9/08, 8:18 am
Những e-mail và tin nhắn từ Paris của anh gửi cho tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: anh nhớ Hà Nội. Để những dòng chữ tưởng rất mảnh, font chữ hơi to hơn mức bình thường của một người không còn trẻ là anh như luôn biết kèm theo một sợi dây gai vô hình cào nên nơi tim tôi những vết xước nhoi nhói.
Anh có biết rằng Sài Gòn của tôi mùa này cũng đang gợi cảm giác mưa cuối ngâu xứ Bắc. Buổi sớm thức dậy, lắng nghe bằng tất cả giác quan để cảm thấy mùi âm ẩm hơi nước từ khoảng trời xám trĩu nặng ngoài cửa sổ đang phủ vào ban mai trong căn phòng bé nhỏ tôi sống những hơi hướng của buồn rầu. Úp khẽ mặt vào gối, lơ đãng bên tai những giai điệu quen thuộc, không biết là từ khi nào, nước mắt đã tràn mi. Nỗi nhớ ngập lòng mà không sao rõ rệt, không sao cụ thể, không sao hiện hình gương mặt của bất kỳ ai, lại thường làm tôi đau đớn.
Ra đường, để thấy phố xá Sài Gòn như tĩnh lặng hơn mỗi khi mưa. Thứ mưa thưa hạt, lây rây nơi đậm nơi nhạt như rất biết cách phác ra một hình dung, ừ Sài Gòn là thế. Cũng mưa đấy, nhưng không phải thứ mưa bụi rất mịn, êm ả giữa mùa xuân xứ Bắc. Sài Gòn cũng ít khi mưa lâu như mùa ngâu trừ khi rớt bão. Những giọt mưa Sài Gòn dường như cũng biết cách nhắc cho tôi, rằng đây không phải là Hà Nội. Mưa Sài Gòn chỉ ướt áo mà không đủ bay để phủ mỏng manh lên gương mặt những người bộ hành một lớp loáng nước như mưa bụi.
Sài Gòn, cái thành phố thân thuộc mà luôn khiến tôi ước được xa xôi, ước ở một nơi nào để mà không phải nghĩ đang sống chung với ai đó trong một thành phố dường như đã trở nên quá nhỏ bé và chật hẹp. Ước một nơi không có bụi và khói để phải ngửa mặt lên trời thở mỗi khi kẹt xe. Để căn bệnh viêm họng vốn hiếm khi bị ngay cả khi Hà Nội vào mùa lạnh thì mãi không khỏi ở nơi này… Và nhớ Hà Nội da diết, cảm giác nhớ ấy giống như sự chấp nhận rằng tôi đã thất bại, nó nhấn chìm tôi mãi. Phải chăng vì cô đơn? Phải chăng là sự hiển hiện trên gương mặt, khi mỗi sáng, tôi sờ trên da thịt mình một tiếc nuối mơ hồ. Tất cả như đã xa lắm…
Tôi nhớ một Hà Nội trong một phim anh từng làm. Xem phim này, lần nào tôi cũng thấy mình như đang trôi. Câu chuyện qua cách kể của anh giống như một minh họa không thể khác cho một cảm giác, cho một tình yêu. Tình yêu của anh dành cho Hà Nội là thứ ngôn ngữ ẩn dụ trong từng khuôn hình với ánh sáng xanh lơ ngay từ đầu phim, chậm rãi trong ca từ bài hát Pale Blue Eyes của nhóm Velvet
Underground. "Sometimes I feel so happy, sometimes I feel so sad…". Và thấm đẫm nhịp phim cũng là một hơi thở chuyên biệt của Hà Nội. Nó phải thật khác với Paris của anh, một viện bảo tàng mà mọi thứ được sắp đặt kỹ, hài hòa, đẹp đến mức không còn gì để khám phá!
Bộ phim chính là cái cách mà anh luôn muốn nhân danh nó để biểu hiện sự ham muốn được chạm vào Hà Nội bằng tất cả cơ thể, để lắng nghe, để nhìn đến no mắt, để được hít thở đến nghẹn ngào. Và có lẽ phát hiện ra Hà Nội là anh đã mở được trong mình những cánh cửa khác của cảm xúc còn đang đóng. Để anh không bao giờ thôi ngạc nhiên, khi ai đó nói, với Hà Nội, sao mà xa lạ! Vì anh yêu Hà Nội đến đau lòng.
Hà Nội, với anh còn là lần đầu tiên anh nghe được giọng Bắc, thứ giọng nói giàu âm sắc, vô cùng gợi, đã khiến anh lặng người. Đó mãi là món quà quá lớn mà anh, một kẻ sinh ở miền Tây, lớn lên ở xứ người, luôn thấy mình chưa xứng đáng đón nhận. Nên ông bạn họa sĩ già sống ở Paris cứ mỗi trước khi anh về Hà Nội, lại bị anh "gạ gẫm" rằng: "Về đi nào, về nghe giọng Bắc, mà chết, mà chết!". Nên trong phim của anh, có một cô nhân tình không bao giờ nói với người tình một câu dù những cuộc mây mưa cuồng nhiệt đến mấy. Anh bảo, đó là tính đạo, đó là tình yêu quá lớn của anh với giọng nói của con gái Bắc, đến mức, anh tin rằng, quyền uy vô hình của giọng nói ấy sẽ làm hỏng mối quan hệ bâng quơ mà anh muốn tạo ra trong phim. Và những người phụ nữ bao giờ cũng có làn tóc ướt nước, ríu rít nói những câu chuyện không đầu không cuối, khung cửa tiệm cà phê mà chủ nhân chưa bao giờ cho phép bất kỳ đoàn làm phim nào bước chân vào, trừ anh, chỉ sau một cuộc nói chuyện. Tôi cứ tin anh đã thuyết phục ông ấy bằng thứ tình yêu Hà Nội quá đỗi mãnh liệt của riêng mình.
Sài Gòn vẫn đang mưa. Mưa chẳng làm tôi ốm, tôi chẳng buồn, chỉ không vui. Và thấy một cái hố sâu thật là sâu. Một vết xước đau thật là đau. Ở đây này – ngay trong ngực trái. Bởi sự ngạc nhiên mãi, rằng có người nào không sinh ra, không sống ở Hà Nội mà yêu Hà Nội đến thế, như anh không?
Và anh có biết, với riêng tôi, Sài Gòn mùa này lạnh lắm.
Cát Khuê