Tôi xin minh họa bằng một câu chuyện nhỏ.
Cách đây ít lâu, trong một hội nghị bàn về học thuật tổ chức tại một tỉnh trung du, nghe nói có vị đại biểu cũng chỉ vì "ham nói" quá cho nên đã được mọi người vỗ tay… mời xuống. Thoạt đầu vị đại biểu này ngỡ mọi người tán đồng với bài nói của mình nên thoáng dừng lại (vì ngây ngất?) rồi lại tiếp tục "nhấn ga". Và vị đại biểu nọ chỉ hiểu ra sự tình khi vừa mới cất lời, mọi người lại ào ào vỗ tay, lần này… to hơn lần trước!
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đã kết thúc. Tại đại hội – theo như tổng kết của nhiều phóng viên báo chí – cũng có tới 90 % nhà văn khi đang phát biểu đã bị vỗ tay… mời xuống giữa chừng. Đây là sự cố ngoài ý muốn của nhiều người và để lại dư âm buồn. Sự thật thì không chỉ Đại hội Hội Nhà văn lần này mà từ một số đại hội trước, hiện tượng này đã xảy ra. Nó dễ tạo cho ai đó có cảm giác "Các nhà văn thường ít chịu nghe nhau". Sự thực thì nghe vẫn nghe, thậm chí nếu thích, các nhà văn có thể tặng nhau một tràng vỗ tay hoan nghênh nữa. Song thế nào để được họ thích, họ lắng nghe với một thiện ý, kể cũng không dễ đoán biết một khi ai đó đang cao hứng trên diễn đàn.
Và thế là, để tránh bị rơi vào tình huống dở khóc dở cười là đang phát biểu thì bị vỗ tay nửa chừng (với hàm ý: mời xuống), tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII (tháng 4/2005), nhiều nhà văn ta đã phải tìm kiếm những cách nói khá… ngộ nghĩnh, ấn tượng, cốt sao "cù" được các đại biểu. Như thế mới mong họ "mát tính" hơn và có điều gì không nên không phải thì cũng sẵn sàng "bỏ quá" cho nhau.
Có một thi sĩ (xin lỗi tôi không nhớ chính xác được tên, chỉ biết đâu như người miền trong), trước khi vào bài tham luận của mình đã phải khẩn khoản: "Bài viết vòng vo khá dài, xin đề nghị mọi người không… vỗ tay đuổi xuống, kẻo lớp trẻ cười cho". Không dừng ở đây, trong quá trình thể hiện bài tham luận, thi sĩ còn trổ hết tài… ngâm thơ, truyền hịch, lúc lên bổng, khi xuống trầm, làm cho hội trường như lạc vào một mê hồn trận và thế là cuối cùng ông cũng đọc được trọn vẹn bài tham luận dài dằng dặc của mình mà không gặp phải một sự cố nào.
Nữ nhà thơ Thu Nguyệt cũng "thoát hiểm" nhờ trước khi mở màn bài phát biểu có phần "ngây thơ" của mình, chị đã ỏn ẻn giải thích một cách rất… thật thà: "Tôi cần có tham luận vì tôi đi dự đại hội bằng tiền của Nhà nước", khiến cả hội trường phải bật cười.
Khác với trường hợp của nhà thơ Thu Nguyệt, nhà văn Ông Văn Tùng chỉ đăng ký phát biểu… vo. Thường thường, xác suất bị vỗ tay mời xuống trong những trường hợp này là khá cao, cho nên trước khi phát biểu, ông phải "hắng giọng" bày tỏ nỗi niềm: "Năm nay tôi bảy mươi tuổi, Đại hội VIII chắc gì đã dự được. Ngay như hôm nay, khi chúng ta ngồi đây thì có một đồng nghiệp của chúng ta đang hấp hối trên giường bệnh. Bởi vậy tôi nghĩ, tốt nhất tôi cứ nói trước đi, kẻo sau này không kịp". Thôi thì, trưởng lão đã có lời vậy, các nhà văn ta cũng chẳng hẹp hòi gì.
Rút kinh nghiệm từ lần tán dông tán dài trước khi thông báo kết quả bầu Ban Chấp hành (khiến anh em phải vỗ tay phản đối), buổi chiều hôm kết thúc Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VII, nhà văn Lê Thành Chơn đã rón rén lên thông báo kết quả bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội bằng một câu nói khiến các đại biểu phải phá lên cười, hài lòng: "Tôi là người lính bảo gì làm nấy. Lúc nãy các anh đuổi tôi xuống, tôi xuống. Nay các anh bảo tôi đọc, tôi đọc".
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi phát biểu khẳng định "như đinh đóng cột" rằng thơ trẻ Việt Nam sau 1975 vượt hơn thơ của các tác giả có mặt trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh – Hoài Chân đã khiến nhiều "cụ" ngồi dưới "ngứa ngáy". Đến khi anh "lia một băng" tới hàng trăm cái tên tác giả trẻ mà anh cho là rất xứng danh thì lập tức bị các bậc trưởng lão "phát hiện" ra và họ "ngắt" ngay bởi… một tràng vỗ tay. Nhanh trí, Nguyễn Việt Chiến đã rút gọn đoạn dẫn của mình bằng câu "và còn nhiều nhà thơ khác nữa" khiến các đại biểu cười ồ. Nhân đó, anh tranh thủ đọc thêm được một đoạn nữa trước khi chuyển nhanh sang kết bài.
Nhà thơ Trần Anh Thái có một tham luận đọc trước đại hội năm ấy cũng được nhiều người xem là khá "động chạm" (nhất là đối với các nhà văn cao tuổi). Tuy nhiên, sau khi buông ra câu nhận xét: "Nhìn ở đại hội này, tôi rất buồn vì thấy đa phần là các gương mặt già nua. Phải gọi đại hội này là đại hội của các nhà văn 60" thì ngay sau đó, anh đã khiến các đại biểu phải cười nghiêng ngả bởi cái… điều tra xã hội học: "Người trẻ nhất tham dự đại hội là Nguyễn Ngọc Tư cũng qua thì xuân xanh rồi". Mặc dù "thoát hiểm" vậy song khi Trần Anh Thái rời diễn đàn, những tiễng vỗ tay cất lên thật thưa thớt. Nó càng thêm lần chứng tỏ nhận định anh đưa ra là đúng: Số đại biểu trẻ có mặt tại đại hội này cũng chẳng là bao.
So với Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, hình như nhiều nhà văn tham gia phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII ít có "khiếu hài hước" hơn? Ví như, cũng là phát biểu về sự "lão hóa" của Hội Nhà văn, về việc cần ưu ái quan tâm đến các nhà văn trẻ, song ngay sau khi có phát biểu "sơ sểnh", khiến các bậc nhà văn bô lão nổi cáu, nhà thơ Trần Anh Thái đã có cách né đòn "đáng yêu" (như đã dẫn chứng ở trên), trong khi nhà thơ Dương Thuấn lại không làm được điều đó, để rồi bị vỗ tay… mời xuống một cách kiên quyết. Tất nhiên, mỗi người có quyền lựa chọn cách thể hiện của mình sao cho phù hợp với tính cách và quan điểm của mình. Nhưng suy cho cùng, trong bối cảnh mà các nhà văn ai nấy đều "khó đăm đăm" như vậy thì việc "cù" được họ để nói trọn ý mình cũng là điều đáng lưu tâm chứ sao?
Theo Trần Hữu Thanh – CAND Online