cần mua nước mắm, họ “ao” sẵn một hũ nước mắm để trong giàn bếp, khi cần là múc ra dùng. Thức ăn thì “mùa nào thức ấy”. Nước ròng thì canh chua cá kèo, tép đất luộc ăn với lá chùm ruột… Nước kém thì lấy tép rang sẵn ra rồi chấm với giấm ớt đưa cơm. Hồi đó tép rang mặn với muối hột là món ăn để lâu ngày, phòng khi không có thức ăn. Nhà nào cũng rang cả thúng tép rồi treo lên chái bếp, hễ không có đồ ăn thì lấy ra. Lũ trẻ con thời đó thấy tép rang là sợ. Đến mùa sa mưa, nước đồng lênh láng, không bắt cá tôm được thì gia đình nhà quê mở hũ mắm trong chái bếp ra chưng, ăn kèm với bí rợ hầm dừa. Tháng chạp hoặc ra giêng là mùa tát đìa, nhà nào cũng làm mắm, làm khô dự trữ… Chái bếp nực nồng mùi mắm, mùi khô.
Hồi xưa chái bếp nhà tôi rất rộng, được ngăn làm đôi. Một phần làm buồng ngủ, một phần để nấu ăn. Đầu tiên thì má tôi ngủ, khi chị Hai tôi lớn lên thì má tôi lên nhà trên nhường phòng cho chị, khi chị Hai tôi mất thì căn phòng ấy lại nhường cho em gái tôi. Cái phòng ngủ rất đơn giản, gồm một chiếc giường tre, một cái rương đựng quần áo… Cửa buồng ăn thông ra khu bếp. Hễ ai ngủ trong phòng ấy là làm chủ cái “giang san”chái bếp. Tuy cuộc sống gia đình lam lũ quanh năm nhưng tôi đều thấy chái bếp sạch sẽ, ngăn nắp. Mùa hạn là má tôi đi chặt củi về phơi khô cả một khoảnh sân lớn, sau đó thì chất đầy một “cự” củi dài đến 5m, cao 2m. Số củi này đủ cho gia đình đốt lò quanh năm, kể cả giỗ chạp, ngày tết.
Cái chái bếp nhà tôi là nơi vương vấn nhất của bốn người phụ nữ thân yêu: má tôi, chị Hai tôi và hai đứa em gái tôi. Tôi nhớ những buổi trưa hè má tôi ngồi ngạch cửa chải tóc cho chị Hai tôi, rồi chị Hai tôi lại xức dầu dừa chải tóc tôi và hai đứa em gái trong ngày 30 tết. Nhớ những trưa má tôi ngồi xay bột nặn bánh lá, chị Hai tôi hấp bánh rồi cả nhà xúm xít quây quần vừa chan vừa húp. Cái thuở nghèo khổ, đói bánh, đói trái… nên chiếc bánh đơn giản làm từ bột gạo đó tôi ăn vào và nghe ngon ngọt đến tuyệt trần. Lớn lên đi xa, được ngồi trước những bữa tiệc cao lương mỹ vị mà vẫn thấy không ngon bằng chiếc bánh của má và chị Hai tôi làm ngày đó.
Cái chái bếp nhà tôi thật sự rộn ràng và vui đến nức lòng khi có giỗ chạp, tết nhất. Buổi chiều mấy chị hàng xóm, bạn của chị Hai tôi, kéo đến cười nói râm ran, kẻ xay bột, người đánh trứng, sau đó thì ngồi nướng bánh bông lan hay “xên” mứt dừa… chuẩn bị cho ngày mai đám giỗ. Tối đó, các chị đùa giỡn trong phòng chị Hai tôi rất khuya.
Ngày tết còn vui hơn nữa. Từ 25 tết, má và chị Hai tôi sửa soạn giàn bếp cho sạch đẹp rồi lo bánh trái, khô… Đến ngày 30 tết thì vần, đổi công gói bánh tét, bánh ít. Chiều 30 tết má tôi kê ba ông lò ở nhà bếp và đêm đó nấu bánh đến giao thừa. Lũ trẻ con nhà nghèo đói ăn, chúng tôi cứ thức canh nồi bánh chín để nghe má kể chuyện đời xưa và để khi bánh chín thì được cho ăn.
Hơn 30 năm sau, tức là bây giờ, ngôi nhà xưa, chái bếp cũ đã thay ngôi đổi chủ. Cái “giang san” đó giờ đây em dâu tôi làm chủ. Người cũ đã không còn, còn, không gian đã mất hết. Sau những vụ trúng tôm, em trai tôi đã xây cái nhà bếp bằng gạch, giàn bếp được làm bằng gạch men sáng choang. Mỗi lần tôi về cứ cảm thấy cái chái bếp ấy lạnh tanh, ăn những bữa cơm không còn như ngày cũ. Hoá ra cái chái bếp đó đã không có cái hồn xưa.
Năm tháng cứ trôi qua, càng lúc càng xa thăm thẳm nhưng trong góc lòng tôi vẫn còn đó tươi nguyên một chái bếp lững lững khói cơm chiều. Cái chái bếp ấy đã từng tạo ra tình cảm gia đình trong tôi và bây giờ nó vẫn tiếp tục gợi thương, gợi nhớ. Thương nhớ đến xót xa, bùi ngùi một gia đình nhà quê đã rời khỏi đời sống tôi từ lâu lắm.
Theo SGTT