Là người bị cuộc chiến nướng gần hết thời tươi đẹp nhất của mình nhưng tôi không nghĩ về nó với cảm giác chiến thắng. Thế nhưng ngày 30 tháng Tư năm 1975 thì đặc biệt thiêng liêng, không sao quên được. Hơn cả ngày cưới, hơn cả ngày sinh đứa con đầu lòng, trên tất cả, đó là sự hồi sinh. Cảm giác về hoà bình thật sâu sắc, chỉ có nước mắt mới diễn tả được nó. Mỗi khi đứng trước màu xanh lá mạ hay vẻ êm đềm của một dòng sông, tôi đều thấy rưng rưng bởi vẻ thanh bình quá đỗi hiếm hoi của nó. Phải có hoà bình thì mới có thanh bình, nhưng hậu chiến bời bời, lòng người ly tán và cuộc chiến ở hai đầu đất nước đã biến những khoảnh khắc thanh bình thành mong manh, chua xót.
Nhớ cảm giác khi bắt đầu nhận được tin dữ từ biên giới Tây Nam. Cốc ruợu hoà bình chưa kịp nhấp thì đã loạn lạc, đảo điên nữa rồi. Sự mẫn cảm của một người viết văn và làm báo. Cảm giác rõ ràng về một cuộc chiến kỳ quặc. Đành lật lại "Việt Nam sử lược" để tự lý giải những co kéo của lịch sử. Có tránh né gì thì đây cũng đích thị là cuộc chiến thứ ba mà dân tộc Việt Nam phải tiến hành trong vòng một thế kỷ. Quá nhiều máu xương và bi kịch. Bạn đó rồi thù đó hay đơn giản các nước nhỏ là một lũ tốt đen trên bàn cờ các nước lớn? Hay không bao giờ có từ bạn đúng nghĩa, mà chỉ có "các mối quan hệ đều tạm thời, quyền lợi mới là vĩnh viễn", như chủ thuyết của quốc gia lân bang?
Hồi ấy, chúng tôi đi sang Phnom Penh bằng đường Mộc Bài – Tây Ninh. Tháng 4 năm 1979, tức mấy tháng sau khi bộ đội Việt Nam đẩy được bọn Pôn Pốt lên biên giới Thái Lan. Vẫn tinh thần đi thực tế chiến trường, vẫn tâm trạng bất an với chiến tranh, vẫn tình thương người lính chưa biết thế nào là hoà bình đúng nghĩa. Ba mươi năm trước, tôi mới 27 tuổi, không còn trẻ nhưng vẫn thanh xuân với ý thức dấn thân. Người dân Campuchia hai bên quốc lộ vẫy tay reo hò mấy tháng liền với bất cứ bóng dáng Việt Nam nào. Tâm trạng được tái sinh chứ không chỉ là hồi sinh. Thế giới cáo giác có mầm hoạ diệt chủng ở đất nước Chùa Tháp, nhưng thế giới đã bất động, thậm chí các nước lớn còn mặc nhiên cho ai đó hậu thuẫn cho Pôn Pốt. Khi những nụ cười tái sinh trong người dân Campuchia thì thế giới làm ngơ, âu là, vẫn bài toán giữa các nước lớn đây mà.
Tôi đi Campuchia lần thứ hai, lần thứ ba rồi lần thứ tư. Thấy những vạt mạ non quanh những gốc thốt nốt u buồn. Có hoà bình rồi mới có thanh bình. Câu hỏi hồi trước trở đi trở lại nhiều đau đớn hơn : Nếu ở phía Bắc là mối quan hệ cần phải dè chừng thì ở phía Nam lại có cái gì đó rất chung trong bi kịch của anh em nước nhỏ dìu nhau đi qua sóng gió. Một cánh đồng chung, phẳng lặng, bên này cây dừa làm biểu tượng còn bên kia cây thốt nốt đặc trưng. Buồn vui chung khoảnh khắc của màu mạ, chung một gợn lúa khi chiều tà khi trăng lên. Người Việt Nam cắn răng với điều tiếng để có một Campuchia thanh bình hôm nay. Có bao nhiêu hương hồn của chiến binh Việt Nam lẩn quẩn trên tàng thốt nốt trong những cuộc viễn chinh trợ giúp từ xa xưa đến giờ?
Không sao quên được hình ảnh những chàng sĩ quan trung đoàn đêm chia tay với các nhà báo nhà văn ở một nơi nổi tiếng về bệnh sốt rét. Những câu chuyện bộ đội Việt Nam chết khát trên các điểm cao được nhắc đi nhắc lại như những cái chết chưa từng có trong lịch sử chiến trận của đội quân thiện chiến. Và những câu hát uỷ mị của những người lính xa nhà xa nước : "Chỉ còn bên nhau một giây phút thôi. Một giây phút thôi là xa nhau rồi… Tiếc chi một đêm, ta tiếc chi một đêm rồi xa nhau nghìn trùng… " Chưa bao giờ cả hai phía thấy nặng nề và nức nở như vậy. Không lâu sau tôi được tin những người lính nài nỉ chúng tôi đừng tiếc gì với họ ấy đã hy sinh trong một trận đánh lớn, không còn một ai. Lần khác, người ta báo tin đã chở bằng máy bay về Viện Quân y 121 một sĩ quan mà tôi đã quen thân, hiện anh ấy đang thoi thóp, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi chạy đến, nhìn thấy một bộ xương khô chứ không phải một người hùng. Và từ trong sân Viện, tôi nhìn thấy những thanh niên cụt một chân xanh xao bên chiếc nạng, nhiều, nhiều không đếm xuể, nhiều đến mức tôi phải nghĩ, cuộc chiến thứ ba này, chúng ta thắng hay thua. Một lần nữa, các nước nhỏ lại thua, các bà mẹ chúng ta lại thua, đất nước lại lãnh đủ mà hoạ chiến tranh thì vẫn còn ở mưu đồ của các nước lớn. Muốn khóc rống lên khi nhớ một dãy lán quân y của một sư đoàn ở Pai-lin và Tà Sanh đất bạn. Một vị bác sĩ kể : "Cậu nào cũng trẻ, cậu nào cũng phải bị cưa chân mới bảo toàn được tính mạng, cậu nào cũng kêu Má ơi khi nghe tiếng cưa xiết qua người, rồi cậu nào cũng ngóc dậy hỏi dép đâu dù biết từ nay chỉ còn một chân để đi dép!".
Đã 30 năm rồi ư? Ba mươi năm rồi các nước lớn mới thu xếp được với nhau để có một phiên toà xét xử bọn đao phủ còn tệ hại hơn các bạo chúa thời trung cổ. Ai sẽ công bằng cho dân tộc Việt Nam đây? Thời Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại xẻ rừng đào kênh để xác lập đường biên, ông cũng đã không ít lần phải viễn chinh để trợ giúp những cuộc nội chiến bên ấy. Lịch sử cứ lặp đi lặp lại, hai dân tộc cứ phải dìu nhau đi qua ba đào. Sau năm 1989, căn hộ nhỏ xíu của mấy mẹ con tôi ở Cần Thơ vẫn tiếp tục là nơi đi về của nhiều người lính mà tôi từng quen biết. Người bị tàn phế sắp ra quân và không biết sống bằng nghề gì. Người chờ xuất khẩu lao động sang Tiệp, sang Đức. Người đang điều trị tại ngoại để có khoẻ mạnh mà trở về với vợ con… Chúng tôi hay nói cùng một chuyện, cùng nhớ về những địa danh xa xôi và cùng thở dài khi cuộc sống thường nhật áp sát. Tất cả họ đều mang trong lòng ký ức trĩu nặng và di chứng khổ đau vì sốt rét. Và rồi con gái tôi "thừa hưởng" ngay bệnh sốt rét từ những vị khách ấy. Căn bệnh đã giết chết tuổi trẻ của con tôi, nhưng tôi tự an ủi, rằng dù sao, tôi cũng là một bà mẹ may mắn, con tôi chỉ bị sốt rét chứ đâu có cụt chân, đã thật sự hoà bình và rồi sẽ có thanh bình và mọi thứ.
Nhưng bao giờ thì các nước lớn hết tham vọng và bao giờ thì các nước nhỏ mới có nền hoà bình vĩnh viễn như mong ước?
Dạ Ngân – Theo SCL