Thú thực, tôi không thường nghe vọng cổ và ngày nay, hình như với các bạn trẻ, bộ môn âm nhạc này không còn cuốn hút.

Nhưng một đêm, khi đang lang thang trên Youtube, bất chợt tôi bắt gặp bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" (soạn giả Viễn Châu) do "The King of Vong Co" Út Trà Ôn trình bày. Thật bất ngờ và thú vị, tôi đã nghe bài này một mạch hơn mười lần nhưng vẫn không thấy chán. Lâu rồi cái không khí, âm thanh của cổ nhạc làm tôi xao lòng đến vậy. Phải chăng do ca từ mộc mạc nhưng thấm đẫm trữ tình, do giọng ca chân phương nhưng thật "muồi" hay do lòng tôi luôn chất chứa tình quê?

Với "Tình anh bán chiếu", tôi cảm thấy cả một trời sông nước êm đềm, những mái nhà thấp thoáng dưới bóng vườn cây trĩu quả, những cánh đồng xanh mướt, những con người chân quê mộc mạc nhưng đầy ắp ân tình. Trong lời ca có cả những trưa hè lấp lánh dòng sông, những bình minh rực rỡ hoa nắng, những đêm thâu vằng vặc bóng trăng thanh… Ở đó có tiếng mái chèo, tiếng chim kêu, tiếng ếch nhái… Ôi, "tiếng đời" như hòa quyện với "tiếng đàn" làm lòng tôi bâng khuâng khó tả. "Ghe chiếu Cà Mau" – ghe chiếu chở tình, người đã đi mà kỷ vật chưa kịp trao tay và tình đã lỡ nhưng "sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai".

Tôi chưa bao giờ được thưởng thức "đờn ca tài tử" theo đúng nghĩa của nó, nhưng trong đêm bất chợt nghe bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu", thấy cái tình quê dào dạt, tràn đầy; thấy cái mêng mang sông nước… Phải chăng máu "tài tử" đã ngấm sâu vào mỗi con người được nuôi dưỡng bởi phù sa Cửu Long và chỉ cần một phím tơ rung là lòng lại quay trở về bên sông nước?

Cung đàn xưa – Báo Ấp Bắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *