Trưa ngày 15/9/2008, chúng tôi có một bữa nhậu khá tưng bừng tại quán Lẩu gà một chim. Thực khách gồm có tác giả "Thời của thánh thần" Hoàng Minh Tường, tác giả "Mảnh đất lắm người nhiều ma" Nguyễn Khắc Trường, tác giả "Cỏ lông chông" Đình Kính, tác giả "Thời để nhớ" Tô Đức Chiêu, tác giả "Lạc rừng" Trung Trung Đỉnh và tôi – anh chàng "Gió tháng Ba vẫn thổi". Lý do của bữa nhậu là nhà văn Đình Kính nhận nhuận bút tiểu thuyết "Vòng quay tăng-gô".
Không biết ngẫu nhiên hay sao mà trong 6 người thì có 5 người là học viên Nguyễn Du khoá I, chỉ có Hoàng Minh Tường học Đại học Sư phạm. Chúng tôi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm ba năm học Đại học Nguyễn Du. Cười ngặt nghẽo khiến các thực khách xung quanh nhìn chúng tôi như nhìn mấy vị cân Trâu Quỳ.
Tôi hỏi Đình Kính nhuận bút được bao nhiêu mà khao với vọng. Đình Kính bảo đủ bữa nhậu. Ông đưa cho tôi tờ phiếu chi ghi rõ nhuận bút là 1.554.000 đồng. Tôi ngạc nhiên : Sao lại có hơn một triệu? Đình Kính cự lại : Thì không nhìn thấy à, triệu rưỡi hiểu chưa! Viết cả năm, nào vi tính, nào đi lại mà gần 300 trang sách in ra được ngần ấy nhuận bút thì sống bằng văn chương sao nổi. Tôi đang nhai miếng thịt gà mà đắng ngắt trong miệng. Trời ơi, có hơn một triệu nhuận bút mà bắt gã khao thì có tội nghiệp không.
Tôi động viên Đình Kính : Ông vẫn còn phúc đấy, cánh nhà thơ chúng tôi phải bỏ tiền ra in thơ rồi thân tặng bạn bè.
Đình Kính kể rằng vừa hôm qua, gã và Bão Vũ đã mở hội ăn thề. Tôi hỏi ăn thề kết nghĩa vườn đào à? Đào với hoa gì, thề không viết văn chương gì nữa, nếu rỗi thì chỉ viết kịch bản truyền hình hoặc viết báo. Cách đây không lâu, Bão Vũ in tiểu thuyết "Vĩnh biệt vườn địa đàng" hơn 500 trang, bìa cứng hẳn hoi, được hơn 6 triệu nhuận bút nhưng không hiểu sao lại phải đóng thuế thu nhập 700.000 đồng. Cả NXB và tác giả đều mếu máo về quyết định ấy. Sau được "trên" vỗ về, bảo, cứ đóng theo quy định đi, cuối năm sẽ xét, nếu khó khăn thì hoàn trả. Nhưng rồi "trên" bận những chuyện vĩ đại khác, hơi đâu xét đến cái "chuyện vặt" ấy. Bão Vũ ta đành ngậm ngùi ngồi gõ cuốn tiểu thuyết khác.
Cả mấy người chúng tôi lặng lẽ không ai nói với ai câu nào. Buồn cho văn chương nước nhà đang vào vận bĩ chẳng khác nào chứng khoán vỡ trận. Nhà văn toàn anh dài lưng tốn vải có biết buôn bán, tham nhũng gì đâu mà nay lại thề không viết văn nữa. Đau thật!
Vừa nói đến Bão Vũ, thì như có thần giao cách cảm, Bão Vũ gọi điện đến. Tôi khoe bọn mình đang ngồi ăn khao Đình Kính được lĩnh 15 triệu tiền nhuận bút. Tay nhà văn có tiếng thật thà này bật cười rung cả chiếc mobil của tôi, đe sẽ tố giác tôi về tội đã tự tiện đổi tiền làm giảm giá trị đồng tiền hiện hành xuống còn 1/10. Rồi Vũ bảo : "Một triệu rưỡi! Biết tỏng. "Cùng một lứa bên trời lận đận"… mà còn xạo nhau".
Mọi người dồn vào Hoàng Minh Tường, anh chàng vừa nổi quả với "Thời của thánh thần". Tôi lục vấn : Quả này chú kiếm bao nhiêu triệu, sách nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Hoàng Minh Tường xoè hai bàn tay, khổ thế, lĩnh được 300 cuốn sách là tiền nhuận bút được hưởng, tặng bạn bè hết veo. Bây giờ ai xin lại nhào ra Đinh Lễ mua một cuốn, ký xoẹt một chữ. Thật không ngờ các bác ạ, sách bị in lậu bán đầy dẫy. Họ in lậu bìa không gấp, vứt cả chân dung tác giả do hoạ sĩ Lê Lam vẽ tặng em. Chưa biết nội dung có bị cắt xén gì không. Sách vừa ra thì bị cự nự, ăn liền 4 quyết định "dằn mặt", nộp phạt hành chính 5 triệu. Tác giả móm, chỉ có các vị đầu nậu vớ bẫm. Cơ quan quản lý nhăm nhăm soi tác giả để ra roi, còn bọn in lậu thì các vị ấy làm ngơ. Họ toàn giúp "tây" đánh "ta"! Tóm lại là nhà văn là con cóc viết bạc tóc cho con cò đầu nậu kiếm lời. Thưa các đại huynh, em viết cuốn "Thời của thánh thần" 4 năm, dồn hết cả núi tài liệu ki cóp bao nhiêu năm, để rồi chỉ được 300 cuốn sách nhưng lại bị phạt 5 triệu. Em hỏi có ở đâu như ở Việt Nam này không?
Bia rót tràn ra mà không ai muốn uống. Nhà văn cám cảnh như thế mà lúc nào cũng khệnh khạng ta đây trí thức đẳng cấp cao! Thế mà hàng năm, cả mấy trăm đơn xin lao đầu vào Hội Nhà văn. Khổ quá, người quà cáp, người chạy cửa này cửa khác, xin phiếu, nằn nì cầu cạnh để được đủ phiếu kết nạp. Vào được Hội rồi thì lại như bọn chúng tôi đây.
Còn Tô Đức Chiêu vừa xuất bản "Thời để nhớ" và đang có sách sắp ra ở Nhà xuất bản Công an Nhân dân thì sao. Tôi hỏi "Thời để nhớ" bao nhiêu nhuận bút? Chiêu cười như mếu : In từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có xu nào. Thế đấy, toàn những nhà văn sung sức viết như bổ củi mà chả mấy nhuận bút "tái sản xuất". Nguyễn Khắc Trường và Trung Trung Đỉnh thì thời gian qua không in cuốn nào nên không kể khổ. Còn tôi, nhà thơ bỏ tiền ra in đã thành thói quen như bà con nông dân cày sâu cuốc bẫm làm ra hạt thóc mà lỗ chổng kềnh. Vậy mà tôi đang in một tập truyện ngắn gần 300 trang chắc cũng chỉ để tặng bạn bè. Buồn ơi văn nhân đất Việt!
Nhưng có một điều lạ, kêu ca thấu trời như vậy, nhuận bút bèo bọt như vậy mà sách vẫn ra tì tì. Các bố nhà văn, anh gõ phím, anh bút bi cào giấy vẫn hì hục viết như động rồ. Tôi không biết ví cái sức sống mãnh liệt của nhà văn như một loại cây gì cho thích hợp. Cây xương rồng sa mạc? Cây phong lan rừng cháy? Cây rau muống ao bèo? Hay là ví như hồn cốt bất tử của dân Việt mình? Nghiệp chướng là vậy, đã mang cái nghề chữ nghĩa bề bề, không viết là thiểu năng tuần hoàn toàn thân. Nghĩ vậy, tôi đang định xin cấp có thẩm quyền phong cho đội ngũ nhà văn Việt Nam mình là Anh hùng Lao động!
Bữa nhhậu bỗng chán ngắt, chẳng ai muốn ăn nữa. Tô Đức Chiêu tranh trả tiền vì ông vừa được NXB Công an tặng thưởng 500.000 đồng. Đình Kính ngồi im đấy, "nhuận bút đểu" mà cũng đòi khao! Có 500.000 mà Tô tiên sinh rất "nghị Hách"!
Tôi cười giễu Đình Kính : Tớ nguếch ngoác cái bìa cho NXB ông vừa in sách được 500.000, vị chi vẽ 3 bìa bằng viết một tiểu thuyết. He he. Vì thế tớ nhảy sang vẽ dễ kiếm ăn hơn…
Trần Nhương – Theo SCL