* Giải Nobel Văn học 1915
* Nhà văn, nhà viết kịch Pháp
* Nơi sinh : Clamecy, Bourgone (Pháp)
* Nơi mất : Vezelay, Bourgone (Pháp)
Romain Rolland
Romain Rolland được trao giải vì tính lí tưởng cao cả của các tác phẩm văn học, vì sự cảm thông và tình yêu chân lí. Tiểu thuyết mười tập Jean Christophe lấy cảm hứng từ cuộc đời của Beethoven mang lại cho R. Rolland danh tiếng thế giới. Nhưng ông được nhân dân tôn vinh nhiều hơn với tư cách người bảo vệ tự do và phẩm giá con người, chiến sĩ đấu tranh cho một chế độ xã hội công bằng và nhân đạo.
Romain Rolland sinh ra trong một gia đình khá giả, bố là viên chức ngành luật, từ nhỏ đã có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông theo học Khoa Lịch sử của Trường Sư phạm L"Ecole Normale ở Paris; ra trường, ông tiếp tục sang Italia học lịch sử nghệ thuật. Năm 1895, ông bảo vệ hai luận án tiến sĩ về đề tài lịch sử nghệ thuật, sau đó dạy lịch sử hội họa tại Trường Sư phạm L"Ecole Normale và phụ trách bộ môn lí thuyết âm nhạc tại Đại học Sorbonne. Năm 1897, R. Rolland in tác phẩm Thánh Louis khiến dư luận chú ý, mở một lối đi riêng trong văn chương, quan tâm đến các vấn đề xã hội chủ nghĩa và cách mạng.
Thế chiến I bùng nổ, ông chuyển đến sống tại Thụy Sĩ, làm việc cho tổ chức Hồng Thập tự, viết nhiều tiểu luận lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa này, về sau tập hợp thành sách Bên trên cuộc chiến (1915).
Tác phẩm nổi tiếng nhất của R. Rolland là trường thiên tiểu thuyết Jean Christophe (10 tập, xuất bản trong các năm từ 1904-1912). Đây là tác phẩm mang tính tự truyện, trình bày mọi vấn đề liên quan đến chính trị, văn học và nghệ thuật và là tác phẩm mang lại cho ông Giải Nobel năm 1915. Tập thứ mười của bộ tiểu thuyết – nhan đề Ngày mới (Nouvelle journée) – cũng nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.
Trong sáng tác của mình, Romain Rolland thường phân chia các tác phẩm theo từng nhóm đề tài được ông theo đuổi trong nhiều năm, có khi cho tới cuối đời. Chẳng hạn như nhóm tác phẩm Bi kịch đức tin (Les tragédies de la foi) gồm ba vở kịch Thánh Louis (1897), Aert (1898) và Chiến thắng của lí trí (1899); nhóm tác phẩm Sân khấu Cách mạng (Théâtre de la révolution) gồm những tác phẩm viết về Cách mạng Pháp và kết thúc bằng vở kịch Robespierre (1939)…
Năm 1915, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Romain Rolland, nhưng năm sau giải mới được trao vì vụ bê bối xảy ra xung quanh những bài báo chống chiến tranh quyết liệt của ông trong năm đó. Cũng vì chiến tranh, lễ trao giải đã không được tổ chức, và Romain Rolland không đọc diễn từ.
Romain Rolland là nhà văn chuộng hòa bình, ủng hộ Cách mạng tháng Mười, suốt đời đấu tranh chống bạo lực và chủ nghĩa phát xít. Điều này thể hiện qua các tác phẩm văn học, báo chí, khảo cứu của ông và in dấu vào lịch sử văn học Pháp cũng như văn học thế giới. Ông mất năm 1944 vì bệnh lao mắc phải từ nhỏ khi nước Pháp vừa được giải phóng và Thế chiến II vẫn chưa kết thúc.
Thủ bút của R.Rolland
Tác phẩm
Vụ án cuối cùng của Louis de Berquin (Le dernier procès de Louis de Berquin – 1892), biên khảo về lịch sử.
Nhóm kịch Bi kịch đức tin (Les tragédies de la foi) gồm Thánh Louis (1897), Aert (1898) và Chiến thắng của lí trí (Le triomphe de la raison – 1899).
Bầy sói (Les loups – 1898), kịch.
Những kẻ chiến bại (Les vaincus – 1898), kịch.
Danton (1900), kịch.
Ngày 14/7 (Le 14 Juillet – 1902), kịch.
Nhà hát nhân dân (Le théatre du peuple, 1900 – 1903), tiểu luận.
Thời sẽ tới (Le temps viendra – 1903), kịch.
Cuộc đời Beethoven (Vie de Beethoven – 1903), truyện kí.
Cuộc đời Michelangelo (Vie de Michel-Ange – 1905), truyện kí.
Jean Christophe (1904 – 1912 – 10 tập), tiểu thuyết.
Nhạc sĩ thời xưa (Musiciens d"autrefois – 1908), phê bình âm nhạc.
Nhạc sĩ thời nay (Musiciens d"aujourd"hui – 1908), phê bình âm nhạc.
Cuộc đời Tolstoi (Vie de Tolstoi – 1911), truyện kí.
Bên trên cuộc chiến (Au dessus de la mêlée – 1915), tập hợp các bài đăng trên báo.
Colas Breugnon (1918), tiểu thuyết.
Liluli (1919), hài kịch.
Những bậc tiền bối (Les précurseurs – 1919), tiểu thuyết.
Tuyên ngôn độc lập của tinh thần (Décleration d"independence de l"esprit – 1919), kí.
Clerambault : câu chuyện một người có lương tâm trong cuộc chiến (Clerambault : histoire d"une conscience libre pendant la guerre – 1920), tiểu thuyết.
Pierre và Luce (Pierre et Luce – 1920), truyện vừa.
Mahatma Gandhi (1923), truyện kí.
Trò đùa giữa tình yêu và cái chết (Le jeu de l"amour et de la mort – 1925), kịch.
Chủ nhật trước lễ Phục Sinh (Pâques – fleuries – 1926), kịch.
Les Leonides (1927), kịch.
Beethoven, nhà sáng tạo (Beethoven : les grandes époques créatrices – 1928-1944), sách nghiên cứu, nhiều tập.
Các vị tiên tri của nước Ấn Độ mới (Essai sur la mystique et l"action de L"Inde vivante – 1929-1930), nghiên cứu.
Tâm hồn say đắm (L’âme enchantée – 1922-1933), tiểu thuyết.
Mười lăm năm đấu tranh (Quinze ans de combat – 1935), tiểu luận báo chí.
Hòa bình qua cách mạng (Par la revolution la paix – 1935), tiểu luận báo chí.
Những người đồng hành (Compagnons de route – 1936), tiểu luận báo chí.
Robespierre (1939), kịch.
Cuộc du hành nội tâm (Le voyage intérieur – 1942), tự truyện.
Những kỉ niệm về Richard Strauss (Souvenirs sur Richard Strauss – 1945), nghiên cứu.
Vòng quanh thế giới (Le périple – 1946), tự truyện.
Péguy (1944), tiểu sử danh nhân.
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt
Lòng bác ái, lịch sử ông thánh Gandhi (nghiên cứu, tiểu luận), Yên Sơn dịch, Gia Định – Đông Pháp, 1929.
Jăng – Krixtốp (tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Huy – Tảo Trang – Trần Hữu Mai dịch, NXB Văn Học, 1976; 1978.
Ma-hat-ma Găng-đi (truyện danh nhân), Trần Đỉnh biên dịch, NXB Văn hóa – Thông tin, 2000.
Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
(Sven Söderman, nhà phê bình Thụy Điển)
Romain Rolland sinh ngày 29 tháng 1 năm 1866 tại Nièvre. Ông học văn học, âm nhạc và triết học. Năm 1895, ông cho xuất bản hai luận án tiến sĩ : Les Origines du théâtre lyrique moderne (Nguồn gốc nhạc kịch trữ tình hiện đại), một tác phẩm hết sức uyên bác và sâu sắc đã đạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, và một luận án bằng tiếng Latinh, Cur ars picturae apud Italos XVI saeculi deciderit, một công trình nghiên cứu về sự suy tàn của hội hoạ Italia thế kỉ XVI. Sau vài năm vất vả làm giảng viên, ông được bổ nhiệm làm Phó Giáo sư Trường Đại học Sư phạm và sau đó (năm 1903) ở Trường Đại học Sorbonne. Từ đó đến năm 1910, ông giảng dạy nhiều khoá học đặc sắc về lịch sử âm nhạc. Ngoài trách nhiệm ở Trường Đại học, ông còn cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp phê bình âm nhạc và trong những năm này, ông trở nên nổi danh không chỉ ở Pháp, mà còn ở toàn châu Âu khi cho đăng các bài báo và bài phê bình thành tập sách dưới tiêu đề Musiciens d"autrefois (1908) (Nhạc sĩ thời xưa) và Musiciens d"aujourd"hui (1908) (Nhạc sĩ thời nay). Người ta phát hiện ở ông một nhà phê bình vĩ đại, vừa công bằng vừa táo bạo, không hề mang định kiến hoặc thiên vị, và là người luôn cố gắng thông qua âm nhạc để vươn tới cội nguồn đích thực của cuộc sống. Tập tiểu sử ông viết về Beethoven (1903) và Händel (1910), vừa đầy cảm hứng vừa vô cùng uyên bác, là bằng chứng về sự am hiểu âm nhạc của ông. Ngoài những tác phẩm trên, ông viết khá nhiều tập tiểu sử có giá trị về François Millet (1902), Michelangelo (1905-06) và Tolstoi (1911). Trong những tác phẩm này, ông đã nhấn mạnh tính quả cảm trong đời sống và tài năng của các nghệ sĩ.
Rolland bắt đầu sự nghiệp văn học vào năm 1897 với vở kịch năm hồi, Saint-Louis, xuất bản cùng với vở Aert (1898) và vở Le Triomphe de la raison (1899) (Chiến thắng của lẽ phải), trong cùng một tuyển tập có tên chung là Les Tragédies de la foi (1909) (Bi kịch lòng tin). Trong những vở kịch này, dưới lớp vỏ các sự kiện lịch sử, ông đã cố gắng thể hiện những bất hạnh mà những tâm hồn trung thành với lí tưởng phải gánh chịu trong cuộc tranh đấu với thế giới. Ông cũng viết tập Théâtre de la révolution (1909) (Sân khấu cách mạng), trong đó bao gồm Le 14 Juillet (1902) (Ngày 14 tháng 7), Danton (1900), Les Loups (1898) (Đàn sói), và vở kịch về chiến tranh ở Transvaal, Le Temps viendra (1903) (Thời cơ sẽ tới). Những vở kịch về cuộc Cách mạng Pháp thai nghén trong tâm trí Rolland trong thời gian ông mơ ước về một cuộc cải tổ nghệ thuật kịch. Ông muốn tạo ra một thể loại sân khấu mới, để giải phóng nghệ thuật khỏi sự chi phối của những bè phái vị kỉ và giao phó nghệ thuật cho quần chúng. Trước đó, ông đã phác thảo ý tưởng này qua tiểu luận Le Théâtre du peuple (1900-1903) (Sân khấu quần chúng). Ông đã cống hiến hết mình cho thể loại sân khấu quần chúng mới này qua việc mô tả những sự kiện cơ bản của cuộc Cách mạng Pháp và thể hiện trên sân khấu thiên anh hùng ca của dân tộc Pháp. Những vở kịch này, với mục đích tìm lẽ phải đạo đức bằng cái giá hi sinh màu sắc giai thoại, phát lộ tính trực giác lịch sử, và các nhân vật trong đó cực kì sống động. Đây là những tác phẩm hay, đáng được đọc và công diễn.
Từ năm 1904 đến năm 1912, Rolland cho xuất bản bộ tiểu thuyết lớn mang tên Jean-Christophe, bao gồm nhưng câu chuyện riêng biệt : L"Aube, Le Matin, L"Adolescent, La Révolte, La Foire sur la place, Dans la maison, Les Amies, Le Buisson ardent, và La Nouvelle Journée (Bình minh, Buổi sáng, Thời thanh niên, Nổi loạn, Hội chợ trên quảng trường, Trong nhà, Những người bạn gái, Bụi cây rực cháy và Ngày mới). Năm 1910, ông xin từ chức ở Trường Đại học Tổng hợp, từ đó ông sống chủ yếu ở Roma và ở Thuỵ Sĩ, dành hết thời gian và tâm trí cho văn học. Trong chiến tranh, ông viết nhiều bài đăng trên các báo của Thuỵ Sĩ. Sau này, những bài viết đó được xuất bản thành sách mang tên Au-dessus de la mêlée (1915) (Phía trên trận chiến). Trong cuốn sách này, ông vẫn kiên trì quan điểm rằng tương lai của nhân loại quan trọng hơn những lợi ích quốc gia. Chiến tranh đối với ông chỉ là hiện thân của bạo lực man rợ và, vượt trên cuộc đấu tranh đẫm máu giữa các quốc gia nhằm tranh đoạt quyền lực, ông hướng chúng ta đến sự nghiệp nhân đạo. Những tác phẩm mới nhất của Rolland là các tiểu thuyết Colas Breugnon (1918) – tác phẩm tưởng tượng đầy kịch tính, Liluli (1919), và một tác ph