7/5 – 147 năm ngày sinh thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore : Rabindranath Tagore
10/02/2009![]() |
Rabindranath Tagore (1861 – 1941) Giải Nobel Văn học 1913 |
Rabindranath Tagore được trao giải vì những vần thơ tuyệt diệu, mang những cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện một tài năng thơ ca đặc biệt khác thường. Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là chiếc gạch nối giữa những truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại Phương Tây. Thi phẩm nổi tiếng nhất của ông là Lời dâng (Gitanjali).
Rabindranath Tagore là con thứ mười bốn của một điền chủ – nhà cải cách tôn giáo giàu có. Ông đi học ở trường một thời gian ngắn, về sau học ở nhà với cha. 8 tuổi, R.Tagore nổi tiếng giỏi văn nhất vùng Bengal; 13 tuổi có thể sáng tác nhạc, họa, đọc sách cổ bằng tiếng Phạn và dịch kịch Shakespeare; 17 tuổi sang Anh du học; năm 1880, trở về Ấn Độ, viết vở nhạc kịch đầu tiên. Từ giữa những năm 1880, R.Tagore sáng tác nhiều tập thơ, truyện ngắn, kịch. Về sau, khi trở thành chủ bút các tờ báo khác nhau, ông đã tự in tác phẩm của mình. Hầu hết sáng tác viết bằng tiếng Bengal, trong đó có một phần được R.Tagore dịch sang tiếng Anh.
Là người yêu nước nhiệt thành, nhưng R.Tagore không thể hiện mối quan tâm lớn đến chính trị, và việc từ chối ủng hộ M.Gandhi của ông đã làm thất vọng nhiều người hâm mộ ông ở Ấn Độ. R.Tagore coi điều quan trọng hơn cả không phải là thay đổi chính thể, mà là phục hưng dân tộc, cho rằng có thể tổng hợp những tinh hoa từ các nền văn hóa Đông và Tây. Vì mục đích đó, năm 1901, ông thành lập trường tư thục Santiniketan dành cho học sinh nam tại thái ấp cùng tên của gia đình ở ngoại ô Calcutta. Năm 1921, nơi đây trở thành trường Đại học Tổng hợp Quốc tế Visvabkharati dành cho các nhà khoa học có nguyện vọng tìm hiểu các nền văn minh Phương Đông. R.Tagore dành phần lớn thời gian trong những năm cuối đời cho việc phát triển trường đại học này và cho nhiệm vụ đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế. 50 năm sau, Visvabkharati trở thành một trường đại học tổng hợp danh tiếng thế giới.
Năm 1910 ra đời tiểu thuyết sáng giá nhất của R.Tagore – Gora – ủng hộ tính nhẫn nại tôn giáo và chính trị.
Năm 49 tuổi, R.Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Lời dâng). Thi phẩm này là lí do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được cả thế giới công nhận là kì công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Sakuntala của Kalidasa, nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỉ thứ V). Đang ở Mỹ, R.Tagore không đến Thụy Điển nhận giải, chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn. Nhà thơ hiến số tiền nhận từ giải thưởng cho ngôi trường của mình để miễn học phí cho học sinh. Thời kì sau Lời dâng, R.Tagore bắt đầu được tôn vinh ở Tổ quốc của mình như một vị thánh.
Từ năm 45 đến 59 tuổi, R.Tagore lần lượt đi thăm các nước Nhật, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô. Năm 1929, ông đã đến thăm Sài Gòn 3 ngày. Năm 1915, ông được vua Anh phong tước hiệu quý tộc, nhưng sau vụ thảm sát ở Amritsar năm 1919, ông đã từ chối danh hiệu đó. R.Tagore được trao học vị danh dự của bốn trường đại học tổng hợp Ấn Độ và trường Đại học Tổng hợp Oxford.
Năm 68 tuổi, R.Tagore bắt đầu vẽ tranh và triển lãm ở Münich, New York, Paris, Moscow và nhiều nơi khác.
80 tuổi, R.Tagore qua đời sau hai năm bị mù, để lại 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút kí, tiểu luận, diễn văn, hồi ức, thư tín cùng hàng ngàn ca khúc và tranh vẽ vô giá.
Ở Việt Nam, R.Tagore được dịch khá nhiều. Năm 2004, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã tổ chức xuất bản R.Tagore – tuyển tập tác phẩm, bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của R.Tagore và các công trình nghiên cứu về ông.
Ca khúc Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh viết năm 1911 trở thành Quốc ca Ấn Độ từ năm 1950.
Tác phẩm
– Câu chuyện nhà thơ (1878), trường ca.
– Tiếng hát buổi chiều (1882), thơ.
– Tiếng hát buổi sáng (1883), thơ.
– Lễ hiến sinh (1890), kịch.
– Một lí tưởng (1890), thơ.
– Con thuyền vàng (1894), thơ.
– Khoảnh khắc (1900), thơ.
– Tặng vật (1901), thơ.
– Kí ức (1902), thơ.
– Hạt cát nhỏ (1903), tiểu thuyết.
– Đắm thuyền (1906), tiểu thuyết.
– Trẻ thơ (1909, năm 1915 đổi tên thành Trăng non), thơ.
– Gora (1910), tiểu thuyết.
– Vượt biển (1906), thơ.
– Hi sinh (1910), thơ.
– Lời dâng (1910), thơ.
– Thân chủ của gia đình (1910), kịch.
– Vô cảm (1912), kịch.
– Sở bưu điện (1912), kịch.
– Hồi ức (1912), thơ.
– Đá khát và những câu chuyện khác (1913), tập truyện.
– Bài hát tưởng niệm (1914), thơ.
– Người làm vườn (1914), thơ.
– Vòng hoa thơ (1914), thơ.
– Ngôi nhà và thế giới (1916), tiểu thuyết.
– Thầy tu khổ hạnh (1916), kịch.
– Mùa xuân trở lại (1916), kịch.
– Đường bay của chiếc cần cẩu (1916), thơ.
– Mùa hái quả (1916), thơ.
– Tặng vật (1918), thơ.
–
Kẻ lánh nạn (1921), thơ.
– Thác nước (1922), kịch.
– Cây trúc đào đỏ (1926), kịch.
– Dòng chảy (1929), tiểu thuyết.
-Cuộc khủng hoảng của nền văn minh (1941), tiểu luận.
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt
– Lời tuyên cáo của Đông phương – Hoa Đường dịch, Tạp chí Nam Phong số 89 – 1924.
– Thần ái tình – Diệp Văn Kỳ dịch, Nhứt đức – thơ xã, 1929.
– Gia đình và thế giới – Mặc Lan dịch, Tạp chí Tao Đàn (từ số 6 – 13) – 1939.
– Tagorơ (thơ, truyện ngắn, kịch), Cao Huy Đỉnh – La Côn tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn học – 1961.
– Tập thơ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Rơ-vin Đra-nat Ta-gor – Nhiều người dịch, NXB Văn học – 1961.
– Thơ, Xuân Diệu – Yến Lan – Nguyễn Đình Thi tuyển chọn và giới thiệu, NXB Văn học – 1961.
– Khúc hát dâng đời, Phạm Hồng Dung – Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng – 1969.
– Thực hiện tâm linh – Như Hạnh dịch, NXB Kinh Thi – 1969.
– Tâm tình hiến dâng (nguyên tác : The gardener, thơ) – Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1969 – 1986; NXB Ba Vì, 1969 – 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 – 2001.
– Lời dâng (thơ) – Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1972; NXB Ba Vì, 1969 – 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 – 2001.
– Tặng vật (thơ) – Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1972; NXB Ba Vì, 1969 – 1974; NXB Đà Nẵng, 1997 – 2001.
– Khúc hát dâng đời Gitanjali và ba danh tác khác : Tặng phẩm người tình, Mảnh trăng non, Chim lạc – Phạm Hồng Dung – Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng – 1971.
– Kẻ lang thang (truyện) – Lê Thanh Hoàng Dân dịch, NXB Trẻ – 1973.
– Thực hiện toàn mãn – Nguyễn Ngọc Thơ dịch, NXB An Tiêm – 1973.
– R.Tagore – Thơ, Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn học – 1979.
– Đời tôi – Hoàng Hải dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài – 1984.
– Mây và mặt trời (tuyển tập truyện ngắn), Hoàng Cường – Nguyên Tâm dịch, NXB Văn học – 1986.
– Nàng Binôdini (tiểu thuyết), Hồng Tiến – Mạnh Chương, NXB Đà Nẵng – 1989.
– Đắm thuyền (tiểu thuyết, 2 tập), Lưu Đức Trung – Trương Thị Thu Vân – Hoàng Dũng dịch, NXB Văn học – 1989.
– R.Tagore – Tác phẩm chọn lọc, Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 1990 – 1994.
– Tagore – người tình của cuộc đời (có tuyển chọn một số bản dịch thơ của Tagore), Nhật Chiêu – Hoàng Hữu Đản biên soạn, NXB Hội Nhà văn – 1991.
– Mảnh trăng non (thơ), Phạm Hồng Dung – Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng – 1969; NXB Đà Nẵng – 1997.
– Thơ Tago (thơ) – Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn hóa – Thông tin – 2000.
– Người đàn ông xứ Kabul – Phạm Viêm Phương dịch; Ảo ảnh tan vỡ, Quan chánh án – Hoàng Cường dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn học – 1997.
– Cứu rỗi – Ngô Tự Lập dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn học – 1998.
– R.Tagore như tôi hiểu (60 bài thơ) – Nguyễn Linh Quang dịch, NXB Văn hóa – Thông tin – 2001; NXB Giáo dục – 2003.
– Đói, Lá số tử vi, Từ con, Người láng giềng xinh đẹp – Hoàng Cường dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà văn – 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà văn – 2004.
– Dàn hỏa thiêu, Chiến thắng, Kho vàng bí mật, Những bậc bến tắm bên sông – Hoàng Cường dịch; Từ con, Các babu vùng Nayajor – Nguyễn Tâm dịch; Cô dâu bé nhỏ – Nguyễn Văn dịch; Cứu rỗi – Ngô Minh Tự dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn học – 1999.
– R.Tagore, tuyển tập tác phẩm, Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, 2 tập, NXB Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2004.
Theo VietNamNet