9/08, 1:59 pm
Nhà sản xuất chương trình truyền hình người Anh Richard Wilson được coi là kẻ chơi ngông, thách thức dư luận khi liệt những kiệt tác kinh điển như "Ulysses" – James Joyce, "Chuông nguyện hồn ai" – Ernest Hemingway, "Chiến tranh và Hòa bình" – Leo Tolstoy… vào danh mục những tác phẩm không đáng quan tâm.
10 đầu sách Wilson khuyên độc giả không nên đọc vừa được đăng tải trên tạp chí Times và nhanh chóng bị giới phê bình và những người yêu văn chương “lườm nguýt”. Danh sách này được trích ra từ cuốn Can’t be Arsed: 101 Things Not to Do Before You Die (Không phải bận tâm: 101 điều bạn không cần làm trước khi chết). Đứng đầu bảng phong thần của Richard Wilson là Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến – Jane Austen) – tác phẩm từng lọt vào top 100 cuốn sách giá trị nhất. Gây sốc hơn, tiểu thuyết vĩ đại Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy – cuốn sách từng là một trong 10 tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời – cũng không nằm ngoài danh sách loại thải của Wilson.
Dưới đây là những đầu sách cụ thể và lý lẽ của Richard Wilson: (xếp theo thứ tự tăng dần về mức độ “không cần thiết phải đọc”).
"Chiến tranh và hòa bình" bị coi là không đáng đọc.
10. Ulysses – James Joyce
Khi còn là học sinh, tôi còn nhớ, giáo viên tiếng Anh của tôi có nói, ông chưa từng thấy ai đọc hết cuốn sách này. Nghe vô lý nhỉ? Tôi luôn nghĩ rằng, một tác phẩm hay phải lôi kéo người đọc đến trang cuối cùng. Thế nên, thật tuyệt khi biết rằng: Nếu tác phẩm này đã nổi tiếng là khó đọc như thế, thì chúng ta đã có một lý do hoàn hảo để bỏ qua.
9. Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) – J R R Tolkien
Điều tuyệt vời nhất tôi có thể nói về cuốn sách này là: nó là công cụ hữu dụng giúp tôi chọn bạn. Tôi biết là tôi chẳng có điểm gì chung với những kẻ đọc bộ truyện này của Tolkien.
8. For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai) – Ernest Hemingway
Phong cách của Hemingway ban đầu rất ấn tượng: những câu văn ngắn gọn với rất ít miêu tả. Ông tránh sử dụng tính từ và trạng từ. Nhưng dần dà, bạn nhận thấy, lối viết đó quá khô khan và tẻ nhạt. Càng tìm hiểu về Hemingway, bạn lại càng cảm thấy ông ấy cũng nhạt không kém: một quý ông chỉ ám ảnh bởi các trận đấu bò tót, súng ống, quyền anh và bắt cá. Hemingway thực sự là người mà bạn không muốn dành thời gian cùng.
7. À la Recherche du Temps Perdu (Đi tìm thời gian đã mất) – Marcel Proust
Ồ, anh ta (nhân vật chính) ăn một chiếc bánh rồi từ đó miên man nghĩ về thời thơ ấu. Chúng ta cũng chẳng làm như thế suốt đó sao? Nếu tôi nhớ về tuổi thơ, tôi sẽ lôi những bức ảnh ra ngắm.
6. The Dice Man (Kẻ chơi xúc xắc) – Luke Reinhart
Anh chàng khó ưa này chỉ viết ra những gì mà những viên xúc xắc trò chơi bảo anh ta làm – thật kinh khủng.
5. Fear and Loathing in Las Vegas (Khiếp sợ và ghê tởm ở Las Vegas) – Hunter S Thompson
Một cuộc du ngoạn ảm đạm, thê lương và không mấy xác thực của nhà văn được coi là tiêu biểu cho phong cách báo chí Gonzo.
4. The Beauty Myth – Naomi Wolff
Tôi không biết liệu Naomi có phải là một học giả khả kính không. Tôi cũng không buồn gõ tên cô vào Google để tìm hiểu. The Beauty Myth chỉ viết về áp lực của phụ nữ để làm sao giảm cân và trông thật xinh đẹp.
3. War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình) – Leo Tolstoy
Dài, dài quá.
2. The Iliad – Homer
The Iliad là một trong những cuốn sách tẻ nhạt nhất từng được viết ra. Nó không chỉ là cuốn sách tẻ nhạt, nó còn là thiên hùng ca bằng thơ tẻ nhất. Những trận đấu tương tự nhau cứ lặp đi lặp lại… Nó là một cuộc chiến lớn giữa Achilles và Hector. Mọi chuyện chỉ có vậy.
1. Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) – Jane Austen
Tôi đã cố đọc cuốn sách của Jane Austen và không đọc nổi đến trang thứ 50 nên đành bỏ cuộc. Nhân vật nói rất lòng vòng, cách điệu, cầu kỳ và đạo đức giả.
Theo Evan