Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn

 Phát biểu tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010, khi nói về “chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục”, GS Hoàng Tụy đã nói về một thực trạng đau xót tồn đọng hàng chục năm nay của một nền giáo dục: “Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt.” Có rất nhiều ví dụ minh họa cho ý kiến của ông về vấn đề này, rõ nhất là “chợ luận văn” đang mọc lên như nấm sau mưa.

Cách đây hơn mười năm, báo chí đã báo động về nạn mua bán luận văn ở các “chợ luận văn”, nhưng nhiều nhà giáo dục vẫn cho đó là báo động giả. Người ta vẫn tin “chợ luận văn” sinh ra do nhu cầu tìm kiếm tài liệu tham khảo của sinh viên (SV) nói riêng, giới trí thức nói chung và “nó thực sự cần thiết cho công tác nghiên cứu”. Đến bây giờ niềm tin ấy đã hoàn toàn sụp đổ, “chợ luận văn” chính là chợ bán hàng cho những kẻ đạo văn, những món hàng dùng để “copy and paste” nhằm thực hiện mục tiêu “không học mà vẫn có bằng” như GS Hoàng Tụy đã nói.

Mới đây (11/5/2011), báo Thanh Niên đã có phóng sự “Công nghệ cắt dán… đồ án”, trong đó SV đã không cần che giấu về việc làm đồ án tốt nghiệp: “Nói là làm vậy thôi chứ toàn sao chép từ các đồ án năm trước” và “Mình lấy bài đánh máy sẵn và bản vẽ Autocad, chỉnh sửa lại. Lớp mình có hơn nửa lớp làm kiểu tương tự như vậy”. Giáo viên cũng không cần che giấu: “Mình trực tiếp giảng dạy nên biết rất nhiều. Làm tiểu luận đa số các SV chép trên mạng về, lắp ghép, cắt dán… Đây là tình trạng chung và hầu hết SV đều làm như vậy để đối phó với giảng viên”.

Thực ra không ai không biết những cái “chợ luận văn” vẫn tồn tại ngang nhiên giữa đời và trên mạng với nhiều chiêu thức bán hàng khác nhau. Người ta cũng thừa biết những tấm bằng có được nhờ công nghệ “copy and paste” ngày càng nhiều, từ bằng đại học đến bằng tiến sĩ. Ngay cả nguyên nhân sinh ra nó, người ta cũng biết thừa. Không ít nhà giáo dục có lương tâm đã lên tiếng, họ ra sức chèo chống ngõ hầu thoát qua đại nạn kia. Nhưng lực bất tòng tâm, những cái “chợ luận văn” chẳng những không giảm đi, mà còn có nguy cơ mọc lên tràn lan không kiểm soát nổi. Hình như người ta vẫn thích giương cao khẩu hiệu: “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” trong các phong trào thi đua cờ đèn kèn trống ầm ĩ, hơn là xắn tay thực sự hành động vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Và rồi SV vẫn biết chẳng ra sao khi không học mà có bằng nhưng họ vẫn phải đi “chợ luận văn”. Giáo viên vẫn biết những cái luận văn “copy and paste” là vô giá trị nhưng vẫn phải cho điểm, thậm chí điểm rất cao. Nhà trường vẫn biết thật nguy hiểm khi cấp bằng cho những cái đầu rỗng nhưng họ vẫn cứ cấp. Một khi bệnh thành tích, thói háo danh đã nhiễm sâu, nhiễm nặng, nhiễm lâu năm, làm sao nói không với những trò được coi là xấu hổ. Bao giờ hết “chợ luận văn”? Dù biết những “chợ luận văn” càng phát triển thì giáo dục càng tiến tới rỗng không, nhưng đến nay đó vẫn là câu hỏi không lời đáp.

Không đáp vì không biết hay biết mà không đáp? Chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trường Tộ, một nhà cải cách ở thế kỷ XIX: “Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa”. Buồn thay!

Theo Nguyễn Quang Lập ( Phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *