Mít tố nữ, chôm chôm, nhãn, dâu, mận, xoài, cóc, ổi… Ôi, sao mà thèm! Ước gì có đủ tiền để chỉ ăn trái cây mà sống. Bây giờ Sài Gòn đang giữa mùa trái chín, ngoài đường xe hàng rong bán toàn trái cây, trong chợ trái cây cũng bày la liệt.

Nhớ lại chút kỷ niệm tuổi thơ. Hồi tôi mới ở quê tản cư lên Sài Gòn học trường Chợ Quán, có con nhỏ bạn rủ tôi về nhà chơi sau giờ tan học. Cha mẹ nó bảo tôi ăn cơm luôn, ăn những gì bây giờ tôi quên hết rồi, nhưng nhớ đặc biệt là cuối bữa ăn, bà bếp dọn lên một dĩa to trái cây gọt sẵn. Sau khi ăn xong, mọi người lên nhà trên, bà bếp dọn bàn ăn sạch sẽ, trải khăn bàn mới trắng tinh, rồi đặt giữa bàn một giỏ trái cây. Hình ảnh giỏ trái cây chưng trên bàn ăn trải khăn trắng đó tạo một ấn tượng gần như “mẫu mực” về sự sang cả, một lối sống mà đứa con nít là tôi hồi nó đặt làm mục tiêu phấn đấu cho đời mình.

Suốt thời niên thiếu, tôi luôn mơ đến một không gian có cái bàn ăn trải khăn trắng chưng một giỏ trái cây. Trong tất cả các thể loại tranh, tôi thường dễ xúc động khi ngắm những bức tĩnh vật vẽ trái cây trong bố cục gợi liên tưởng đến không gian một góc bếp hay góc phòng ăn. Nó luôn luôn làm sống dậy trong tôi ấn tượng kỳ lạ mà đứa trẻ tám chín tuổi ở nhà quê mới lên Sài Gòn, lần đầu bước chân vào một ngôi “nhà giàu” đô thị, thấy những trái bòn bon, măng cụt (đầy nhóc trong vườn nhà mình dưới quê) được trưng bày như một kỳ quan, không chỉ để “ăn”, mà còn để “đẹp”.

Thực ra hồi ở quê, tôi vẫn thấy người ta chưng trái cây hoài : trên bàn thiên (thờ trời ở sân trước nhà ngoại) thường có dĩa trái cây hái trong vườn, tùy đợt trái chín mà có khi là bòn bon, ổi, mận, mãng cầu, sa-pô-chê, bưởi, chuối. (Phải là chuối sứ, chứ không được cúng chuối già, cũng không hiểu tại sao không chưng sầu riêng hay mít.) Ngày giỗ, Tết, bàn thờ trong nhà cũng chưng những mâm trái cây lộng lẫy. Đôi khi đi coi đám cưới đám hỏi trong xóm, tôi cũng thấy những mâm trái cây tú hụ, loại đắt tiền và tươi rói. Và khi chạy qua chùa chơi, tôi vẫn hồn nhiên xin lộc Phật trong những mâm trái cây người ta dâng cúng chùa. Trước khi xin còn ngắm nghía tới lui để lựa trái ngon. Mà tại sao không có ấn tượng “sang cả” gì hết? Chắc là những trái cây đó chỉ là trái cây.

Nhưng như nhiều thứ khác hồi nhỏ, khi lớn lên, mình biết đó chỉ là ảo ảnh hay giấc mơ hoang đường, hoặc là “chuyện con nít”, có nhắc lại chỉ để cười xòa. Sau vài phen thực hành chưng trái cây khi mình đã có nhà riêng, phòng riêng, tôi không bận tâm nữa, vì lúc đó cuộc sống cuốn mình theo một nhịp khác; và thực ra, càng ngày càng có thêm nhiều hình ảnh ấn tượng khác liên tiếp đè lấp lên nhau. Lãng mạn tuổi thơ bị lấp bằng sự sáng suốt thực dụng. Trái cây trở lại là trái cây. Đep xấu gì cũng được, miễn là tươi ngon, và theo như kiến thức khoa học ngày nay thì nên ăn trái cây khi chúng còn tươi (mới hái càng tốt), chưng càng lâu càng hao hụt nhiều sinh tố .

Dù vậy, tình yêu trái cây đẹp không hề suy suyển trong tôi. Có cần phải trau chuốt chữ nghĩa để tả cái đẹp của trái ổi xá lị đang chua hay trái mận hồng đào chín ửng trong nắng? Có một lần nằm đưa võng dưới một gốc xoài, bỗng nhiên thấy nắng chiếu qua kẽ lá, những trái xoài lẩn trong lá lúc lỉu, nổi bật những đường cong gợi cảm, thực tình nước miếng ứa đầy miệng. Tôi thích ăn xoài khi nó hườm hườm như vậy, bằm nhuyễn dằm nước mắm ớt… Dĩ nhiên, xoài chín cũng ngon, nếu là xoài ngon.

Tôi có chị bạn mỗi lần về Việt Nam phải canh đúng mùa vú sữa chín. Chị về vườn, ngắm trái vú sữa căng tròn, da bóng láng, màu ngà ngà phơn phớt hồng. Rồi chị hái trái vừa chín tới, nâng niu nó trong lòng bàn tay, nhè nhẹ vò nó đến khi mềm uột, rồi rứt mạnh cái cuống, để từ lỗ cuống ứ ra dòng “sữa” trắng ngọt thanh, và chị bú mút trái vú sữa như đứa trẻ sơ sinh bú vú mẹ. Hạnh phúc chỉ bình thường vậy thôi. Tình yêu quê hương chỉ đơn giản vậy thôi. Không phải ở trời Tây không có trái gì ngon hơn trái vú sữa, cũng không phải không ở đâu khác Việt Nam có trái vú sữa. Nhưng như con cá hồi vượt sóng gió đại dương và ghềnh thác sông suối, trở về nơi nó ra đời để đẻ trứng (khoa học chưa giải thích được tại sao con cá có được “bản năng” này), bạn tôi cũng phải trở về đúng quê nhà ăn trái vú sữa chín giữa mùa, như một nhu cầu tâm linh, không cần giải thích hay dán nhãn hiệu nào cả.

Tôi biết nỗi buồn ly hương từ hồi tám tuổi, khi xa ngôi nhà nhỏ của mẹ tôi trong vườn trái cây Lái Thiêu về sống ở Sài Gòn. Đường Sài Gòn – Lái Thiêu chỉ dài 23 cây số, nhưng với đứa con nít và trong thời chiến tranh thì xa xôi cách trở vô cùng. Sài Gòn có đủ thứ, và một hôm, tôi đi ngang chợ, đứng lại bật khóc. Người ta tội nghiệp hỏi tại sao, tôi nói tại tôi thấy trái sầu riêng. Tại sao thấy trái sầu riêng mà khóc? Tôi không biết. Tôi chưa biết diễn tả lòng mình. Chỉ khóc thôi. Sầu riêng vườn nhà chín, ông ngoại biểu dì tôi đem một trái lên Sài Gòn cho cháu. Dì đi bán hàng bông ở chợ An Đông, định tan chợ mới đem quà cho cháu, để trái sầu riêng chín cây bên cạnh mớ cà mướp, thơm không chịu nổi, có người đòi mua giá cao, dì bán luôn. Đám giỗ, tôi được về ngoại, ông ngoại hỏi cháu ăn sầu riêng có nhớ ông ngoại không, tôi ngớ ra. Khi biết dì đã bán trái sầu riêng đó, tôi giận dì không nói được, bất kể sau đó dì chuộc lỗi bằng cách mua cho tôi nhiều thứ thơm ngon khác. Đâu phải trái sầu riêng nào cũng là trái sầu riêng đó. Mà đó là trái sầu riêng ngon nhất trên đời, trái sầu riêng của ông ngoại cho mà tôi hụt ăn.

Không phải chị bạn tôi cầu kỳ, hay tại tôi viết văn nên vẽ hoa thêm bướm. Trái vú sữa ăn ở Vancouver khác trái vú sữa ăn ở bờ giếng dưới bóng râm cây vú sữa mọc trên đất cát Tây Ninh nhiều lắm. Trái sầu riêng cơm vàng hột lép mua ở chợ Viet Hwa, Seattle làm sao giống được trái sầu riêng chín cây rụng trong vườn nhà ngoại. Trái xoài Mỹ là trái xoài nhập từ Trung Mỹ, khi chín có màu đỏ lịm rất đẹp, ăn cũng ngọt ngọt chua chua, lúc nó hườm hườm đem bằm ra dầm nước mắm ớt cũng ngon, nhưng chỉ đỡ ghiền, chứ làm sao đỡ nhớ được. Dài dài theo con đường chính từ quận Quốc tế (International district) của Seattle lên khu chợ Việt chợ Tàu vào mùa hè bày la liệt đủ các loại trái cây nhiệt đới lẫn ôn đới. Mỗi lần đi ngang qua thấy trái nhãn tái mét, trái sầu riêng đông lạnh, lại kiềm lòng ngoảnh mặt đi nhanh (đâu còn là con nít nữa!).

Lý Lan
(Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *