Đoan chắc rằng đa số người Việt đều biết đến động đất sóng thần và nguy cơ thảm họa hạt nhân ở Nhật. Đau lòng, cảm thông, khâm phục. Không ít người bỏ tiền túi ra để đóng góp, sẻ chia. Ai cũng nghĩ ngợi, dù nông sâu khác nhau. Cuộc sống mong manh, ào một cơn giận của thiên nhiên, mất hết. Và, trong hoạn nạn, hình ảnh của con dân nước người hiện lên sáng rỡ, ấm áp, tin yêu.

Không muốn viết gì, không muốn làm gì, chỉ muốn Tôi ơi đừng tuyệt vọng mà không thể. Ra đường, tự nhiên cần từ tốn hơn trước, vì vậy mà tụt lại phía sau thiên hạ và cũng vì vậy mà quan sát dễ hơn. Vẫn dòng xe cộ nghẹt thở. Vẫn những gã trai rú ga bất chấp. Vẫn những tiếng còi thúc thẳng vào lưng trong khi đèn vẫn đỏ. Vẫn kiểu chồm lên vỉa hè, lao tới. Chen lấn để xộc xệch hơn ư, phóng nhanh để chết ư và cần hơn người khác có nửa vành bánh ư? Nhấp nhổm, ngạo ngược, hộc tốc, tàn bạo… đủ cả, bên mỗi trụ đèn giao thông. Chỉ có mấy mươi giây, dài nhất là 60 giây đèn đỏ mà không đủ kiên nhẫn ư. Chỉ chờ đợi có mấy chục giây mà không trật tự nổi ư?

Chiến tranh quá dài. Gần một thế kỷ tiến hành hai cuộc chiến trường kỳ và sau đó không thể loại trừ cuộc chiến 10 năm ở hai đầu đất nước. Chiến tranh liên miên, chiến tranh thử thách lòng kiên nhẫn, chiến tranh cho tâm lý hiếu sát và chiến tranh cũng có nghĩa là xoay xở, chen lấn để thoát ra. Chiến tranh không kết thúc cùng với ngày ngơi tiếng súng, chiến tranh như một con tàu, phải có quán tính rồi mới dừng lại, đứng yên.

Sự kiệt quệ bao trùm. Đổ nát toàn diện. Sau đó không phải là những cái cây mà là cỏ dại. Cỏ bao giờ cũng kiên cường với bon chen. “Ăn cháo mà có hòa bình cũng được”, chính những người nói câu đó đã nghĩ “còn ngu mới ngồi đó mà ăn cháo, nhá!”. Lại một cuộc tổng bật dậy ở mọi chỗ mọi nơi. Áo thôi vá, rồi áo lành, rồi áo đẹp. Con người như lò xo, nén càng sâu thì sự bật càng dữ, trắng và đen, sáng và tối, luật rừng và không luật.

Trở về với đức tin nào đây sau chiến tranh và vô thần? Cha ông cũng từng kháng chiến, sao tín ngưỡng không bị đứt gãy như vậy? Cha ông giỏi hay hậu sinh đang nếm mùi “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”? Vào cửa Phật mới rõ con người bây giờ cầu gì. Không biết đường khấn, không biết cách bái, nách kẹp ví, miệng lầm rầm cầu lộc cầu may và đi loanh quanh khắp các pho tượng để nhét tiền lẻ vào mọi chỗ có thể nhét được…

Không nghĩ không phải con người, càng nghĩ càng thấy không dám nghĩ thêm dù mấy mươi giây bên trụ đèn nghĩ được khối điều. Chưa chi còi đã thúc sau lưng, mấy gã chòi xe như muốn nghiền nát cẳng chân của người đang chờ đèn vàng. Một phụ nữ trẻ nhìn mình chằm chằm vô cớ. Chắc cô ta có con nhỏ ở trường, một cái bếp nhỏ đang chờ và có thể sau đó còn phải đưa con đi học thêm kẻo “không đưa thì sợ cô giáo buồn, cô giáo ghét”. 

Một đoàn ba chiếc xe hút đinh lăn thành hàng vào lúc chộn rộn nhất. Chúng ngộ nghĩnh quá. Như trò chơi. Du khách ngoại quốc chắc tò mò phải biết! Ở cái xứ gì cũng phong trào, có “phong trào rải đinh” thì lập tức có “phong trào thanh niên tình nguyện hút đinh”. Không giống ở đâu trên thế gian này. Luật pháp chưa đủ sức răn đe bọn đinh tặc, luật pháp bận rộn cho nhiều vụ khác chăng? Lại nghĩ nữa rồi, không gì tự do và phi nhanh như ý nghĩ. Định không nghĩ cũng không xong. Một lần nữa ý nghĩ lại phi sang nước Nhật và người Nhật. Mưa a xít ư, đã đến Việt Nam chưa mà người người phóng như điên vậy?

Không phải mưa đâu, bão giá đấy. Bão giá vần vụ trên đầu, nên gần đây cơn điên của người đi đường rõ hơn, nét hơn, như một con lật đật được lên dây cót. Một tiếng nói yếm thế từ sâu thẳm: đừng so sánh với người Nhật, xin đừng so sánh, mất công.

Theo Dạ Ngân (Phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *