Những ngày giáp tết, tôi vẫn còn tá túc trong chùa Bút Tháp, ráng làm cho xong công việc thu thập tài liệu để còn kịp về Nam trước giao thừa. Hai mươi ba tết, trong chùa có lễ, các sư và chú tiểu đều bận bịu. Bà vãi đã già còng lưng khó mà lội bộ chợ xa, nên kêu tôi nhờ xe máy của sư thầy chở bà đi chợ.
Chợ đông, ai nấy đều chen lấn với nét mặt hồ hởi của người đi chơi ngày xuân.
Bà vãi có nhiều bạn quen ở chợ, nhiều người là bạn của bà từ thời xa xưa lắm, trước khi bà đã vào nương tựa cửa chùa. Bà vãi còn gặp cả bà sui gia của mình. Ban đầu hai bà chỉ nhìn nhau, rồi đi qua nhau. Nhưng rồi như có một chút khoảnh khắc mùa xuân len lỏi giữa hai người, bà vãi quay lại hỏi bà sui gia: “Đi chợ hăm ba?” và bà sui gia nhẹ trả lời: “Ừ, đi chợ”. Rồi biển người đang hớn hở chen chúc lại tràn lấp hai bà. Bà vãi lắc lắc tay tôi: “Lúc trước cũng thế, đi chợ gặp được con gái mấy lần. Cũng chỉ nói chuyện với nhau vào hôm chợ xuân”. Mùa xuân là mùa của niềm vui, nhưng đôi khi nó cũng là mùa để người đời tạm cất giấu những nỗi buồn, nhất là những nỗi buồn thương không làm sao hoá giải được của số kiếp con người (nên người ta cứ phải tạm cất đi). Để rồi năm mới đến, mùa xuân đã qua rồi, thì những nỗi buồn đó lại phải bày ra như cũ, để chờ đến mùa xuân năm sau nữa (thì lại có thể tạm cất đi).
Bà vãi chưa từng đi đâu khỏi làng quê mình. Trong chợ, một tay cặp lấy tay tôi (bà sợ tôi lạc giữa chợ đông), tay còn lại bà chỉ từng món đồ bán ở chợ, luôn miệng hỏi “có giống trong Nam?” Chuối và mía, thịt và rau, nồi niêu xoong chảo… thì giống hệt. Vải vóc, quần áo may sẵn thì khác một chút về kiểu dáng và cách bày hàng. Hoa chưng tết thì rất khác, hoa đào khác với hoa mai như thế nào, hoa huệ thường chưng bàn thờ ngày tết trong Nam thì ở đây lại dùng để thăm viếng mộ, hoa chuối rừng đỏ rực đẹp mê hồn trong chợ tết Sài Gòn ít khi gặp được. Lại có một loại quả tên là phật thủ tôi mới thấy lần đầu. Phiên chợ xuân ở một miền quê xa lạ với trò chơi so sánh hồn nhiên cùng bà vãi đã cho tôi không chỉ nhớ mà là đang sống. Và hương vị mùa xuân của nơi xa bỗng nhiên cũng trở thành quen thuộc tới nỗi như là có thể ngửi, nếm, nghe, nhìn rành rạnh được.
Trên đường về, bà vãi nói rằng bà ưa thích việc đi chợ. Ở chợ, bà là bà vãi, nên mọi người luôn chừa cho bà lọt ra khỏi những câu chuyện hỉ nộ cần phải bàn thảo hằng ngày (nhưng họ lại rất thoải mái, gần như vô tư, để bà lắng nghe mọi chuyện). Tôi hiểu lòng bà. Bà chỉ là bà vãi ở chùa, bà chưa thể rũ bỏ hoàn toàn luỵ trần ai trong cuộc đời khổ đau dài đẵng đã qua, để mà có thể thành người chuyên tâm toàn ý với việc tu hành. Thế nhưng trong không gian thiền tự, bà không thể để lòng riêng nhìn ngắm những nỗi niềm lẩn quất của cuộc sống đời thường. Bà phải chờ tới lúc ra chợ. Nhưng ra đến chợ rồi, bà lại cũng không thể làm người trà trộn giữa chợ đời. Thế nên, tôi nghĩ những phiên chợ xuân thật là nơi chốn hợp với bà. Đó là một chốn hiếm hoi, một khoảnh khắc ngắn ngủi mà người của nhân gian có thể chen chúc bên nhau, cũng mua bán, cũng mặc cả, cũng nhận xét, cũng so đo, nhưng là với nét mặt hân hoan và cõi lòng vị tha rộng mở.
Khi mới tới Bút Tháp, vào những đêm mùa đông chờ tết, nằm co bên bà vãi dưới mái hậu liêu buốt lạnh và im vắng đến như không tưởng, tôi cứ ám ảnh mãi một điều. Bà vãi nghĩ gì trong từng thời khắc giao thừa mỗi năm mỗi qua của quãng đời cuối cùng mà bà đã nguyện gửi thân ở nơi này? Với một người trẻ đến từ một chốn thành thị hiện đại như tôi, ý nghĩ ấy lạ lùng đến nỗi tưởng chừng có gì đó gần như khủng khiếp. Vậy mà cùng bà đi phiên chợ xuân về, tôi lại thấy rất nhẹ nhàng. Cuộc đời mỗi con người có những khoảnh khắc được đánh thức vì một điều gì đó. Như hôm nay, hình ảnh bà sui gia ở chợ xuân đánh thức cho bà vãi một vài điều trong cái phần bà đã bỏ lại ở “chốn cuộc đời”. Những gì được đánh thức không hẳn để vui hay để buồn, nhưng nó khiến cuộc đời mỗi con người tiếp tục sống, hơn nữa còn tiến triển. Tôi tin trong đêm giao thừa, bà cũng sẽ như mọi người, được đánh thức với ý nghĩ rằng một năm cũ đã qua, một năm mới lại đến. Thời gian đang đi trong chu trình của nó, và nhân gian tiếp tục sống đời sống của mình, dù là bà vãi tuổi thất thập ở ngôi chùa cổ của vùng Kinh Bắc, hay một cô gái trẻ chốn Sài Gòn đô hội như tôi, cũng đều như vậy cả.
Theo SGTT