29/1 – 148 năm ngày sinh văn hào Nga Antôn Sêkhốp : Sêkhốp – một nụ cười độ lượng
01/08/2008Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thương nhân cấp thấp, Antôn Sêkhốp đã có một cuộc sống tuổi thơ tù đọng, nhàm tẻ, lẻng xẻng những xu, hào, rền rĩ những lời chì chiết, đay nghiến, đòn roi. Thế nhưng, Sêkhốp cứ thế lớn lên, trưởng thành, tâm hồn không hề bị cằn cỗi, thui chột, mà ngược lại càng mềm mại, dịu dàng, trong sáng. Phải chăng do ông quá hiểu cuộc sống nghèo hèn, tù túng này? Không, vì ông là con người tài trời, ông đã được tạo hóa ban cho nhiều sức lực sáng tạo, song lại tàn nhẫn cướp đi thời gian vật chất, để ông không có cơ hội tiếp tục hoàn thành sự nghiệp của đời mình.
Anton Sekhov
Giờ đây, nhớ đến ông, chúng ta lại mường tượng đến một gương mặt hiền hậu, đôi mắt thông minh ẩn sau cặp kính không gọng, trên môi thoáng nụ cười ý vị. Trong các truyện ngắn của ông luôn luôn chứa chan tình yêu và sự thấu hiểu thế giới thực tại. Từ Olga Ivanovna và Dưmov trong "Người đàn bà phù phiếm" đến bác sĩ Kirilốp và Abôghin trong "Hai kẻ thù" đều được Sêkhốp nhìn bằng con mắt nhân hậu, thương cảm. Ông không cho mình cái quyền được phán xét và lên án một ai, mỗi một nhân vật mà ông dựng lên là một tính cách, một hoàn cảnh, một số phận. Ông nhìn con người như bậc trên nhìn kẻ dưới, đầy độ lượng, bao dung. Ông không xét đoán tình yêu ở sự chung thủy, mà phải yêu như thế nào cho xứng đáng, do đó, ông không lên án Olgo Ivanovna ("Người đàn bà phù phiếm") như lẽ thường. Điềm đạm, ít nói và hiểu cặn kẽ tâm lý con người là những tính cách dễ nhận thấy nhất ở ông được toát ra trong truyện "Những kẻ thù". Ông viết : " …Nói rộng ra thì lời nói dù có hoa mỹ và đầy ý nghĩa đến đâu cũng chỉ tác động đến những người dửng dưng ngoài cuộc, mà không bao giờ tác động đến được những người có hạnh phúc hoặc không có hạnh phúc. Vì vậy, biểu hiện cao nhất của niềm hạnh phúc hay nỗi đau thường là sự im lặng, và điếu văn thống thiết, lâm ly đọc bên một người chết chỉ làm xúc động những người không thân thích, còn đối với bà quả phụ và những đứa con của người chết thì lời điếu ấy thật lạnh lùng và vô nghĩa… ", vậy còn gì để nói nữa đây?
Điều đặc biệt và cũng là sự độc đáo, riêng biệt ở hầu hết các truyện ngắn của ông chính là không có cốt truyện, nhưng sức chứa tinh thần mà ông đem lại cho người đọc lại rất lớn. Có thể ví các truyện ngắn của ông như những "lát cắt tươi rói" trong cuộc sống hoặc nói một cách khác, ông đã bê những "mảng sống" ngoài xã hội vào trong truyện của mình, tiêu biểu : "Anh béo anh gầy", "Mặt nạ", "Con kỳ nhông", "Cây phúc bồn tử"… Ở những "mảng sống" này, ông đã khiến người đọc cảm thấy tất cả sự khủng khiếp của cuộc sống tù đọng, trì trệ, nhỏ nhoi của những con người bị tấm lưới tư hữu chằng buộc, níu kéo, một kiếp người đến là thảm thương.
Một điều đặc biệt nữa ở ông chính là sự chân thật, ông sống thế nào thì viết thế đấy, không hoa mỹ, không ồn ào, giả dối. Song trong cuộc đời cầm bút, ông đã tìm thấy những điều mà ông cho rằng quý giá hơn cả, đó là sự vật lộn muôn thủa giữa bản nguyên tối và bản nguyên sáng, giữa cái chết, tình yêu và sự sống trong tâm hồn mỗi con người. Từ đó, ông làm thức dậy trong tâm trí người đọc khát vọng về một sự đổi thay, khát vọng về một thế giới đẹp đẽ, công bằng, cao thượng. Và đó cũng chính là niềm tin tưởng của ông trên con đường tìm kiếm, niềm tin đã biến những truyện ngắn của ông trở nên bất tử.
Thu Hằng – Vietnamnet