Nhưng chuyện hội nghị đã có nhiều người nói. Điều muốn nói là chuyện góp ý sau hội nghị. Trong những ý kiến nhận xét đánh giá có ý kiến mực thước, điềm tĩnh, nghe lọt tai, song xen lẫn vào đó là không ít những nhận định cực đoan, một chiều, có bài viết còn mạt sát nền văn học Việt Nam là nhạt như nước lã, là quả chín non, là thuốc bắc ninh lại đến bảy tám lần và người đọc Việt Nam là một đám ngô nghê, không tư tưởng, không nhân cách.

Ở đây cần có sự sòng phẳng. Chúng ta bức xúc vì văn học, rộng hơn là những thành tựu văn hóa của mình còn được ít người nước ngoài biết đến, điều đó đúng. Cũng đúng khi nhiều quốc gia, nhiều ngôn ngữ đã vượt rất xa chúng ta về sự quảng bá sản phẩm tinh thần. Nhưng có nên nghĩ Việt là phần đáy tối tăm trong đại dương văn hóa của loài người, ở đó không lóe được một chút ánh sáng nào ra bên ngoài không?

Có nên nghĩ cả nhân loại hiểu biết nhau, chỉ riêng chúng ta là không giống ai và không ai biết trong cộng đồng không? Theo tôi không phải vậy. Thế giới có thể chưa biết nhiều về chúng ta. Nhưng họ cũng không hơn bao nhiêu, thậm chí nhiều nước còn kém chúng ta trong những việc để thế giới hiểu về nền văn học của họ. Để cho tiện, chỉ khoanh vào văn học hiện đại thôi.

Chúng ta đã biết gì về văn học Pháp, văn học Ý, văn học Canađa, văn học Braxin, văn học Vênêduêla, văn học Đức, văn học Ấn Độ, văn học Inđônêxia, văn học Thái Lan và vô số các nước khác nữa gần đây? Không có gì hết, hầu hết các tác phẩm ta biết đều là của một vài tác giả quen thuộc, viết cách đây khoảng gần nửa thế kỷ. Tại họ hay tại chúng ta, có lẽ tại cả hai.

Nhưng họ chưa bao giờ la lối rằng nền văn học của họ hèn kém, tầm thường nên thế giới không biết, vì họ không có mặc cảm tự ti hoặc nói cho sướng miệng như đôi ba nhà văn, nhà báo mình. Còn một thống kê trong hội nghị, 25% sách đang bán trên thị trường Việt hiện nay là sách dịch, điều đó có thể chính xác.

Nhưng thông tin đó chưa cho chúng ta biết bao nhiều phần trăm số sách là văn học cổ điển của nước ngoài, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh…  của chúng ta đã dịch và in nhiều lần ở ngoài nước. Số còn lại là sách hiện đại, trong đó có một số tác giả rất nổi tiếng, nhưng tỷ lệ G.Mácket, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện, H.Murakami là bao nhiêu trong vô số những sách rẻ tiền, ăn khách nhất thời?

Và sau khi chìm ngập trong chồng sách chất ngất do dịch giả Việt Nam tự tìm, tự dịch (không ít trường hợp là để kiếm tiền), chúng ta có hình dung nào có tính bác học, hệ thống về nền văn học của Mỹ, của Trung Quốc, của Nhật, của Côlômbia không? Thưa không! Và đấy là một sự thực.

Muốn có nhiều tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài cần tuyển chọn, cần quảng bá, cần người dịch giỏi nhưng rất quan trọng còn cần có tiền. Suy cho cùng, mục đích giới thiệu nền văn học nước ngoài chỉ là một trong rất nhiều mục đích khi dịch giả và nhà xuất bản dịch và in tác phẩm.

Bởi thế, một nền văn học lớn hay nhỏ không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng tác phẩm của nền văn học ấy được giới thiệu ở nước ngoài nhiều hay ít, một tác giả lớn không hẳn là tác phẩm của họ có nhiều người nói ngôn ngữ khác biết, nếu không tin cứ nhìn những người và những nước có người được giải Nôben. Vậy thì đừng nôn nóng, đừng cáu gắt nhau. Hãy viết cho hay và cùng với viết hay là kiên nhẫn, chịu khó giới thiệu cái hay, cái đẹp của ta ra ngoài, mưa dầm thấm lâu, rồi đâu có đó.

Theo Vũ Duy Thông – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *