Bạn đọc có thể tìm thấy nhiều tư liệu thực về đời sống văn học một thời trong những cuốn sách này.

Khác với các tác giả thơ, những tác giả văn xuôi có cái thuận là khi trích dẫn, người ta không nệ vào trí nhớ, mà bao giờ cũng phải đối chiếu với văn bản. Nhưng các văn bản ấy liệu đã phải thực sự 100% "sao y bản chính" chưa? Điều này không ai dám chắc khi mà tình hình xuất bản đang vận hành với một tốc độ chóng mặt, và khâu soát lỗi cũng không còn được chú trọng như thời bao cấp trước đây.

Chính vì thế mà bà Trần Thị Hồng (con gái nhà văn Nam Cao) đã nhiều lần phải kêu giời và viết thư khiếu nại trước việc sách của cha mình đã bị một số NXB in ấn quá ư cẩu thả, thậm chí có bộ sách chỉ hơn ngàn trang mà sai tới vài ba ngàn lỗi.

Còn ông Cao Đắc Điểm, con rể nhà văn Ngô Tất Tố thì lọ mọ tìm tòi, soạn thảo và cho xuất bản cả cuốn sách gọi là nguyên bản của tiểu thuyết "Tắt đèn" vì thấy những cuốn tiểu thuyết "Tắt đèn" được bày bán trên thị trường bị in sai rất nhiều. Vậy mà đã có không ít cử nhân đã dựa vào cuốn tiểu thuyết bị in sai này để làm luận án Thạc sĩ…
Về mặt tác phẩm thì thế, còn về tiểu sử, nhân thân của các tác giả thì… ôi thôi, cứ gọi là… nói bừa, nói lấy được, nhất là với bài viết của các nhà báo trẻ. Thấy dư luận nhắc nhiều về chuyện tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ thì coi như bài thơ tình yêu nào của chị Quỳnh cũng là viết tặng anh Vũ cả, không cần biết trước khi đến với anh Vũ, chị đã có một đời chồng.

Còn nói về Trần Đăng Khoa thì bất luận bài thơ thiếu nhi nào của anh cũng là thơ của "thần đồng 8 tuổi". Trong khi, những ai nghiên cứu tiểu sử của tác giả này đều biết rằng, những bài thơ đầu tiên anh in báo là vào năm 1966, khi anh 8 tuổi, nhưng các bài thơ được đánh giá là đặc sắc nhất như các bài "Hạt gạo làng ta", "Mẹ ốm" lại được anh viết thời kỳ anh 11, 12 tuổi.

Nhà văn Tô Hoài từng có lần than phiền rằng, hiện nay, các nhà báo trẻ viết ẩu quá, nhiều khi chẳng căn cứ vào đâu cả. Như khi viết về Nam Cao, họ dùng những mỹ từ như "nhà văn danh tiếng nổi như cồn ở những năm ba mươi", trong khi theo ông, điều này chỉ nên dành cho một số nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… và một vài tác giả khác.

Theo ông, Nam Cao là một nhà văn xuất sắc, có thể nói là lớn, song sự thực, khi Nam Cao còn sống, ông chưa bao giờ là một "nhà văn danh tiếng nổi như cồn ở những năm ba mươi" cả. Có người thậm chí còn phê phán Vũ Ngọc Phan khi làm bộ sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" đã bỏ sót một tài năng như Nam Cao.

Theo Tô Hoài, nhận xét như thế là hoàn toàn không hiểu gì về đời sống văn học thời kỳ ấy. Khi mới xuất hiện trên văn đàn, Nam Cao thường ký các bút danh : Nhiêu Khê, Thúy Rư, Xuân Du, và tác phẩm khi ấy chưa mấy đặc sắc nên cũng không gây được chú ý trong dư luận. Sau này, ông viết lên tay nhiều, song tác phẩm lại in ở những tờ báo, những nhà xuất bản không mấy tên tuổi, nên cũng không thực sự gây được tiếng vang sâu rộng trong dư luận.

Nói như Tô Hoài thì : "Thời bấy giờ, sách muốn được chú ý phải in ở NXB Đời nay, thứ đến NXB Tân dân, còn Đời mới là một nhà xuất bản nhỏ, sách in ra có ma nào đọc". Những nhận xét Nam Cao bị kiểm duyệt của thực dân cấm, không cho xuất bản tiểu thuyết "Sống mòn" cũng là không chính xác. Tiểu thuyết "Sống mòn" được Nam Cao hoàn thành vào thời điểm đời sống đang hết sức khó khăn, "gạo châu, củi quế", nhiều nhà xuất bản bị thua lỗ nặng nên ông "ngại" không dám đưa nhà xuất bản nào.
Chuyện cách đây sáu, bảy chục năm thì vậy, chuyện xảy ra cách đây chừng ba, bốn chục năm cũng không ít chỗ bị tam sao thất bản.

Hiện nay, có một xu hướng thích nhắc tới những cái gọi là "dích dắc" trong đời sống văn học quá khứ. Như chuyện xảy ra xung quanh việc in bài thơ "Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật, "Sẹo đất" của Ngô Văn Phú. Không ít tình tiết bị thổi vống lên, như thể sau những "vụ" này, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã mất hết cơ hội thăng tiến trên con đường chính trị, mà theo ý họ, bình thường ông có thể lên đến chức… Bộ trưởng (hãy xem nhà thơ Phạm Tiến Duật kể lại việc này trên tờ An ninh Thế giới Cuối tháng để thấy thật ra, mọi sự cũng không đến nỗi nặng nề như người ta tưởng).

Còn nhà thơ Ngô Văn Phú, đã có tờ báo viết như thể ông bị bầm dập đến… tơi tả, trong khi thực tế, hãy nghe ông kể lại một chút về vụ việc : "Ai cũng đồn tôi bị treo bút… Lúc ấy ông Bổng (nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, thủ trưởng của ông Ngô Văn Phú bấy giờ – HKH) bảo tôi hãy tạm làm phóng viên một vài tháng và nói : "Cậu hãy xuống vùng quê nào viết cho báo một bài bút ký. Cố viết cho hay vào".

Tôi liền xuống công ty Ong Thái Bình. Nửa tháng sau, tôi đem bài "M&ugrave
;a hoa bạch đàn" về. Ông Bổng đọc ngay rồi gặp tôi cười cười và bảo : "Được đấy!" và ngay số báo ấy, ông đăng luôn bài của tôi ở trang nhất. Dư luận về treo bút của tôi đã được giải tỏa. Tôi về tổ làm việc bình thường, như không hề có chuyện gì xảy ra" (xem "Chuyện văn chuyện đời" – NXB Lao động, 2004)

Thế đó, là người trong cuộc thì thấy "như không hề có chuyện gì xảy ra", cớ sao những người thuộc thế hệ sau lại cứ làm phức tạp vấn đề, "thương vay khóc mướn" dữ làm vậy!

Nhân đây, cũng cần nói thêm : Trong mấy năm qua, đã xuất hiện trên cả hệ thống báo chí chính thống lẫn trên mạng một số bài viết đề cập tới một đôi vụ việc xảy ra trên văn đàn nước ta vào nửa cuối những năm năm mươi (của thế kỷ XX), trong đó có một số thông tin và bình luận thiếu căn cứ. Họ dẫn ra một số ý kiến của "người trong cuộc", mà hầu hết là ở "một phía", với những ý kiến đầy hẹp hòi, thiên kiến.

Tập "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" cũng được họ lọc lựa một đôi chỗ để "lái" vấn đề theo cách nhìn chủ quan của mình, trong khi ai cũng biết, nhật ký là thể loại ghi lại những nhìn nhận tức thời, ở một thời điểm. Vả chăng, trong "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng", nhà văn cũng đã phê phán về tư cách, lối sống cùng quan điểm sáng tác của một số nhân vật mà hiện đang được những người nào đó "công kênh" như các đấng bậc "tử vì đạo", thì không hiểu sao lại không được… nhắc tới?!

Rõ ràng, căn bệnh "đại khái" đang ngày một chi phối đời sống văn học. Nếu chúng ta chấp nhận "sống chung" với nó, nghĩa là ta chấp nhận sự mai một của nhiều giá trị đích thực…

Hà Khải Hưng 
Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *