Dân đi lưới cá bông lau ở cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách – Sóc Trăng) năm nào cũng thắt thỏm đợi mùa gió chướng. Tháng 10 (âm lịch), gió chướng về lồng lộng đôi bờ sông Hậu, cá bông lau cũng theo nước biển len lỏi lên hai cửa Định An và Trần Đề. Mùa ra sông buông lưới kéo dài đến tháng 2 mới ngớt…
Và vội chén cơm nguội, tôi nhảy tót xuống chiếc xuồng lưới anh Út Chơn đang nổ máy đợi sẵn. Xem đồng hồ, 2 giờ 32 phút. Anh Út nháy mắt, tôi nhìn lên bến thấy chị Út đứng lẩm bẩm trách yêu chồng : "Mê gì mê dữ vậy hổng biết, nhãn chín rục cây không chịu ở nhà hái, tối ngày lo lưới cá!"
LỘC CỦA BIỂN
Anh Út bảo tôi về lúc này là hơi sớm, trời mới vừa chuyển gió (năm nay chướng về sớm thiệt!), đợi thêm chừng hơn tháng nữa thôi, tôi mặc sức theo anh bắt cá. Anh Út kể : "Cao điểm của mùa cá năm rồi rơi vào những ngày trước và sau Tết. Dân đi lưới vì vậy cũng ăn Tết trên… sông. Thấy ham lắm, có xuồng đi mỗi ngày bắt được 9 – 10 con, bỏ túi cả triệu ngoài ngon ơ. Tui mê đến nỗi mùng 2 Tết quên luôn ở nhà, "bả" bực mình cằn nhằn miết". Là một trong những người đầu tiên đi lưới cá bông lau, theo anh Út, nghề lưới chỉ xuất hiện ở cồn Mỹ Phước trên mười năm nay. Trước người ta chỉ bủa câu, mà bủa câu tốn nhiều công sức lắm, lại dính toàn cá nhỏ. Mồi câu thường là gián, kiếm mồi "dụ" cá cũng đủ mệt. Một giàn câu tốn vài trăm con gián (mua 100 đồng/con), dính cá lèo tèo 1 – 2kg coi như lỗ trắng. Hiện nay, cồn Mỹ Phước có trên 30 xuồng lưới, tuy chỉ mới đầu vụ, nhưng mỗi ngày trung bình bắt được khoảng 100 con cá bông lau. Cá mắc lưới không con nào dưới 3kg, cân tại chỗ 40 – 50.000 đồng/kg. Anh Út nói : "Thấy cá thì ham thiệt, nhưng ít người đủ vốn để đầu tư cho… đồ nghề. Giàn lưới 4 – 6 triệu bạc (đặt mua tận Lấp Vò – Đồng Tháp), sắm thêm xuồng, máy nữa cũng chừng đó tiền". Anh Hải "Hô", bạn của anh Út cho biết : "Thấy ham như vậy nên dân đi lưới cá bông lau ai cũng… "ước gì" cá có quanh năm suốt tháng. Mà cũng ngộ, cái con cá bông lau, vào cuối mùa mắc lưới không gỡ kịp bữa trước, bữa sau giăng điệp trùng cũng không dính con nào".
Tôi đã gặp nhiều người đi lưới nơi đây, gặp cả những người giăng câu ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung), không ai biết chính xác tại sao cá bông lau chỉ tập trung nhiều trên một đoạn sông chừng 10 cây số bên nhánh sông Hậu đổ ra cửa biển Định An (đoạn cuối cồn Mỹ Phước đến đầu Cù Lao Dung). Nghe mọi người phỏng đoán, đoạn sông này nước sâu đến mười sải tay, dưới đáy lại có rạng đá nên cá hẹn nhau về… giao phối. Lại nghe chắc đoạn sông này có luồng nước xiết, mà cá bông lau là loài thích vẫy vùng. Anh Út Chơn cười lớn : "Thấy vậy thì đoán vậy thôi, với tụi tui, biết được khúc sông nhiều cá là ngon rồi. Một buổi thả và kéo lưới, tốn chừng 3 lít xăng cho hai chuyến đi, về – anh Út búng tay – dính một con thôi cũng sống… phẻ!"
RA SÔNG
Rời con xẻo nhỏ dưới chân những vạt bần xanh ngắt, xuồng chúng tôi từ đuôi cồn Mỹ Phước chạy xéo về phía cửa Định An. Anh Út Chơn đứng lái, gương mặt đầy vẻ háo hức, thỉnh thoảng nhắc tôi "mồi" dùm điếu thuốc. Xuồng đã rất xa bờ, sóng cũng dữ dằn hơn, chưa bao giờ tôi thấy sóng trên sông… khủng khiếp đến vậy. Sóng nện mũi xuồng chan chát, bộ đồ tôi mặc đã ướt mem, nghe trên lưỡi, trên môi vị mặn râm ran của nước biển. Và tôi nghe, trời ạ, một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó đang rục rịch trong tôi. Nhìn anh Út Chơn bình thản điều khiển chiếc xuồng con lách từng ngọn sóng, tôi mới an tâm tự cho phép mình thưởng thức cái cảm giác như được… đánh đu cùng sóng nước!
Nơi đây gần cửa biển, mặt sông rộng mênh mông. Trong tầm nhìn, tôi đếm được gần 20 xuồng lưới lênh đênh trên trên sóng. Mỗi xuồng chỉ 1 – 2 người đi, trọng tải không quá 1 tấn. Người điều khiển đứng trên những chiếc xuồng lưới nhấp nhô bé tí trông chẳng khác gì vận động viên lướt ván. Anh Út tắt máy, nói tỉnh queo : " Ngồi tào lao chơi, thả xuồng trôi tới đầu Cù Lao Dung thả lưới". Thời gian trên sông trôi thật nhanh, khi anh Út thoăn thoắt buông lưới, tôi xem lại đã gần 5 giờ chiều. Lúc này tôi mới hiểu anh Út đưa xuồng đến gần cửa biển rồi thả trôi là để đón đầu con nước. Thả lưới phải canh đúng thời điểm con nước đứng lớn hoặc đứng ròng. Lưới được thả vắt ngang sông. Lưới cá bông lau mỗi mắt rộng 14cm, cá dưới 2kg cứ "vô tư" luồn qua, từ 3kg trở lên thì… khó thoát. Mỗi tay lưới dài 550 – 600m, cách 8m mắc một vòng sắt nặng 0,5kg để giằng lưới, bên trên buộc phao nổi đảm bảo chiều cao lưới từ đáy sông trở lên khoảng 6 – 7m, sẵn sàng "đón" cá bông lau hay ăn ở tầng nước thấp.
AI LÀ … TRIỆU PHÚ?
"Triệu phú", là cách nói vui của những người đi lướ
i. Cứ vài ba hôm lại nghe có người trúng lưới, trở thành… triệu phú. Anh Hải "Hô" nói : "Dễ ẹc chứ gì, chú Ba Đương nè, tối hôm kia dính được 9 con, cân gần 40 kí lô". Ông Ba Đương neo xuồng kế bên, với tay lòn qua tôi chay rượu trắng, cười hề hề : "Cũng hên xui chú ơi, nhìn phao thì biết, khúc sông này lưới giăng dày đặc tưởng không con cá nào lọt lưới được. Vậy chứ lầm chết à nghen, có khi lưới tui trúng đậm, còn lưới thằng cha "sát nách" kéo lên không dính con nào". Ông Ba nói tiếp, suýt chút nữa tôi đã ôm bụng cười : "Con cá bông lau vào lưới giống như chú đi… nhậu vậy. Bữa nay chọn quán này, mai chọn quán khác, hổng lẽ vô hoài một quán, hổng lẽ dính hoài một lưới, phải hôn?". Tôi gật, hỏi : "Nghe nói hôm nay chú không thả lưới, bỏ uổng vậy?". Quay sang anh Hải, ông Ba chặc lưỡi : "Tui đâu được khỏe như mấy thằng này, sức vóc đâu mà ngày nào cũng đi. Chạy ra đây cho đỡ… nhớ, sẵn kiếm đứa nào mượn đỡ một con qua nhậu với anh sui". Thật khó tưởng tượng, cá sông mà cũng dễ dàng "mượn đỡ" làm đồ mồi. Trước khi tháo dây, nổ máy chạy vào đất liền, ông Ba còn tếu táo cho tôi biết tiểu sử trích chéo về cái biệt danh của anh Hải : "Thằng Hải là vua… sát cá. Hồi trước, nó bắt được con cá hô nặng 115kg, bởi vậy anh em mới kêu là Hải… hô. Chú ở đây coi, lát nữa kéo lưới, hổng chừng nó là triệu phú thiệt".
Đêm ở sông, có cảm giác bóng tối cô đặc phía bờ xa theo sóng nước loang dần rồi trùm phủ cả mặt sông. Đèn phao nhảy nhót trên sóng nước. Không hẹn mà đi, mọi người lặng lẽ nổ máy tiến về phao lưới của mình. Tôi hồi hộp căng mắt quan sát từng động tác kéo lưới của anh Út Chơn. Hết một buổi chiều và một buổi đêm trên sông, phơi nắng và tắm sóng, nhẹ nhàng buông lưới rồi nặng nề kéo lưới, không thể nói cái nghề này không vất vả. Lưới kéo lên chất gần đầy khoang xuồng mà chưa thấy… động tĩnh gì. Như sợ tôi nản lòng, anh Út khẳng định chắc nịch : "Chắc chắn phải dính cá thôi, làm sao không có được!". Tôi ngó mông lung mặt sông, định dẹp máy ảnh thì nghe anh Út kêu : "Đây nè, dính rồi, con này không dưới 6 kí lô!"…
* * *
Sáng hôm sau, tôi rời cồn Mỹ Phước, không kịp ở lại ngồi quán cà-phê đầu xóm để nghe anh em cho biết đêm qua ai là… triệu phú. Anh Út Chơn thì chắc chắn là không. Muốn trở thành "triệu phú" phải "cày" trắng đêm trên sông đợi thêm con nước khác. Mà dân đi lưới, có ai là triệu phú đâu. Anh Út nói đây chỉ là công việc "thời vụ", cực nhọc chút đỉnh nhưng thu nhập khá hơn làm mướn, đỡ hơn chỉ biết ngồi nhà ôm "cục đất" vài ba công với giá trái cây đáng mùa… bèo bọt.
Cá bông lau kho tộ |
Mùa cá bông lau chỉ mới bắt đầu, nhưng tôi tin đây là mùa của hy vọng, vì dân đi lưới nơi đây đều tự hào rằng mình không bao giờ khai thác cá theo kiểu tận thu. Cá nhỏ lọt lưới năm qua đã về với biển, nay đến mùa sẽ lớn lên và… "đến hẹn lại lên". Cá bông lau ở khúc sông này như một thứ "của để dành", một món quà phóng khoáng và tử tế của sông của biển….
Hồng Bỉnh Hiếu – Theo SCL