Văn Bảo Ninh là câu chuyện đời (life narrative) của chính ông. Ở đó, ký ức cá nhân trở thành chất liệu của hư cấu còn hư cấu xét đến cùng tượng như một lẽ viết, và vì thế, một lẽ sống.
1. Tập truyện mới nhất của Bảo Ninh – Chuyện xưa kết đi, được chưa? – có hai đoạn văn: “Thoạt nhìn là người ta đã thấy ở Thủy có cái gì đó không rõ là cái gì, là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo mềm dịu. Cách nói, dáng đi đều được nhận ra là thiếu khiêm nhường” (Sách cấm, tr.16); “Nhìn Loan người ta thấy rằng ở cô có cái gì là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo, mềm dịu. Cách nói và dáng đi đều thiếu vẻ mộc mạc” (Cũ xưa, tr.51).
Bìa cuốn sách. |
Có một vấn đề nảy sinh ở chỗ này. Có người cho rằng đó là vết xước để tập truyện mất đi sự hoàn hảo; ngược lại, người khác lại cho rằng sự trùng lặp ấy làm tăng cảm giác khi hình dung về người nữ trong tác phẩm Bảo Ninh. Tôi nghĩ khác, qua sự trùng lặp này (cũng như mật độ dày đặc những điều “quen thuộc” trong sáng tác Bảo Ninh), đã đến lúc phải đọc Bảo Ninh theo một cách khác: văn Bảo Ninh là câu chuyện đời (life narrative) của chính ông. Ở đó, ký ức cá nhân trở thành chất liệu của hư cấu còn hư cấu xét đến cùng tượng như một lẽ viết, và vì thế, một lẽ sống.
2. Tập truyện ngắn này có thể là một đối ứng với Nỗi buồn chiến tranh, trong sự thống nhất gần như trọn vẹn của những vấn đề được đề cập: nỗi buồn hậu phương. Bởi xét về mặt không gian, trừ Hữu khuynh, 13 truyện ngắn còn lại đều lấy bối cảnh Hà Nội, xa nhất là đến Vinh, Hà Tĩnh (nghĩa là hậu phương miền Bắc). Về mặt thời gian, hầu hết cũng xảy ra trong thời chiến (nếu là câu chuyện thời hậu chiến, rõ nhất trong Gọi con và Chuyện xưa kết đi, được chưa?, thì lại luôn là một hệ lụy của chiến tranh). Khuôn mặt chiến tranh luôn ẩn hiện trong những gì, mà ngoài khung khổ của tập truyện, người ta cho rằng không về chiến tranh. Vì vậy, có thể nói (giống như Kiên với đêm cuối cùng trên chuyến tàu xuất binh), với Bảo Ninh, chiến tranh là một chấn thương (trauma). Trở về sau chiến tranh, ám ảnh bởi những gì mà cuộc chiến mang lại, Bảo Ninh đã viết về nó, nhìn đời qua lăng kính đó, nói theo ngôn ngữ của Amos Goldberg, để vượt lên chấn thương và vượt thoát cái chết mà chấn thương đó quy định.
Chủ âm trong sáng tác của Bảo Ninh là các hồi tưởng về quá vãng. Chấn thương chiến tranh đã làm cho Bảo Ninh phải viết về nó như trả một món nợ. Đúng hơn là chấn thương đã cầm cố Bảo Ninh trong tư cách một nhà văn buộc phải vắt kiệt mình trong tất cả hồi ức về quá khứ; thậm chí, tần suất lặp lại của việc truy tầm quá khứ đậm tới độ có thể coi suy tưởng là nét phong cách của Bảo Ninh. Nó cho thấy tầm quan trọng của ký ức, của chấn thương chiến tranh trong việc kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của ông: chiến tranh như là thân phận, số phận. Vì thế bản chất của những kỷ niệm được Bảo Ninh thể hiện trong tập Chuyện xưa kết đi, được chưa? trở nên rất đặc biệt. Nó vừa là nó vừa mơ hồ gợi ra những dáng dấp khác, thậm chí ngược hẳn với xác tín thường hằng của nó. Đúng là những ký ức “về thời đi học, về sơ tán, tình cảm đầu đời,… không phải là những kỷ niệm gây nên chấn thương tâm lý, nỗi ám ảnh, gọi tắt là nỗi đau, căn bệnh của chiến tranh” (nhilinhblog) nhưng lại không thể phủ nhận việc những ký ức ấy đã được nhìn qua lăng kính chiến tranh, như một hệ lụy nảy sinh từ việc nếm trải chiến tranh. Nghĩa là những ký ức ấy đã thực sự nhuốm màu chấn thương.
Tôi nghĩ, nếu không từng trực tiếp kinh qua chiến tranh, chắc Bảo Ninh sẽ không viết với mức độ đậm đặc về những ký ức ấy. Theo đó rất khó có thể minh định rạch ròi được đâu là ký ức chiến tranh đâu là các ký ức ấu thời khác. Tất cả chúng nhạt nhòa vào nhau như màn sương khói của đời sống chiến tranh, lan phủ đến hậu chiến tranh. [Cũng đã có lúc, Bảo Ninh viết về một vấn đề khác không liên quan tới chiến tranh, đó là trường hợp của Lan man trong lúc kẹt xe, Thời của xe máy, Bi kịch con khỉ hay trước nữa, Không đâu vào đâu, nhưng sau đó thì dừng lại, không tiếp nối dòng mạch ấy nữa. Phải chăng có thể lý giải đấy không phải là vấn đề cốt tử, hiểu như lẽ sống và lẽ viết, nảy sinh từ chấn thương mà Bảo Ninh nếm trải?]. Vì vậy, ký ức là chất liệu chủ đạo trong sáng tác của Bảo Ninh, còn Bảo Ninh là kẻ “ăn mày ký ức” ấy. Chỉ có điều, ký ức trong hồi tưởng của Bảo Ninh không phải là một quá khứ đã đông kết; nó hàm chứa thế năng bung phá vào hiện tại và tương lai. Nói theo ngôn ngữ của Robbe-Grillet, hồi tưởng về quá khứ của Bảo Ninh không phải là một tái lặp (répétition) hướng vào việc miêu thuật quá khứ, với những sự kiện và con người đã trở nên trọn vẹn; mà là một tái diễn (reprise) hướng về phía trước với tất cả khả thể của nó. Vì thế, văn Bảo Ninh không phải là một tự thú về thời đã qua mà là một tự hư cấu từ việc nếm trải thời đã qua hòng đề xuất những vấn đề thuộc về nhân sinh và nghệ thuật.
Vậy vấn đề mà văn Bảo Ninh đặt ra biểu hiện ở chỗ nào? Cách đặt tên truyện và cái kết của Bảo Ninh gợi ý được nhiều điều. Hầu hết các tên truyện (kiểu Sách cấm, Cái búng, Quay lưng,…), thậm chí trước nữa, như: Ngàn măm mây trắng, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền,… đều không nhằm “vắt kiệt nghĩa” của chủ đề mà hướng gợi người đọc vào những suy tư khác. Cái kết trong truyện ngắn Bảo Ninh cũng vậy. Rất thường khi chúng tồn tại như một kiểu trữ tình ngoại đề. Bạn đọc sẽ dễ dàng tìm thấy những cái kết như thế trong tập truyện này. Chẳng hạn, kết chuyện Cái búng: “Và tôi nghĩ chẳng riêng tôi, bạn cũng vậy thôi, thỉnh thoảng bạn cũng vướng phải những chuyện mà người khác chẳng buồn để tâm nhưng bạn lại xúc động sâu xa, bạn không thể quên, như là một vết tự thương cứa sâu vào lòng, khó bề chữa khỏi. Ấy là những nỗi đau vô cớ, những bất hạnh mơ hồ, những đắng cay chua xót không đâu, những nỗi nhục, những mặc cảm không có duyên do, không tài nào ai hiểu nổi vẫn thường đầy rẫy trong cuộc đời mỗi người”; kết truyện Đêm trừ tịch: “Ông Phao Lồ đã qua đời từ lâu (…) Bây giờ, người lớn thì rầm rầm rộ rộ một toán đông xe máy, con trẻ thì ngồi xích lô ghế nệm, sang trọng, là lượt, trảy dọc phố. Dù vậy, bọn oe con ở phố tôi ngày nay quen sống một cuộc sống tuyệt đối thời ơ với mọi sự nên chúng chẳng thiết gì nhìn ngó những người đi lễ”; kết truyện Hữu khuynh: “Lịch sử của ngôi làng chọn một mùa khô đẹp trời với những buổi tối êm đềm như thế làm mốc kết thúc thời hậu chiến. Lòng người thiết tha mong được sớm bắt đầu thời đại mới, với niềm hy vọng là từ đây sẽ mãi mãi không cùng chuỗi dài miên man ngày lành tháng tốt”…
Văn Bảo Ninh luôn là những cật vấn vào các vấn đề của quá khứ, về sức mạnh ẩn tàng của nó. Nói như chính ông: “Tôi muốn nói, lẽ đời là vậy đấy. Bởi vì là một nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận”. Vậy là, với Bảo Ninh, qua Bảo Ninh, “chuyện xưa” không bao giờ kết được. Bảo Ninh không kết được “chuyện xưa” của mình và người đọc cũng không thể kết được những xúc cảm khi tiếp cận những “chuyện xưa” ấy. Nghĩa là quá khứ sẽ không hoàn kết, quá khứ là một ám ảnh. Mãi là một ám ảnh…
3. Viết về truyện ngắn của Bảo Ninh, với nhan đề thân phận của truyện ngắn, bởi tôi nghĩ thân phận truyện ngắn Bảo Ninh tiêu biểu cho chính thân phận nghiệp văn của Bảo Ninh, chứ không chỉ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Sự long đong trọn một đời Kiều của tiểu thuyết rồi cũng đã có cơ hội “đoàn viên” vào đời sống văn học đương đại. Truyện ngắn của ông thì khác hẳn, nó vẫn còn là một sự long đong, như sự long đong của văn chương ông. Phải chăng nó nhỏ bé hơn so với thành tựu của tiểu thuyết như lối viết của ông so với “chủ âm” của lối viết đương thời? Tôi nghĩ phải giải mã truyện ngắn Bảo Ninh cũng như văn nghiệp ông từ một giác độ khác, như đã nói ở trên, là câu chuyện cuộc đời. Từ điểm nhìn này, ta sẽ thấy được tiểu thuyết Bảo Ninh không đơn thuần chỉ là đỉnh cao khép lại kiểu văn chương tự vấn mà còn mở ra kiểu văn chương tự hư cấu (autofiction). Truyện ngắn Bảo Ninh cũng mang dáng dấp như thế, nhưng được triển khai ở một mảnh đất khác, nên không hề bị cớm bóng tiểu thuyết, mà với số lượng nhiều hơn, sẽ đem đến được nhiều khả thể thể nghiệm hơn. Văn chương Bảo Ninh có tính chất như một vùng đệm của hai dạng thái văn chương: hiện thực (với đặc trưng phản ánh là chủ đạo) và hậu hiện thực (với đặc trưng khám phá là chủ đạo). Nó vừa phản tư sự thật vừa vươn tới tự do. Tức là nó từ khước việc đi tìm một chân lý tuyệt đối, một sự thật đích thực mà trưng ra các khả thể của tồn tại và hành vi sáng tạo từ những khả thể ấy. Viết trở thành một trò chơi của chính nhà văn trên chất liệu là chính cuộc sống của mình, như là dự tưởng (với hư cấu kỳ ảo) và như là nghiệm trải (với tự hư cấu). Nếu hiểu như vậy, văn chương Bảo Ninh là mảnh đất ươm mầm cho bộ phận văn chương tự hư cấu đã, đang và sẽ phát triển ở ta.
Đặt ra vấn đề câu chuyện cuộc đời qua / trong truyện ngắn / sáng tác của Bảo Ninh ở đây là để nhấn mạnh vai trò của Bảo Ninh trong sự dịch chuyển kiểu thức thể loại và tư duy văn học trong văn học Việt Nam đương đại. Tính hư cấu (fiction) đang dần trở thành một chuẩn thức mới của văn chương Việt Nam. Nó đòi hỏi những chuyển đổi về mặt tư duy lý luận văn học. Bởi sẽ trở nên rất khó khăn trong việc nhìn nhận văn chương Bảo Ninh trong giới hạn của chuẩn thức hiện thực. Bảo Ninh vẫn hứa hẹn nhiều điều cho cuốn tiểu thuyết trong sự kiến. Người đọc có quyền chờ đợi vào điều đó. Nhưng thiết nghĩ, vượt thoát khỏi vùng đệm, nơi tác giả đã trồng lên một cây tiểu thuyết đại thụ cùng rất nhiều cây truyện ngắn khác, tỏa rợp bóng vào quá khứ, từ ấu thời, hậu phương, chiến trường, đến hậu chiến tranh; mà ngọn gió dại thổi mãi từ ngày chiến đấu, đã để lại nhiều vết thương bầm nhựa, là một hành trình không dễ dàng. Bảo Ninh là kết tinh của một “thế hệ hoang mang” đang dịch chuyển dần về sự điềm tĩnh. Một nhân bản bao dung như thế phải chăng là phương thuốc giúp lành chấn thương? Và nếu hiểu như vậy, thì hư cấu ở Bảo Ninh, đồng hành những trăn trở nhân sinh và nghệ thuật, mải miết dịch chuyển về phía trước. Nghĩa là ở căn gốc của nó, lại đặt ra vấn đề bản chất của tự truyện, tự hư cấu trong cái viết về câu chuyện cuộc đời, câu chuyện thân phận.
Theo Đoàn Ánh Dương – eVan