Sau những tiểu thuyết như “Waiting’’ – lấy bối cảnh Trung Quốc hiện đại; “War Trash’’ viết về cuộc xung đột Trung – Hàn, nhà văn Cáp Kim trở lại với truyện ngắn qua tuyển tập 12 truyện khéo léo ghi lại trạng thái mất phương hướng của những người Trung Quốc nhập cư lên đất Mỹ.

"Kiểu thành công của người Mỹ không phải dành cho tất cả mọi người. Anh phải học cách bán mình ở đây và phải biết thay đổi bản thân để thích nghi với cuộc sống mới", một nhân vật trong tập truyện nói.

Cáp Kim rời khỏi Trung Quốc năm 1985 để theo học Đại học Brandeis. Ông là tác giả của 5 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 3 tập thơ và hiện là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Boston. Dưới đây là cuộc trò chuyện với nhà văn trên Boston Globe.

– Ông đã trở lại với truyện ngắn như thế nào?

– Tôi đã dự định viết truyện ngắn về đời sống của những người nhập cư từ lâu lắm rồi. Đây là một kế hoạch đã được vạch ra từ trước. Tôi chỉ không biết là sẽ phải bắt đầu từ đâu. Cho đến đầu năm 2005, khi tôi có việc đến Flushing, New York tôi rất xúc động bởi phong cảnh và con người ở đây.

– Vậy là các nhân vật đã sẵn sàng, chỉ còn chờ bối cảnh?

Chúng diễn ra theo hai cách. Một số nhân vật, tôi đã biết rõ lí lịch trích ngang từ trước. Nên họ đã có sẵn trong đầu tôi. Sau khi đến Flushing, tôi đã trở lại nơi này rất nhiều lần, có lẽ phải đến 20 lần. Những chuyến đi đó cũng làm nảy sinh ra nhiều nhân vật.

Nhà văn Cáp Kim. Ảnh: CNN.
Nhà văn Cáp Kim. Ảnh: CNN.

– Tại sao ông lại chọn Flushing?

– Đó là một cộng đồng nhập cư. Ở đây có đủ loại người. Nó giống như là sự bắt đầu của một thị trấn kiểu Mỹ. Vì thế, tôi rất ấn tượng với bối cảnh này.

– Ông mở đầu tập truyện với giọng của một nữ bồi bàn. Hẳn ông chọn giọng này một cách có chủ ý?

Vâng. Đó là một câu chuyện nhỏ, mong manh, ngắn, chỉ chừng 4 trang. Nhưng câu chuyện của nó, giống như khúc dạo đầu, là lời mở cho cả tuyển tập. Tập truyện lấy bối cảnh, thời gian, địa điểm và viết về sự phức tạp trong xã hội hiện đại của chúng ta. Nên nó cần một sự mở đầu nhỏ xinh như thế.

– Trong tiểu thuyết cũng như truyện ngắn. Ông tạo lập giọng kể của các nhân vật nữ rất tốt. Làm sao ông làm được điều đó?

– Tôi chỉ dành nhiều thời gian hơn cho nhân vật, dù là nhân vật tiểu thuyết hay truyện ngắn.

– Tại sao những chi tiết về công việc và tiền bạc trong truyện ngắn của ông lại quan trọng đến như vậy?

Dân nhập cư hiện đại có khác chút ít với dân nhập cứ các thế hệ trước. Phần lớn họ là những người chuyên nghiệp, có học, nên họ làm việc, kiếm tiền rất tốt. Nhưng về mặt tậm lý, tình cảm, những nỗi lo lắng thì họ có chung với các thế hệ trước. Tiền bạc với họ là rất quan trọng, bởi họ không có nguồn trợ cấp nào khác. Họ phải dành dụm, tiết kiệm bởi tiền bạc là thứ duy nhất đảm bảo sự an toàn. Và những người nhập cư cũng rất giỏi tiết kiệm.

– Cuộc sống nhập cư mà ông miêu tả trong cuốn sách mới không phải là “A Free Life’’ (Một cuộc đời tự do) như tên một cuốn tiểu thuyết trước đây của ông?

Tôi nghĩ những người nhập cư đã và có lẽ là luôn luôn nghĩ rằng, Mỹ là nơi bạn có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng bạn không thể cắt đứt mối liên hệ với quá khứ. Ngày nay, với những phương tiện kỹ thuật hiện đại như email, điện thoại, bạn càng được liên hệ gần gũi hơn với những người ở quê nhà. Nên nó có nhiều mối ràng buộc về tình cảm, cảm xúc.

Theo Thanh Huyền – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *