Ngày hè cánh cửa xập xệ của túp nhà được đẩy sang bên để cho khí thoáng lùa vào. Ngày đông qua khe vách bằng cac-tông thấy âm u rợn gáy. Vậy rồi trong một buổi sáng đẹp trời, gián tôi chợt bắt gặp một chị gián tóc dài thong dong đứng giữa khung cửa chải tóc. Chao ơi, dấu ấn của cuộc sống hốc hang không chối vào đâu được và từ một cái phông có chút ít sự sống kia, một người đàn ông tương xứng hiện ra. Một cuộc sống lứa đôi, một khoảnh khắc sống động trước khi chị nàng đặt gánh chè chai đồng nát lên vai. Chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ. Hồi chiến tranh, không ít người kháng chiến đã biến nghĩa địa thành nhà. Sự tồn vong đi cùng với lý tưởng. Bây giờ, những người chạm đáy nghèo túng nầy hít thở bầu không khí lý tưởng nào đây? Đêm đêm, bên rìa nghĩa địa là không khí râu tôm ruột bầu hay gián vợ sẽ "được" gián chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay trong mùi ruợu nặc nồng?
Gián tôi nghĩ mãi nghĩ mãi và lần nào đi ngang cũng mong được nhìn thấy cảnh chị gián tóc dài với gương mặt xanh tái nhưng không có vết tím bầm nào cùng với cây lược trong tay – đó là giây phút gợi cảm nhất của một người đàn bà trước khi họ bắt đầu một ngày lao khổ. Cuộc sống ấy có thể gọi là cuộc sống chăng? Hay phải nghĩ ngược lại, rằng nhờ có lứa đôi mà con người đã dám chấp nhận một cái hốc lạnh lẽo bên rìa nghĩa địa?
Dạ Ngân – SCL