70 năm trước, bài thơ "Chợ tết" được đăng trên báo Ngày nay số xuân Kỷ Mão – 1939, mở đầu cho sự xuất hiện của một tên tuổi mới trong nền thi ca Việt Nam: Đoàn Văn Cừ.
Cùng với thi sĩ đồng hương Nguyễn Bính từ phong trào Thơ mới, Đoàn Văn Cừ đã viết nhiều bài thơ thành công về mùa xuân, lễ tết. Và nếu như Nguyễn Bính suốt đời thơ luôn lang bạt kỳ hồ thì ngược lại, kẻ sĩ cầm tinh con Trâu Đoàn Văn Cừ mãi mãi ẩn cư nơi thôn dã của vùng đất văn hiến Nam Định "chôn nhau cắt rốn" vừa dạy học vừa làm thơ với ước muốn "Trong thơ góp một đường cày"…
hình ảnh minh họa bài thơ "Chợ Tết" của nhà thơ Đoàn Văn Cừ |
Bài thơ "Chợ tết" mở đầu bằng những hình ảnh tả thực rất sinh động:
"Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết."
Đăng kèm bài "Chợ tết" trên báo Ngày nay có lời giới thiệu của toà soạn: "Trong những lời đẹp một cách đơn giản và ý nhị, phiên chợ tết ở nhà quê hiện ra cùng với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những dáng điệu kỳ thú dưới ngòi bút linh hoạt của ông Đoàn Văn Cừ. Đây không tả ngày tết, nhưng bao nhiêu nét vẽ rất đúng, rất tinh xảo cũng khiến ta tưởng tượng được quang cảnh ngày xuân ở nông thôn". Sau khi báo phát hành, Đoàn Văn Cừ còn nhận được thư của nhà văn Thạch Lam trong ban biên tập gởi động viên, cho rằng họ Đoàn đã tạo được cho mình "một lối thơ riêng, đặc biệt có nhiều màu sắc và tả cảnh".
Cũng bắt đầu từ đó, trên thi đàn Việt Nam chính thức xuất hiện một thi sĩ mà tên tuổi gắn liền với những bài thơ về mùa xuân ngày tết vừa mộc mạc vừa độc đáo không lẫn vào ai được. Sinh thời nhà thơ Đoàn Văn Cừ cho biết: "Sau khi bài thơ đầu tiên "Chợ tết" được đăng, tôi có cảm nghĩ một bài thơ đẹp khi cất cánh khỏi bản thảo, có thể ví với một ánh sao, tia lửa vừa lóe sáng; một bông hoa nở, một cánh buồm lộng gió vượt sông ra đại dương; một bóng chim băng mình vào vũ trụ. Trong hoàn cảnh đó, tiếng lòng của người thi sĩ có thể bứt ra khỏi bản thân để đi tới một chân trời xa lạ, muôn bến ngàn phương. Nếu gặp mắt xanh, được cả thời và thế, thơ anh sẽ đọng trong trí nhớ độc giả, đứng lại mãi với thời gian và không gian, trở thành bất tử".
Đoàn Văn Cừ tuổi Sửu, sinh năm 1913 trên vùng đất Nam Định văn hiến, nơi phát tích nhà Trần, sản sinh nhiều nhân vật lịch sử như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Trường Chinh, Nguyễn Văn Vịnh, Đinh Đức Thiện,… Nhà nghèo, sớm mồ côi cha mẹ, cậu bé họ Đoàn sống với bà nội. Cứ hễ đến tết, bà nội ngồi trong ổ rơm, mặc áo đỏ cho Đoàn Văn Cừ sang lễ tết bên nhà ngoại để thay người mẹ vắn số.
Giống như những ngôi làng khác ở Bắc bộ, làng Đô Quan quê hương Đoàn Văn Cừ cũng có nhiều đình, đền, chùa, miếu với nhiều lễ hội kỳ thú. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ viết nên những bài thơ: Làng, Trăng hè, Ngồi đình, Tế thánh, Năm mới, Chợ làng vào xuân… Và không chỉ riêng làng Đô Quan mà Đoàn Văn Cừ còn được tắm mình trong lễ hội các làng lân cận như hội chùa Cổ Lễ, hội chùa Keo, hội chợ Yên, hội chợ Viềng… giúp ông sáng tạo nên Đám cưới mùa xuân, Đám hội… và đặc biệt là "Chợ tết":
"Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô."
"Mùa xuân, ngày tết đễ gợi nhớ về cội nguồn dân tộc, làm thức dậy trong lòng ta những kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng, sâu sắc, đằm thắm về gia đình, tổ quốc. Nhiều phong tục đẹp, sinh hoạt đẹp, cảnh sắc thiên nhiên đẹp diễn ra trong dịp này. Tôi sống trọn vẹn tuổi thơ, tuổi hoa niên ở nông thôn. Những cảm xúc, ấn tượng trữ tình dân dã, lành mạnh, thơm ngát hương đồng gió nội đã sớm quyến rũ tôi, đi vào tuổi vàng, tuổi thanh xuân đời tôi, máu thịt tôi, tâm hồn tôi; giúp tôi sau này, khi hồn thơ đã chín, viết nên những bài thơ, những bức tranh quê thơ mộng ngày xuân, ngày tết" – thi sĩ họ Đoàn thổ lộ.
Cùng với đền đài, lễ hội, thi ca, làng Đô Quan ruột thịt còn là nơi lưu dấu một tình bạn đẹp đẽ thời thanh xuân của Đoàn Văn Cừ với Nguyễn Văn Vịnh. Họ Nguyễn cũng mồ côi cha, được người mẹ nghèo tần tảo cố gắng nuôi ăn học, đặt nhiều hy vọng vào đức con duy nhất của mình. Hai chàng trai mồ côi cùng làng, học giỏi, có chí hướng đã kết thân với nhau. "Những hôm tối đến nhà anh chơi, gặp bữa thì ăn, nhiều tối không về, ngủ lại, hai đứa ôm nhau nằm trong ổ rơm, nói chuyện tới khuya. Không nằm thì tung chiếu ra, thắp đèn, chụm đầu ngồi đọc, viết, sửa thơ cho nhau. Bài thơ Trăng hè ngày ấy, viết được đoạn đầu, tôi đã toan bỏ. Anh đọc thấy được, khuyên tôi nên viết tiếp. Sau này báo Ngày nay in, Hoài Thanh và Hoài Chân chọn đưa vào thi nhân Việt Nam"- Đoàn Văn Cừ nhớ lại. Kỷ vật tình bạn đẹp đẽ mà họ Đoàn còn giữ tới nay là bức thư Nguyễn Văn Vịnh gởi cho ông năm 1941 trên đường phiêu bạt xa quê vào Nam. Bức thư viết dưới dạng văn vần, có nhiều câu rất đẹp:
"Cái gì như thể dây tơ,
Buộc người thơ với người thơ dặm ngàn,
Tôi xa, anh ở lại làng,
Liệu mà tô thắm nhuộm vàng cho quê".
Điều mong mỏi của Nguyễn Văn Vịnh đã trở thành hiện thực. Không chỉ người bạn thân Đoàn Văn Cừ đã "tô thắm nhuộm vàng" cho quê bằng tài năng thi ca, mà ngay cả chính Nguyễn Văn Vịnh trên đường phiêu bạt vào Nam kiếm sống và tìm đường cứu nước, ông đã trở thành một tướng lĩnh tài ba, từng giữ trọng trách chính uỷ Khu 8, rồi sau này là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất trung ương. Một người bạn mà thi sĩ Đoàn Văn Cừ luôn lấy làm tự hào.
Hơn 60 năm cầm bút, Đoàn Văn Cừ đã in gần mười tập thơ, trong đó đáng chú ý là Thôn ca I & II, Dọc đường xuân, Đường về quê me và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Thi sĩ ẩn cư Đoàn Văn Cừ đã mãi mãi đi xa từ name 2003, nhưng mỗi khi xuân về tết đến, hình ảnh ông như ẩn hiện đâu đây trong những bài thơ chân quê đượm chất trữ tình. Đó cũng là sự thành công của một đời thơ vốn chỉ có ước mơ khiêm tốn:
"Trong thơ góp một đường cày
Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa"
Phan Hoàng