Mỗi lần về quê nội, tôi lại cùng mấy đứa em họ chèo thuyền đi hái trái giác về nấu canh chua. Như bao vùng quê khác của miền Tây, quê nội đi đâu cũng gặp sông và kênh rạch, phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là thuyền gỗ (xuồng chèo). Dọc hai bên bờ sông là những trảng dừa nước xanh rờn. Mỗi khi làm nhà mới hay phải sửa chữa lại nóc nhà bị dột, cô – dượng tôi lại chọn những lá dừa to, chắc khỏe và vừa già, đem róc làm đôi rồi phơi cho dôn dốt, sau đó dùng lợp nhà, gọi là lá chằm đóp. Ở quê nội, để có một căn nhà mới, ngoài việc dọn sạch một khoảng đất trống, rồi đắp đất lên cao cho ra dáng nền nhà thì nguyên vật liệu hầu hết đều cây nhà lá vườn, kể cả nhân công. Chủ nhà chỉ cần nấu một bữa ăn cho thợ là trong một buổi sáng, rường cột coi như dựng lên sẵn sàng. Thêm vài tiếng đồng hồ buổi trưa nữa, mái nhà đã được "xóc nóc" và vách nhà đã mới tinh màu lá chằm. Làm nhà miền sông nước rất nhanh và rẻ, bởi hầu như nhà ai cũng sở hữu vài xẻo dừa nước, vài liếp tre tàu, tre mạnh tông và dây choại thì tha hồ cắt cộng với tay nghề con nhà nông, nên những căn nhà lá ấy cứ tồn tại cùng thời gian và nằm sâu trong ký ức tuổi thơ không biết bao nhiêu lớp trẻ.
![]() |
Không chỉ chuẩn bị chu đáo về phần nguyên vật liệu cho việc cất nhà từ lâu, mà cả thức ăn nấu cho thợ thầy hôm dựng "đòn tay" (tức là dựng khung sườn ngôi nhà) cũng được chuẩn bị công phu. Tôi nhớ hoài hôm cất nhà cho em họ tôi ra riêng, cô Sáu tôi chuẩn bị thức ăn cho thầy thợ gồm vài món cá kho mặn bình dị (cũng là nhờ mấy cần câu cắm) và một nồi canh chua trái giác cực kỳ ngon. Cô tôi nói : "Trời nắng ăn canh chua là đúng sách". Tôi vinh dự được tham gia vào nồi canh chua ấy bằng việc đi hái trái giác cùng với vài đứa con của cô tôi.
Trái giác là một loại trái tròn, dẹp như quả bần ổi. Tuy nhiên, chúng rất nhỏ và thường dính rối với nhau từng chùm. Là một loại thân leo, mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch và các bụi dừa nước nên dây trái giác rất dài. Chúng thường bò quẩn quanh, tạo thành từng lùm rậm rạp. Lá trái giác trông như lá nho, nhưng mỏng manh và nhỏ hơn nhiều. Chúng cũng có những tua dây như những cánh tay, bám rất chặt vào thân cây chủ. Trái giác còn non bé xíu như hạt đậu xanh, có màu xanh trong trong. Trái giác trưởng thành, màu xanh sậm hơn và bóng lưỡng. Thế nhưng, ngon nhất là trái giác chín, chúng có màu đỏ nâu hoặc đen thẫm. Vị của trái giác cũng tùy theo độ trưởng thành mà chua chát, chua thanh hay chua ngòn ngọt. Rứt một quả, cho vào miệng cắn nhẹ, vị chua làm người ta nhăn mặt. Thè lưỡi ra, lưỡi nhuộm tím như mực mồng tơi, tiếng cười thích chí của chúng tôi vang dọc đoạn sông vắng…
Việc vạch lá cây tìm những chùm trái giác chín mọng bao giờ cũng làm bọn trẻ thị thành như tôi thích thú. Thế nhưng vẫn chưa thích bằng việc vừa bơi dọc các vạt dừa nước vừa nhổ bông súng bỏ lên xuồng. Khi trái giác được một rổ to thì bông súng cũng đầy ắp. Xem chừng đã đủ nồi canh chua khoảng chục người ăn là lúc chúng tôi quay xuồng trở về. Bình thường, có nhiều loại trái chua để nấu canh chua, nhưng mùa lợp nhà bao giờ cũng là canh chua trái giác nấu bông súng với cá lóc hoặc cá rô mề. Mọi thứ đã được làm sạch, chỉ còn chờ tụi nhỏ đem trái giác và bông súng về là bắc bếp nấu canh.
Cô tôi nấu một nồi nước nhỏ rồi bỏ trái giác còn lẫn cả cuống đã rửa sạch vào. Vừa ngồi tước bông súng, tôi vừa nhìn cô Sáu nghiền nát thịt trái giác, tạo nên một màu nâu tím như mực tím học trò. Sau khi đã vớt bỏ hạt và xác, phần nước chua ấy được pha vào nồi nước nấu canh. Một bên, cô Sáu để rổ cá, một bên là dĩa ớt xắt nhỏ và một dĩa các loại rau nêm như quế, ngò gai, ngò om… cũng xắt nhỏ. Chúng được trồng quanh năm, hễ ăn món gì cần nêm là gia vị đã có sẵn trong vườn, thuận tiện lắm. Các công đoạn nấu canh chua thật đơn giản, không phức tạp cầu kỳ, nhưng khâu nêm nếm mới làm tôi phục cô Sáu nhất. Không biết cô tôi nêm thế nào mà khi húp muỗng nước canh, cái vị chua chát biến đi đâu mất, chỉ còn lại một vị chua ngon ngọt nơi đầu lưỡi. Cô tôi nói, canh chua phải nêm cho "cứng". Cô không dùng muối, mà dùng nước mắm để nêm nên vị canh chua đậm đà hết sức. Cô đợi nước sôi, bỏ bông súng vào rồi nhanh tay nhấc ra khỏi bếp, sau đó cho rau nêm và ớt hiểm vô. Màu tím thẫm của nước canh trông thật ấn tượng và hấp dẫn. Bông súng không để chín trên bếp nên ăn vào vẫn còn giòn và ngọt.
Một buổi trưa đầy nắng, tôi ngồi trên đám lá dừa đang róc dở dưới tán cây còng bên cạnh bờ sông, nghe cánh thợ lợp nhà vừa ăn vừa kháo chuyện. Trong bếp ăn dã chiến, cô tôi cười rạng rỡ, tay thoăn thoắt múc canh vớt cá, bới cơm. Tôi như thấy căn nhà đã làm xong trong chớp mắt. Bữa cơm thợ giản dị với nồi canh chua trái giác "ăn cho mát" của cô Sáu khiến tuổi thơ tôi bình yên quá đỗi…
Bích Thảo – Theo MNVN