Nhờ mấy bạn trẻ gọi điện phỏng vấn, tôi biết sắp tới ngày Báo chí Việt Nam. Mặc dù đã nghỉ dạy mười mấy năm, nhưng cái ngày nghề nghiệp duy nhất trong năm mà tôi vẫn nhớ đến và nghĩ ngợi là ngày Nhà giáo. Và mặc dù vẫn đăng bài trên các báo mấy chục năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi được coi là nhà báo (không có thẻ nhà báo, không là hội viên Hội Nhà báo, không có lương hay thậm chí danh nghĩa phóng viên cộng tác với một tòa báo nào. Danh xưng “người viết tự do”, freelance, là tôi tự gán cho mình.) Bữa nay, lần đầu tiên, nhân ngày Nhà báo, tôi được phỏng vấn về báo chí với tư cách độc giả, và thú vị là về báo chí bên Mỹ.
12 năm trước, khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên, ở trong ký túc xá Mayflower của trường Đại học Iowa, sáng sớm thức dậy, mở cửa phòng ra là thấy để sẵn một tờ USA Today và một tờ báo địa phương Iowa. Hình ảnh những tờ báo rải trước các cửa phòng suốt dãy hành lang dài hun hút gây một ấn tượng đặc biệt. Tôi tưởng tượng mọi người cũng như mình, ngủ dậy, việc đầu tiên là mở cửa lượm tờ báo, vô nhà bếp, vừa uống café ăn bánh mì nướng vừa đọc cùng một tin tức khi lật sột soạt cùng một tờ báo. Nhưng tất nhiên là không phải vậy. Ít bữa sau, tôi dậy trễ, hoặc dậy rồi mở máy tính làm việc ngay, hay vớ cuốn sách để đầu bàn đọc tiếp chương bỏ dở hồi hôm, hoặc mở truyền hình xem, hoặc ngán quá những bữa điểm tâm khô khốc bèn dành hết nửa ngày để tự chế biến một món Việt Nam gì đó… Báo vẫn phát đều đều mỗi ngày, tôi thường lượm chúng cho thẳng vô cái thùng đựng giấy tái chế, có khi cũng lật coi sơ qua các tiêu đề nóng.
Năm đó, 1997, đọc báo “lớn” thấy toàn tin khủng hoảng kinh tế Á châu, tôi thấy tờ báo địa phương thú vị hơn : Sáng thứ hai là bảo đảm có tin sinh viên bị bắt vì say xỉn vi phạm luật giao thông và gây rối trật tự trong cuối tuần vừa qua. Cái “thành phố” đại học ấy nằm giữa đồng trống, chung quanh toàn là bắp với đậu nành, sinh viên phần lớn xuất thân từ các nông trại trong tiểu bang, niềm vui cuối tuần chỉ là “party”, uống rượu và nhảy đầm. Không biết chính xác tiểu bang hay thành phố đó cho phép người ta uống rượu từ tuổi nào, mà báo Iowa ngày nào cũng đăng danh sách dài những người vi phạm, đầy đủ họ tên. Một đêm thứ sáu, tôi thử theo bọn sinh viên tới một quán rượu dưới phố, bị chặn lại hỏi ID (căn cước hay giấy tờ tùy thân). Những người gác quán rượu cứ coi mặt ai “non” thì hỏi giấy tờ để chắc chắc người đó đủ tuổi uống rượu. Tôi đâu có đem passport đi uống rượu, mà đâu có dè mặt mình bị coi là vị thành niên, nên đành lủi thủi đi về ký túc xá nằm khoèo, thắc mắc mãi mấy thằng nhãi ranh nếu bị cấm vô quán rượu thì làm sao mà say sỉn đến bị cảnh sát giữ qua đêm?
Tờ báo địa phương Iowa chắc là được trường đại học và dân cư đặt mua dài hạn, không biết thực tế phát hành ra sao, nhưng xem ra có ảnh hưởng trong cộng đồng. Buổi sáng sau kỳ lễ Halloween, báo có đăng một bài, nêu đích danh một công dân trong vùng, khi trẻ em hóa trang ma quỉ đến gõ cửa để hỏi muốn quậy hay đãi đằng (trick-or-treat), thì thay vì mời các em vào nhà ăn bánh kẹo, vị công dân này lại mời trẻ con hút thuốc lá. Hôm sau và liên tiếp mấy hôm sau nữa là những bài viết phản hồi lên án hành vi đó làm hư hỏng trẻ em và cần phải truy tố ra tòa. Dĩ nhiên cũng có những bài bênh vực, và nhiều bài bàn ra tán vào đủ loại chánh kiến. Bài cuối cùng tôi theo dõi về vụ này là một chục ngày sau đó, Hội đồng thành phố thảo luận về việc bảo vệ môi trường lành mạnh cho trẻ em và dân cư. Ở thành phố đó về sau này, thuốc lá bị cấm hút ở mọi nơi công cộng, và cấm cả mọi hành vi quảng cáo dụ dỗ người ta hút thuốc lá.
Báo địa phương sống còn chủ yếu nhờ quảng cáo của các doanh nghiệp địa phương và bảo trợ của các cá nhân và tổ chức có uy tín ở địa phương, thí dụ nhà thờ, hay trường đại học, hay các mạnh thường quân chẳng hạn. Nên phần lớn nội dung báo tập trung vào tin tức ở địa phương, chẳng hạn hôm nay những cây phong trên đường Cây Phong bắt đầu đổi màu, nhiều người đi dạo; chiều thứ tư trên đường Chợ sẽ có phiên chợ nông dân hàng tuần, và theo tình hình thu hoạch trong vùng thì loại bắp đặc sản địa phương sẽ được bày bán với giá 1 đồng 3 trái.
Các tờ báo địa phương thường bám theo tôn chỉ “kết nối cộng đồng” và nếu địa phương đó có một cộng đồng ổn định thì tờ báo sẽ thành công. Những người làm công tác phát hành rất kiên trì. Họ gọi điện và đến gõ cửa từng nhà để mời đặt báo, gởi báo đến tận cửa, miễn phí cả tuần hay cả tháng, rồi còn khuyến mãi, tặng thưởng này nọ, nên nhiều khi thực tế đặt báo dài hạn chỉ có vài đồng một năm, mà ngày ngày, độc giả đều có báo giao tận nhà. Báo cũng bày ở quầy bán báo tự động khắp nơi, nhất là ở siêu thị, cạnh tranh vất vả với hàng chục tờ báo phát không khác. Những tờ báo phát không cũng của địa phương, chủ yếu quảng cáo, rao vặt, và thường có quan điểm “phi chánh thống”. Những báo đó, người ta thường tiện tay cầm đọc để tìm một rao vặt hay giờ chiếu phim hoặc địa chỉ tiệm bán video “người lớn” thường nằm kín đáo dưới phố không trương bảng hiệu, rồi quăng vô sọt rác. Còn tờ báo địa phương chánh thống thì có nhiều cơ hội được lật ra ở bàn ăn hay phòng khách của các gia đình cư dân tử tế trong vùng. Điều này quan trọng, vì các cư dân ấy là người đóng thuế, đóng góp cho nhà thờ, trả tiền mua báo, và ưa có ý kiến ý cò với các chánh khách địa phương.
Một trong những thú vui khi lái xe đến những vùng nông thôn hẻo lánh ở nước Mỹ rộng mênh mông là ghé một cái quán địa phương ngồi uống bia (hay café) và đọc tờ báo địa phương. Có một lần, ở thị trấn nọ, tờ báo địa phương chạy cái tít chiếm nửa trang nhất : “Toàn dân dự đám tang ông Smith, trừ một người.” Chi tiết bản tin không chỉ chiếm hết nửa trang nhất còn lại, mà còn tiếp theo cả trang trong. Đọc cho hết bài đó, khỏi cần đọc bốn năm bài bày tỏ cảm tưởng hay bình luận liên quan, thì hiểu là đám tang diễn ra ở nhà thờ duy nhất trong vùng, với toàn bộ giáo dân, đồng thời là toàn bộ dân cư, 78 người đều có mặt để cầu nguyện cho kẻ bất hạnh, người duy nhất không tham dự đám tang là kẻ bị coi là đã giết ông Smith, hiện đang bị giam ở trên quận!
Báo địa phương lâu lâu mới vớ được tin hot cỡ đó, khuấy động không khí bình lặng ở một xó xỉnh không ai biết đến. Để rồi sau đó, dân cư mở tờ báo buổi sáng bên bàn điểm tâm lại an tâm đọc tin ban kịch trường trung học sắp công diễn vở kịch trứ danh Hamlet trước một khán giả có thể gồm đến 70% dân cư nhân dịp bãi hè. Đây là hoạt động đình đám nhất địa phương, mỗi năm chỉ một lần, không thể bỏ qua!
Lý Lan
Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy