“Văn học là công cụ hoàn hảo để nghiên cứu tâm hồn”
Nhân sự kiện nhà văn Paolo Giordano, 27 tuổi, người đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất nước Ý năm 2008 (Premio Strega) bằng cuốn sách đầu tay Nỗi cô đơn của các số nguyên tố (bán hơn một triệu bản) vừa đến Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với anh.
Nhà văn Paolo Giordano |
Trước khi đến đây, anh đã biết gì về Việt Nam và nền văn học Việt Nam?
Việt Nam là đất nước xa nhất mà tôi từng đến. Tôi chưa biết nhiều về Việt Nam, nhưng từ nhỏ, tôi đã lưu giữ nhiều hình ảnh về Việt Nam trong tâm trí. Cha của người bạn cạnh nhà tôi là người ở thành phố Đà Nẵng. Tôi sống trong không gian của Việt Nam bằng cách ăn món ăn Việt, ngắm những bức tranh về Việt Nam ở nhà cô bạn này – cũng là người đầu tiên tôi rung động và “yêu” khi mới bảy, tám tuổi (cười). Hôm nay tôi đến đây cũng là được sống lại thời hoa niên đó, giống như việc tôi viết cuốn tiểu thuyết này cũng là kể về những người trẻ, từ khi họ còn niên thiếu cho đến lúc trưởng thành. Trước khi đến đây tôi đã đọc một tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra tiếng Ý.
Là tiến sĩ vật lý chuyển sang viết văn, đã đạt được thành công lớn với văn chương, vậy anh sẽ chọn viết văn hay tiếp tục nghiên cứu khoa học?
Viết văn và hoạt động khoa học, với tôi, đều xuất phát từ sự ham mê tìm tòi. Việc theo đuổi những công việc không liên quan đến văn học đã giúp tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có hành trang kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đến với văn học, tôi viết khá tự do, không phải tự so sánh với các tác giả khác hay bó buộc về lối viết.
Sau khi đoạt giải thưởng, tôi chưa bao giờ dừng viết, nhưng chủ yếu là viết ngắn cho báo. Tôi muốn viết dài hơn nhưng phải quên đi những gì đã xảy ra, quên đi thành công đã đạt được để có một khởi đầu mới. Để lựa chọn giữa nghiên cứu vật lý và viết văn, bây giờ thì tôi đã có thể nói được là tôi chọn văn chương – niềm yêu thích từ khi còn bé – làm con đường đi của mình.
Tại Việt Nam đang có nhiều người trẻ ở độ tuổi như anh đang theo đuổi con đường viết văn. Còn ở Trung Quốc đã cả một dòng văn học Linglei với các sáng tác của người trẻ, trong số này, nhiều người đã có các tác phẩm “best-seller” và trở thành tỉ phú nhờ văn chương. Ở Ý có hiện tượng tương tự không?
Chính thị trường đang đòi hỏi thêm những nhà văn trẻ, với những tác phẩm mới lạ. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần xác định rõ, phân tích theo từng trường hợp cụ thể về số lượng sách được một tác giả viết, số lượng bản in của nó và chất lượng sách. Người viết văn trẻ không nên được coi và tự coi mình là “ngôi sao”, nên chừng mực thôi, vì con đường đi với công việc này còn rất dài. Ở Ý cũng có nhiều người trẻ viết văn nhưng con số đạt được thành công thực sự còn rất ít. Trước đó, có nhà văn Robert Saviano, chưa đầy 30 tuổi đã có cuốn tiểu thuyết Mafia từ Ý (tựa tiếng Anh là Gomorrah: Italy’s Other Mafia – PV) gây tiếng vang rất lớn tại Ý. Còn giải thưởng mà tôi đạt được từ trước tới nay chưa bao giờ trao cho nhà văn trẻ.
Anh muốn nói gì với những bạn trẻ Việt Nam?
Tôi muốn nói rằng văn học là công cụ hoàn hảo để nghiên cứu tâm hồn. Các bạn hãy chăm chút cho tâm hồn mình nhiều hơn nữa, để bớt đi những nỗi cô đơn. Còn trong sự nghiệp, hãy bắt tay vào làm những gì mà mình say mê và nghĩ đến thuận lợi nhiều hơn là nhìn vào những khó khăn, để quyết tâm theo đuổi.
Theo SGTT