Không chỉ là một thợ thủ công giỏi về ngôn từ, tổng thống mới đắc cử còn là một trong những người sáng tạo nên thứ ngôn ngữ có khả năng khiến người ta phải suy xét lại về tương lai. Đó là một lời tán dương mà nhà văn người Chilê – Ariel Dorfman đã dành cho tân Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong một buổi ăn trưa hồi đầu năm cùng với Toni Morrison, nhà văn nữ người Mỹ đã từng đoạt giải Nobel văn học, tôi đã được nghe bà nói đến một phát hiện rất lớn về con người của Barack Obama. Khi đó là thời điểm mà cuộc cạnh tranh giữa hai đối thủ Hillary Clinton và Obama đang vào hồi quyết liệt. Và Toni Morrison cuối cùng đã quyết định sẽ dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Phi – Mỹ của đảng Dân chủ, mặc dù bà vốn là người gần gũi và luôn ngưỡng mộ bà Hillary cũng như cựu Tổng thống Bill Clinton – người mà Morrison đã từng gọi là "vị Tổng thống đầu tiên của người da đen" trên tờ The New Yorker vào năm 1998.
Tân tổng thống mỹ Barack Obama |
Ngày mai…", Toni nói với tôi, "tôi sẽ viết một bức thư ngỏ gửi tới Barack Obama để thông báo với ông ấy rằng đây là lần đầu tiên trong đời mình, tôi có ý định ủng hộ một cách công khai cho một ứng cử viên tổng thống và trong trường hợp này người đó chính là ông ấy. Nguyên nhân ở đây không phải là màu da bởi yếu tố này không bao giờ có thể là một lý do để bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cho ai đó. Trong những tuần vừa qua, tôi đã có nhiều dịp trò chuyện với Barack và lần nào ông ấy cũng kết thúc câu chuyện bằng câu: "Tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ chính thức từ phía bà". Mỗi lần như vậy, tôi đều cười và trả lời rằng tôi sẽ suy nghĩ về điều đó. Đến bây giờ thì tôi đã suy nghĩ xong và đang rất sẵn sàng". Toni ngừng lại trong giây lát và nhìn chúng tôi (tôi cùng với Richard Ford, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ). "Các bạn muốn biết lý do tại sao không? Rất đơn giản, bởi vì Barack Obama đúng là một nhà thơ".
Một nhà thơ!? Suốt nhiều tháng sau, tôi vẫn không ngừng nghĩ đến câu nói ấy và ngày càng thấy nó thật chính xác. Chính tôi cũng đã thực sự bị ấn tượng (làm sao có thể khác được) bởi sự thông minh đặc biệt của Obama cũng như cách ông ấy sử dụng ngôn ngữ vừa cứng rắn nhưng vẫn không kém phần tinh tế, nhất là khi ta đem so sánh với lối hành văn đáng sợ của George Bush. Và chẳng có điều gì có thể khiến tôi thay đổi suy nghĩ của mình trong suốt cả một năm tranh cử vừa qua. Ngược lại với Obama, đối thủ John McCain thường xuất hiện trước công chúng với một lối nói khoa trương khó hiểu còn Sarah Palin thì đúng là một diễn viên tồi khi cố nhập vai với ngôn ngữ của Shakespeare. Nhưng cũng chính điều này lại đóng vai trò khẳng định cho khả năng ngôn từ của Obama cũng như củng cố niềm tin của chúng tôi rằng đứng trước mình lúc này đang là một nghệ sĩ lớn.
Nhưng thật lòng thì liệu Obama có thực sự là một nhà thơ hay không? Bởi Toni không phải chỉ đơn thuần đang nói đến một con người có tài hùng biện, có niềm say mê với câu chữ hay luôn coi ngôn ngữ như một người bạn gần gũi và tâm giao mà điều bà muốn nói tới ở đây còn sâu sắc hơn thế. Bà nhìn thấy ở Obama một con người được khích lệ bằng trí tưởng tượng siêu việt và từ mà bà nhắc đến với chúng tôi trong bữa ăn trưa vào ngày chủ nhật cuối tháng giêng hôm đó tại Bắc Carolina là "a visionary" (một con người siêu tưởng). Phải nói rằng ngay lúc đó tôi đã đánh giá cao phát hiện của Toni, điều này góp phần lý giải rõ hơn nguyên nhân vì sao Obama ngày càng chiếm được cảm tình từ phía các cử tri với khả năng thuyết phục và truyền cảm của mình. Điều quan trọng đối với một Tổng thống Mỹ là phải có khả năng lôi kéo được đám đông, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở một đất nước đã sinh ra cùng lúc cả Walt Whitman lẫn Abraham Lincoln.
Nhưng chỉ đến ngày hôm nay tôi mới bắt đầu suy ngẫm kĩ càng hơn về những hệ quả có thể sinh ra từ việc bầu chọn cho một nhà thơ vào vị trí lãnh đạo một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới này. Và cũng chỉ đến lúc này tôi mới tự cho phép mình đưa ra những dự đoán về cách thức mà nhà thơ của chúng ta sẽ điều hành đất nước. Đứng trước cuộc khủng hoảng khốc liệt bắt nguồn từ cơn chấn động tài chính tồi tệ đang diễn ra, tôi mới hiểu được tầm quan trọng mang tính lịch sử mà sự xuất hiện của một con người được trời phú cho một "trí tưởng tượng đầy sáng tạo" (từ mà Toni đã nhắc đến) mang đến trong giai đoạn khủng hoảng này.
Bởi điều tôi muốn nói tới ở đây chính là việc phải nghĩ đến một giải pháp xứng đáng thay thế cho thứ mà chúng ta vẫn gọi là thực tế mà thực tế thì vẫn luôn quá rộng lớn và phức tạp, là thứ không dễ gì có thể chế ngự được. Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trên đường tiến nhanh, tiến thẳng về phía những thảm họa sinh thái và đạo đức, một thế giới nơi con người không ngừng bị đe dọa bởi những vấn đề nghiêm trọng về lương thực và năng lượng chưa từng xảy ra suốt nhiều thế kỉ qua, một thế giới vẫn miên man với những cuộc chiến tranh cùng vấn nạn khủng bố, một thế giới nơi vũ khí hạt nhân vẫn sinh sôi nảy nở như bệnh dịch hạch mà bệnh dịch hạch thì cũng sinh sôi tràn lan như những hạt nguyên tử và electron, một thế giới hợp nhất hơn nhưng cũng lạnh lùng hơn trước nỗi đau của người khác. Trước một sự hỗn loạn nghiêm trọng và khó chế ngự đến như vậy thì điều đơn giản nhất là núp phía sau cái bóng của những người đi trước và khoác lên mình chiếc áo truyền thống bậc nhất.
Một đất nước cần sáng tạo lại
Chính trong hoàn cảnh nguy kịch này, sự xuất hiện của một vị lãnh đạo đầy quyền lực mang tâm hồn thi ca đã phát huy đầy đủ ý nghĩa của nó. Bởi lẽ chúng ta đang rất cần đến những phát ngôn phức tạp và sáng suốt mà nhờ đó dần dần con người sẽ biết lo lắng trước những gì đang xảy ra ngày hôm nay để lường trước được những giải pháp cần thiết cho những năm tháng khó khăn sắp tới. Nhà thơ người Anh Percy Shelley đã từng nói về điều này giữa chốn lưu vong của mình, các nhà thơ là những "nhà lập pháp chưa được biết tới của nhân loại", chính họ là những người, bằng ngôn từ của mình, đang soạn thảo nên những luật lệ công bằng nhất của ngày mai và cũng chính họ mới là người chỉ ra cho chúng ta thấy sự cấp thiết và tất yếu phải xây dựng một tương lai mới mẻ hơn, tươi đẹp hơn.
Trong số rất nhiều vấn đề được nêu lên, Obama đã đưa ra những quan điểm mà tôi không thể nào nhất trí và tôi cũng không hề tự dối mình chút nào khi đồ rằng mình sẽ gặp phải thất vọng không chỉ một lần trong thời gian diễn ra nhiệm kỳ của Obama tại Nhà Trắng. Nhưng có một ảo tưởng mà tôi không dễ dàng từ bỏ được: đó chính là niềm tin của tôi vào vai trò cần thiết của vị Tổng thống thi nhân kia trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, điều ông cần làm lúc này là giải thích với người dân Mỹ về ý nghĩa quan trọng và lâu bền của sự đổi thay mà ông đã hứa hẹn và rằng sự đổi thay đó sẽ không chỉ tóm gọn trong việc sửa đổi vài ba chính sách. Obama đang đứng trước một thách thức lớn bởi sự thay đổi này sẽ không trở thành hiện thực được nếu thiếu sự tham gia đông đảo, thường xuyên và sáng suốt của dân tộc Mỹ, một dân tộc mà phần lớn người dân cho tới nay vẫn tỏ ra ấu trĩ và bảo thủ trước những vấn đề của thế giới nơi chúng ta đang sống, đang hưởng lợi cũng như đang phải gánh chịu những thiệt hại từ đó.
Nhưng dân tộc Mỹ cũng là một dân tộc mang đầy hy vọng, một dân tộc dường như cuối cùng cũng đã đạt tới cái ngưỡng cần thiết để có thể nhận ra rằng mình đang cần tới một nhân vật hiếm hoi như Obama nhằm thoát khỏi sự chán nản mà ông Bush đã đẩy họ vào, một dân tộc đang cảm thấy có lẽ đã đến lúc phải sáng tạo lại đất nước này cùng với những giấc mơ của nó nếu họ còn mong muốn có cơ hội sống sót trước những cuộc chiến và thách thức to lớn đã được báo trước.
Điều còn lại giờ đây là chờ xem liệu người dân có biết cách tiếp nhận những phát ngôn đáng ngạc nhiên nhưng đầy sức nặng và uyên bác của Barack Obama, biết cách tỏ ra xứng đáng với những phát ngôn đó cũng như biết cách giúp chúng sống hòa đồng trong thế giới thi ca bình dân của chúng ta trước khi đã quá muộn hay không!
Theo Courrier International – (Minh Trung SCL dịch)