Lại Văn Long được độc giả biết đến khi tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện của anh đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1990 – 1991. Thế nhưng, trong lúc độc giả đang chờ đợi những bước tiến tiếp theo thì “cây bút mới” Lại Văn Long “lặn biệt tăm”. Mới đây, anh xuất hiện trở lại bằng cuốn tiểu thuyết có tên Thạch Đế viết về Thạch Sanh, Lý Thông, Chằn Tinh, Chân Lý…
* Gần 20 năm qua, anh “biến mất” khỏi văn đàn khi thiên hạ đang kỳ vọng. Lý do nào khiến anh chọn thời điểm này để lộ mặt trở lại?
– Sau khi Kẻ sát nhân lương thiện đoạt giải Nhất, tôi từ Đà Lạt xuống Sài Gòn làm báo. Công việc báo chí để kiếm sống, lo sinh kế cho gia đình đã cuốn tôi vào và không thể thảnh thơi suy nghĩ, mơ mộng và sáng tác. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định viết văn cả, ngược lại, càng sống tôi thấy mình càng phải “viết cái gì đó”.
Lại Văn Long sinh năm 1964 tại Đà Lạt (gốc Huế – Bình Định), tốt nghiệp Khoa triết ĐH Tổng hợp TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, Lại Văn Long làm cán bộ tuyên giáo ở tỉnh Lâm Đồng và viết báo từ năm 1988. Năm 1992, anh về công tác tại báo Công an TP.HCM, nhận hơn 20 giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo VN, TP.HCM và các bộ, ngành.
Tiểu thuyết Thạch Đế là cuốn sách đầu tay của Lại Văn Long sau mấy chục năm cầm bút, Anh viết Thạch Đế theo lối “luận đề”, tuy nhiên, văn phong trong Thạch Đế đầy dí dỏm khiến độc giả vừa đọc vừa cười. Sắp tới, anh chuẩn bị in cuốn sách thứ hai gồm 2 truyện dài và một số truyện ngắn, trong đó có Kẻ sát nhân lương thiện. Đặc biệt, Lại Văn Long có thể thuộc làu bất cứ tác phẩm nào của mình. |
* Vậy Thạch Đế có phải là “cái gì đó” mà anh muốn giới thiệu với bạn đọc sau chừng ấy năm vắng bóng?
– Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, lúc còn học phổ thông, tôi học không giỏi môn văn. Thầy Nguyễn Văn Hương, giờ làm Phó Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, dạy văn (lớp 12A trường THPT Đức Trọng) cho tôi có nói: Nước ta chưa có tác phẩm khái quát được 100 năm biến động vừa qua. Tôi viết Thạch Đế vì bị ám ảnh lời thầy dạy. Tiểu thuyết này tôi viết ngay sau Kẻ sát nhân lương thiện nhưng chỉ được 2 chương, 5 chương còn lại tôi hoàn thành vào đầu năm 2009 vừa rồi. Những gì tôi “để dành” 20 năm tuôn ra ào ạt, viết không kịp đọc lại, viết đến tê dại các đầu ngón tay…
* Tiểu thuyết này anh lấy chuyện cổ tích Thạch Sanh để làm nền, những điểm nào trong Thạch Đế khác Thạch Sanh?
– Thạch Sanh trong Thạch Đế làm đến chức “Chủ tịch Đại hội đồng Hoàng đế” và cuộc đời biến đổi theo từng giai đoạn nhận thức. Có thể chia ra 5 giai đoạn nhận thức của Thạch Sanh – như ảnh bìa của cuốn sách: Ước mơ về công bằng, tự phát thực hiện ước mơ về công bằng, sau đọc được “Mẫu thư” tức là trang bị được lý luận chuyển sang đấu tranh tự giác, tiếp đến là quá trình nhận thức lại để cuối cùng đạt đến chân lý. Bối cảnh xã hội và sự chuyển biến trong nhận thức của Thạch Đế phức tạp hơn rất nhiều so với Thạch Sanh trong cổ tích.
* Thế còn Lý Thông và những nhân vật khác?
– Lý Thông cũng xuất thân hàn vi như Thạch Sanh, từ đói nghèo lạc hậu đi lên. Nhưng Lý Thông sớm xác định được quy luật thương trường vì Thông được “Thần tài” cho cuốn sách Kinh bang tế thế, sách có câu: “Hoàng đế tương lai sẽ mở rộng biên cương bằng của cải vật chất thay vì các đạo binh”. Có điều, Lý Thông trong Thạch Đế khác với Lý Thông trong cổ tích, ở chỗ: Sau khi “ăn nên làm ra” ông ta siêng làm từ thiện hơn, đi đâu cũng được quan lại địa phương săn đón.
Thạch Sanh – Lý Thông là hai mặt đối lập trong một xã hội có giai cấp nếu nhìn theo lý luận thời chúng tôi còn đi học. Khi trở thành Thạch Đế, Thạch Sanh vì căm ghét bọn nhà giàu đã bắt nhốt Lý Thông vào gốc đa suốt 18 năm ròng. 18 năm vắng Lý Thông, vương quốc của Thạch Đế tiều tụy, đói nghèo, lạc hậu… Thạch Sanh lại mời Lý Thông ra làm kinh tế để vương quốc thoát nghèo, tuy nhiên, hai nhân vật này vẫn chưa thể tin nhau nếu không có một nhân vật quan trọng hòa giải.
Nhân vật này là công chúa Chân Lý – người từng bị Lý Thông (lúc chưa tiến bộ) cưỡng bức, từng bị ngộ nhận chôn sống, nhưng “chân lý” không bao giờ chết. Chân Lý cũng không có tình riêng, không biết căm thù và không tồn tại nhờ vương quyền.
Bìa cuốn Thạch Đế |
* Thạch Đế mang nhiều ẩn dụ của cuộc đời, có phải vì vậy mà anh đã “rào trước” rằng: Truyện hư cấu chứ không phải tài liệu viết về lịch sử để… tránh suy diễn?
– Con người mới sinh ra không ai xấu và ác cả, đó là điều chắc chắn. Nhưng hoàn cảnh sống dễ biến đổi con người nếu bản lĩnh của họ không vững. Như nhân vật Chằn Tinh trong Thạch Đế lúc đầu là con người, xuất thân Chằn Tinh đói nghèo cố gắng học để làm quan thu thuế. Vinh hoa, quyền lực rồi, Chằn Tinh mới ăn chơi trả thù quá khứ. Ăn chơi chán chê của ngon vật lạ, Chằn Tinh đòi ăn thịt người xem có ngon không. Do ăn thịt người nên chất người của Chằn Tinh biến mất và hóa thành quỷ.
Thông qua Chằn Tinh, tôi muốn nói rằng thời nào cũng có những bọn người hóa quỷ như vậy. Tất nhiên, mỗi người đọc có “quyền hiểu” cho riêng mình. Tôi “rào trước” vì không muốn rắc rối nếu một vài bạn đọc nào đó vận dụng triệt để cái “quyền hiểu” một cách thái quá.
* Như anh nói Thạch Đế muốn bao quát một thế kỷ, trong khi cuốn sách chỉ 200 trang, liệu có quá mỏng không?
– Mỏng hay dày không quan trọng bằng hàm lượng tôi đã chuyển tải qua từng chữ. Tôi nghĩ rằng viết phải ngắn gọn nhưng nói được nhiều. Mong rằng bạn đọc không mất thì giờ với 200 trang sách lại có được nhiều dư vị trong một khoảng thời gian đọc không lâu.
* Xin cảm ơn anh!
Theo Hoàng Nhân – Thể thao và Văn hóa