Gần đây, văn đàn mạng Trung Quốc xôn xao trước thông tin cây bút trẻ Chu Hồng Chí, 22 tuổi, kiếm được tới 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 300.000 USD) mỗi năm từ các cuốn tiểu thuyết đăng tải trên Internet. Đích thân Chu Hồng Chí lên tiếng cải chính rằng đây là con số phóng đại, thực tế chỉ… hơn 1 triệu NDT!
Chu Hồng Chí |
Chu Hồng Chí xuất thân từ huyện Bảo Ứng, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Đang theo dở khoa Toán ở Trường Đại học Tô Châu, Chu quyết định bỏ “ngang xương” để viết văn online và nhanh chóng gặt hái thành công. Thực ra trong 2 năm đèn sách đại học, Chu đã mê mải với ngòi bút và tung lên mạng những bộ tiểu thuyết gộp lại hơn 6 triệu từ, thu hút hơn 3 triệu lượt người xem.
Trước khi tin về thu nhập khổng lồ gây ồn ào dư luận, Chu đã là một trong những nhà văn mạng nổi tiếng nhất Trung Quốc với bút danh “Tôi ăn cà chua”! Sở trường của Chu là tiểu thuyết kiếm hiệp cổ, một đam mê từ thuở nhỏ của anh mà thần tượng là bộ ba “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực này: Kim Dung, Cổ Long và Ngọa Long Sinh. Bộ sách kiếm hiệp đầu tiên Chu vớ được là Ỷ thiên đồ long ký (Kim Dung) và cậu bé đã ngấu nghiến nó chỉ trong vòng một ngày. Nhưng nhân vật yêu thích của Chu Hồng Chí không phải là từ các bộ chưởng Kim Dung mà là Lý Tầm Hoan (Tiểu lý phi đao) của Cổ Long. Bị hút hồn bởi những người hùng trượng nghĩa trong các tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh đó, Chu bắt đầu đam mê thể loại này.
Cứ lúc nào rảnh rỗi, Chu lại tìm kiếm các tiểu thuyết kiếm hiệp để đọc. Anh mượn của bạn bè, mượn thư viện hay mua bằng những đồng tiền chắt chiu. Khi không còn bộ nào đáng đọc nữa, Chu cảm thấy thất vọng, không đồng tình với số phận nhiều nhân vật. Vậy là anh quyết định tự viết tiểu thuyết kiếm hiệp của riêng mình để tự định đoạn cốt truyện! Ngay từ khi ngồi trên ghế trường trung học, Chu đã viết xong cuốn kiếm hiệp đầu tiên của mình mang tên Tinh phong truyền thuyết. Vừa viết, Chu vừa đăng trên mạng và cuốn sách nhanh chóng được đông đảo người theo dõi. Khi Chu học đại học, Tinh phong truyền thuyết chính thức được xuất bản dưới dạng sách in.
Khó “vẹn cả đôi đường”
Năm 2005, Chu đỗ đại học và anh vừa học tập, vừa viết với tốc độ “điên cuồng” tới 9.000 chữ mỗi ngày. Chu thậm chí không còn thời gian để tập thể dục hay giao du bạn bè. Tuy bận rộn như thế, năm đầu ở đại học Chu vẫn đạt điểm số khá cao. Nhưng đến năm thứ hai, khi danh tiếng bắt đầu lan rộng, lượng độc giả ngày càng tăng, áp lực sáng tác bắt đầu đè nặng. Rốt cuộc khi bắt đầu năm thứ ba đại học, sau khi đạt đẳng cấp “Long thủ” trên trang web kiếm hiệp, Chu bắt đầu… tẩu hỏa nhập ma! Anh phải nằm viện một tháng vì làm việc quá sức. Chu dần nhận ra không thể vừa học tốt, vừa viết hay được nữa: “Tôi thực sự muốn học đến nơi đến chốn. Nhưng tôi ngày càng phải nghỉ học nhiều hơn vì hàng chục nghìn độc giả đang háo hức chờ đợi trên Internet mỗi ngày. Vừa xay lúa vừa ẵm em thật là khó”. Chu quyết định bỏ học và theo đuổi nghề viết.
Văn đàn mạng có một thuật ngữ gọi là “Guru” (Đại thần) để chỉ một người viết nổi tiếng, có danh, “sản xuất” tác phẩm nhanh với tốc độ chóng mặt. Chu đạt đến đẳng cấp “Guru” đó. Khi còn đang học đại học, anh đã tung ra những bộ kiếm hiệp có tổng cộng hơn 6 triệu chữ và đến giờ con số đó lên đến gần 10 triệu chữ. Một số được xuất bản thành sách không chỉ ở Đại lục mà còn ở cả Đài Loan. Chu tự tin rằng anh không bao giờ cạn đam mê và cảm hứng sáng tạo thường xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như tin tức, phim ảnh hay cả những câu chuyện trong đời thật.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao thu nhập của một nhà văn Internet như Chu lại có thể cao như thế? Thu nhập của các cây viết được tính theo số lượng độc giả đăng ký và mỗi người phải trả 1 hào (0,1 NDT) cho 5.000 từ. Tỷ lệ ăn chia theo là 30% cho trang web, 70% cho tác giả. Nếu một tác phẩm được khoảng 20.000 người đọc và nhà văn đó viết khoảng 300.000 từ mỗi tháng thì có thể đạt thu nhập lên tới gần 100.000 NDT/tháng. Chu là một trong những nhà văn hạng “bạch kim” trên mạng với hơn 20.000 fan sẵn sàng trả tiền để đọc tiểu thuyết của anh. Mỗi tháng Chu viết gần 300.000 chữ nên năm ngoái thu nhập hơn 1 triệu NDT là chuyện dễ hiểu.
Nổi tiếng, giàu có ở độ tuổi còn quá trẻ nhưng Chu thổ lộ rằng những nhà văn online như anh gặp không ít khó khăn mà mọi người khó mà biết được. Sự cạnh tranh trên văn đàn mạng ngày càng quyết liệt. Một tác phẩm được tung lên luôn có số phận mịt mờ vì nó phụ thuộc vào độc giả. Và những nhà văn online cũng đối mặt với tương lai bất định bởi họ có thể bị chìm nghỉm nhanh chóng trong làn sóng đông đảo người viết hiện nay. Với chiếc laptop luôn kè kè bên cạnh mọi lúc, mọi nơi, Chu buộc phải viết ngay lập tức mỗi khi có thời gian trống. Một lời khuyên rất thành thật của Chu đối với những thanh niên Trung Quốc đang háo hức muốn bỏ học, bỏ công việc đang làm để trở thành nhà văn online chuyên nghiệp: “Hãy nghĩ cho kỹ trước quyết định mạo hiểm đó”.
Theo Vũ Trung Sơn – Thể thao và Văn hóa