Nhiều năm sau khi ông ngoại bạn qua đời, bạn bỗng hay mơ ước mình có cỗ máy thời gian trong một bộ phim hoạt hình trẻ nít, để quay lại… ăn cơm với ông.
Trong cái quá khứ có nhiều thứ đáng phải chỉnh sửa, bạn muốn làm chuyện đó trước tiên với những bữa cơm mà ông ngoại bạn phải lủi thủi ăn một mình, thức ăn nguội lạnh vì bạn dọn sẵn từ sớm để ra vườn cho khỏi vướng. Một kiểu ngược đãi hồn nhiên. Năm đó, bạn mười sáu, hoặc nhỏ hơn như bạn vẫn thường ao ước, để chống chế ừ thì lúc đó mình còn non dại.
Chắc bạn cũng bực mình bực mẩy khi bỏ học về nhà ở hủ hỉ với ông già, chắc bạn cũng mặt mũi chù ụ khi lo cơm nước giặt giũ… Và khi nghe tiếng đũa khua bời rời sau vách, bạn – mười – sáu – tuổi đã không mảy may chạnh lòng, chỉ nghĩ trời đất ơi mình lu bu công chuyện quá, làm cho xong đã… Lúc đó, bạn vẫn ở quanh nhà, bên hè hay sau sàn nước, nghe tiếng đũa chạm rời rã trên miệng chén biết đã già buổi sáng rồi. Lúc đó, bạn không biết mình vừa nghe được âm thanh được xếp vào những âm thanh buồn nhất cuộc đời.
Cái chỗ khuyết bên vách nồi cơm sau bữa ăn của ông ngoại cũng vì vắng, mà cạn hều. Khi ông qua đời, bạn có đôi khi nghĩ rằng bạn đã để mất ông ngay từ những bữa cơm ông phải trợn trạo nhai trong hiu quạnh.
Ăn cơm một mình không phải là dễ chịu lắm. Bạn chỉ thấy rõ ràng điều đó khi dì Chín bán bánh bò lấy chồng ở tuổi bốn mươi, ở cái tuổi gặp một ông coi bộ tử tế là lấy ngay kẻo không kịp. Chín nói, để khỏi ăn cơm một mình. Chín chấp nhận trả giá cho việc đó bằng cách phải tần tảo gấp đôi để mua rượu cho chồng. Một bữa đi chợ, bạn hỏi Chín có đáng không, bà chỉ cười ngời ngợi, trả lời trớt quớt, ổng rượu ghiền nhưng nhậu ở nhà không hà, cũng đỡ…
Mỗi lần sắp đi xa, áy náy cảnh nhà, bạn bèn lọ mọ nấu nồi khổ qua dồn thịt, cá đối kho mía… để sẵn trong tủ lạnh, người ta chỉ cần hâm lại tí là có cơm ăn. Lúc về, thấy mọi thứ còn nguyên. Người ta nói ra tiệm ăn vui hơn. Bạn nhớ tới ông ngoại, ứa nước mắt muộn màng.
Cuối mùa xuân, bạn đi Đông Bắc Việt, một mình, kiểu trải nghiệm quái đản mà bạn từng ao ước. Thì đây, một mình, hưởng thụ đi, bầy đàn miết rồi… Bạn tha hồ nói chuyện với đá, âu yếm đàn bò và thả rong suy nghĩ trong những đám sương dày, nói chung là sướng. Chỉ mỗi một lần sập tối, quán ăn phố núi ngủ sớm, năn nỉ ỉ ôi mới mua được chút cơm cháy đáy nồi với trứng (tự) chiên. Chủ quán lầm lì bỏ đi rửa chén, ngồi mình mình với chỏng chơ bàn ghế, muỗng xước vào đáy dĩa mà nghe như xước trong lòng những âm thanh rởn óc. Nhớ ngay lập tức như ớt xát lên mấy vết đó, giờ này mấy đứa nhỏ với người ta không biết đã ăn xong chưa, trời ơi nhớ cái mâm cơm nhà mình lộn xộn ngổn ngang, khi thì nước đổ khi thì canh rơi rớt, trẻ con nhốn nháo đứa đòi món này đứa réo món kia. Gói trong chữ ẤM vẫn thấy thò bồi hồi ra một khúc.
Chủ quán ngó nửa dĩa cơm bỏ lại, hỏi sao bảo thích cơm cháy lắm mà. Bạn thưa thích lắm. Hồi nhỏ lên mâm là đào lấy cơm cháy, lúc hãy còn nóng giòn. Má sẽ rưới lên chén cơm ít nước cá kho, vài cái tóp mỡ còng queo beo béo. Má không bao giờ để bạn vừa ăn vừa hát, hoặc chỏi tay lên cằm, hoặc còng lưng xuống hoặc làm rơi rớt mấy hột cơm… Nhưng đó là những bữa cơm cháy cả nhà quây quần sau một ngày làm lụng tan tác, không phải một mình trên đất lạ và bạn một mình mếu máo nhai như trong miệng có nắm dăm bào.
Bạn từng thấy có nhà tới bữa cơm phải chờ nhau đông đủ. Có nhà ai đói nấy ăn, cho tuỳ nghi, cho người đi về muộn khỏi mang cảm giác nặng nề. Nhưng mỗi lần ông ngoại từ ký ức chống gậy về, và bữa cơm trên cao nguyên đá, và người đàn bà bưng bánh tiêu bánh bò qua nhà hớn hở cầm trên tay chai rượu, và tuổi tác chất chồng và đôi lúc thấy mình dường như đi lạc trên đời… đã làm bạn nghiêng về phía mâm cơm náo động. Để tròng trành cho lắm cũng muốn níu lấy mà về kịp hẹn.
Ăn cơm một mình nghe vẳng lại tiếng mình thấy chỉ bóng mình cũng không phải dễ chịu lắm. Ừ.
Nguyễn Ngọc Tư – Theo Sài gòn Tiếp thị