Himalaya hùng vĩ từ bao đời nay đã từng đi vào những áng thơ văn bất hủ của con người, chứa đựng biết bao điều bí ẩn đối với chúng ta. Để thưởng thức được vẻ đẹp lộng lẫy, vĩ đại, hào hùng cũng như những điều mà cho tới nay vẫn chưa được sáng tỏ của nơi đây, mời bạn cùng chúng tôi đi theo vết chân của những vận động viên leo núi – những người đã chinh phục điểm cao nhất của hành tinh.

Con đường mòn dẫn tới chân Everest và những ngọn núi xung quanh nó bắt đầu từ làng Lúc-la, làng này ở độ cao 2.200 m. Nếu đi bộ từ thủ đô Cát-man-du của Népan tới đây phải mất ba tuần lễ, nếu bay bằng máy bay loại nhỏ hai động cơ thì chỉ hết khoảng 40 phút. Máy bay có thể bay được vào buổi sáng, vì từ trưa đến chiều, ở vùng này thường nổi lên những trận cuồng phong. Chúng đánh tan những đám mây lơ lửng trên bầu trời xung quanh những mỏm núi cao ngất và lùa những mảnh mây tan tác vào các hẻm núi. Thế là những trận mưa ào ạt như trút nước bắt đầu.

Máy bay vừa lên cao, phía bên trái của nó đã hiện ra những đỉnh núi phủ băng trắng muốt, lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ. Qua cửa sổ máy bay, từng đỉnh núi cao lần lượt hiện ra trước mắt : kia là ngọn núi Num-búc cao 6.955 m, cạnh đó là đỉnh Chô-ô-iu cao 8.153 m, còn kia là ngọn núi Pu-mi-ô cao 7.145 m. Xa hơn nữa, sau những chóp núi Núp-xde và Le-khốt-de chính là vị chúa tể của “Vương quốc băng tuyết” – ngọn Everest hùng vĩ. Biết bao vận động viên leo núi từng mơ ước leo tới đỉnh vương miện của ông chúa Himalaya, nhưng chỉ có ít người thực hiện được ước mơ ấy.

Đỉnh núi cao nhất thế giới lấy tên của một người Anh là G.Everest (George Everest), lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Trắc địa Ấn Độ. Người Tây Tạng và người Séc-pa, một dân tộc sống ở Himalaya, gọi ngọn núi này là Chô-mô-lung-ma (có nghĩa là “mẹ của thế giới của gió tuyết”).

Năm 1852, Sở Trắc địa Ấn Độ đã phát hiện ra đỉnh cao nhất thế giới này sau khi kiểm tra những số liệu đo đạc được.

Người ta nêu nhiều con số về chiều cao của Everest, nhưng đa số các tài liệu xác nhận là 8.848 m. Điều đáng chú ý là Everest cao lên dần do sự di chuyển của thềm lục địa lớn, trung bình hàng năm từ 7 – 10 cm.

Mùa xuân năm 1934, một cựu đại úy quân đội Anh là Uyn-xơn đến Tây Tạng và cải trang thành người địa phương, tìm cách leo lên phía bắc của ngọn núi. Nhưng dọc đường, ông chết vì rét và kiệt sức.

Ngày 28/5/1952, Lăm-be – người Thụy Sĩ – và Ten-xin – người Séc-pa – leo lên đến độ cao 8.500 m, nhưng vì kiệt sức và máy ô-tô hỏng, nên họ đành phải bỏ cuộc.

Ngày 29/5/1953, một đoàn thám hiểm Anh và là đoàn thứ chín, đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Năm 1953, đúng 101 năm sau khi phát hiện Everest, cũng Ten-xin người Séc-pa và Hi-la-ru – người Niu-di-lân – leo lên đến đỉnh.

Từ năm 1953 đến năm 1980, có tất cả 107 vận động viên leo núi của 16 nước trên thế giới, trong đó có 4 nữ, đã leo đến đỉnh Everest.

Theo Di sản thế giới

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *