Đó là thời điểm nào? Hình như là trước cả khi lần đầu “bị” thao thức về một mái tóc dài, tôi đã nghĩ đến ngôi nhà cho mình. Bài học thuộc lòng từ ngày mới cắp sách chẳng đã nói: Con chim có tổ/Như ta có nhà là gì!
Lạ là, ngôi nhà ấy nó sẽ như thế nào, tôi chưa bao giờ hình dung một cách trọn vẹn, nhưng hai hình ảnh luôn hiện ra trong tâm trí tôi đó là bến sông và mảnh sân có bóng mát cây trái.
Tôi sinh ra ở miền sông nước Cửu Long, nơi xóm làng hình thành bắt đầu từ những dòng sông, kinh rạch. Ở đây dòng nước là hướng mặt tiền để mọi nhà nhìn ra. Và cả chợ nữa, không có bến nước thì không thể hình thành một ngôi chợ. Vì thế, tôi sẽ không thể hình dung ra một ngôi nhà nếu không có trước mặt sân một bến sông, một chiếc sàn nước, khi nước lớn một nửa sẽ chìm xuống và một chiếc xuồng neo buộc.
Còn mảnh sân có bóng mát cây trái là có từ một ký ức tha hương. Ngôi nhà đầu tiên trong đời mà tôi còn nhớ là ngôi nhà của ông bà nội tôi, bên bờ sông Hàm Luông, huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Trước sân nhà có cây xoài lật gốc, nhà gọi là cây xoài quỳ, nằm rạp góc sân nhưng vẫn cơ man là trái, trái nằm la liệt cả trên mặt đất. Đầu hè, kề bên lu nước có chiếc máng hứng làm bằng thân cây cau già bổ đôi, một cây khế hai người ôm không giáp, thân rỗng như cái ống bộng, bên trong là hang ổ của tắc kè, đêm đêm tiếng kêu rền của chúng đã hù doạ tuổi thơ tôi. Sau nhà là vườn cam quýt, nơi tôi có thể ngồi hàng giờ xem kiến vàng và kiến hôi đánh nhau trên những dây chuối mà ông tôi cột giăng từ cây này qua cây kia để làm cầu cho kiến. Cam quýt bị kiến hôi bu sẽ chai đèo, chỉ có nước đái kiến vàng mới trị được đám kiến hôi. Bảy tuổi thì tôi phải rời khỏi ngôi nhà này.
Ngôi nhà mà tôi sống nhiều năm và lớn lên, do thời cuộc, lại ở nơi tha hương, một vùng đất ngập mặn gần chót mũi Cà Mau. Ở đây, mùa hạn vườn nhà có được một ao nước ngọt đã là chuyện hiếm, nói gì mơ đến một vườn cây ăn trái. Nhưng riêng sân nhà tôi lại là mảnh vườn thu nhỏ với xoài, sabôchê (hồng xiêm), lêkima, cam, bưởi… Hiếm hoi những gốc cây này mới cho được đôi trái. Những trái ấy trở thành niềm vui lớn lao của tuổi thơ tôi, nó là món quà được nỗi nhớ quê của ba tôi ban tặng.
Tôi lớn lên, xa góc sân ấy, những bóng cây ấy, trôi theo cuộc chiến. Vẫn chưa khi nào nghĩ rằng rồi có ngày mình sẽ trở thành một người thành thị. Mà điều đó lại xảy ra. Bến nước, bóng cây khuất dần sau nhiều năm “ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Khi tôi lập gia đình, chỉ còn phủ trùm bóng đen cơm áo. Dấu vết thời ấy vẫn con hằn trong những câu thơ buồn: … con tôi đêm đêm trở giấc/khóc khuya/vợ tôi sáng chiều cơm độn bo bo/làm sao đủ sữa/nhìn con mút tay không nỡ/tôi mua cho con cái núm vú nilông…
Khi cuộc trôi dạt lên đến đất Sài Gòn, sau mấy năm nép mình trong chung cư, mới biết nếp sống ở đó, ứng xử ở đó, văn hoá ở đó là không chờ đón những người như mình.
Cuối cùng thì tôi cũng kiếm được một mảnh đất nhỏ ngoại ô xa xôi, trên đường đi về hướng Phật Cô Đơn của đất Vĩnh Lộc, là nơi giờ đây tôi đang ở. Đất không đủ rộng thì tôi thu hẹp chỗ ở để nhường một ít cho bóng cây. Thiếu một bến sông, tôi tự tạo cho mình những chậu nước đầy cho cây sen, cây súng. Không thể nói đây là căn nhà mơ ước. Nhưng ở đây tôi còn có những người láng giềng hồn hậu, như bà Tư mù người Bắc sống với thằng cháu nhỏ tên Ty. Nhà bà Tư có mảnh sân chưa tới trăm mét vuông. Năm nào bà với thằng Ty cũng canh tác trên mảnh sân này một mùa bông vạn thọ vào dịp tết. Có năm bông ế, bà bảo thằng Ty đem tặng cho lối xóm, hoa lặng lẽ được đặt ở cửa mỗi nhà trước phút giao thừa…
Cuộc sống vốn không như ta từng mơ ước. Có những điều mong ước dai dẳng đeo đuổi theo ta rồi thành ra nỗi buồn. Lại có những điều không mong chờ nó lại bất ngờ đem đến niềm vui…
Nguyễn Trọng Tín – Theo SGTT