“Hồ Chí Minh với tôi đã trở thành một khái niệm. Và tôi đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hồ Chí Minh là ai?, cho đến cuối cuốn sách của mình, tôi mong rằng một phần câu trả lời đã có…”.

Đó là những tâm sự , chia sẻ của nhà báo Đức Hellmut Kapfenberger, người có nhiều mối nhân duyên với VN, trong dịp ông quay trở lại dải đất hình chữ S để giao lưu, gặp gỡ với độc giả cuốn sách “Hồ Chí Minh- Một biên niên sử” do ông biên soạn.

Câu trả lời đã có!

Đã có không ít tác giả nước ngoài viết về Hồ Chí Minh. Nhưng viết và dành nhiều thời gian tìm hiểu về Người như Hellmut Kapfenberger thì không nhiều. Đã gần tám mươi tuổi, song ở ông, không dễ tìm thấy dấu hiệu của tuổi già.

Thuộc thế hệ thanh niên xuống đường hô vang khẩu hiệu “Hồ- Hồ- Hồ Chí Minh”, “Việt Nam- Hồ Chí Minh” trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại VN, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân VN, Hellmut Kapfenberger cho biết, ông đã có thời gian công tác tại VN với tư cách là phóng viên Hãng Thông tấn CHDC Đức, báo Nước Đức mới và một số báo khác thường trú tại VN trong những năm 1970- 1973. Năm 1980-1984, ông là Trưởng Văn phòng đại diện Đông Dương của Hãng Thông tấn CHDC Đức tại Hà Nội. Cũng thời gian trên, ông từng làm phóng viên đặc biệt ở Lào và Campuchia. “Những kỷ niệm, tình yêu dành cho đất nước, con người VN luôn là động lực thôi thúc tôi tiếp tục nghiên cứu và viết về đất nước của các bạn…”, Hellmut Kapfenberger nói.

Ông Hellmut Kapfenberger ký tặng sách cho độc giả

 

Nung nấu với câu hỏi: “Hồ Chí Minh là ai?”, Hellmut Kapfenberger đã thực hiện cuốn sách “Hồ Chí Minh- Một biên niên sử”, một nhiệm vụ mà ngay từ đầu đã được xác định là rất gian nan. Công trình được ông biên soạn khá công phu, được NXB Verlag Neues Leben, Berlin xuất bản năm 2009. “Hồ Chí Minh với tôi đã trở thành một khái niệm. Và tôi đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hồ Chí Minh là ai?, cho đến cuối cuốn sách của mình, tôi mong rằng một phần câu trả lời đã có…”.

Khoảng hai năm để hoàn thành cuốn sách nhưng Hellmut Kapfenberger trước đó đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu “khái niệm Hồ Chí Minh”, một con người mà ông cho rằng có cuộc đời đẹp như huyền thoại. Năm 1970, lần đầu tiên đặt chân đến VN, và chỉ sau vài ngày, Hellmut Kapfenberger đã tới thăm Làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Trên mảnh đất cằn khô và đương nghèo khó này, những câu chuyện về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến ông vô cùng xúc động và cũng từ đó, Hellmut Kapfenberger đã dành trọn tâm sức để tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Người và đất nước VN.

Mới đây thôi, sau dịp giao lưu, gặp gỡ với độc giả VN tại Hà Nội, Hellmut Kapfenberger cũng đã quay trở lại quê hương Hồ Chủ tịch, địa danh đã để lại trong ông những cảm xúc khó quên ấy. Đến thăm quê nội, quê ngoại của Người tại Khu Di tích Kim Liên, Hellmut Kapfenberger đã trao tặng cuốn sách Hồ Chí Minh- Một biên niên sử, như một mối ân tình sâu đậm mà ông đã dành tặng Bác Hồ.

Ấn tượng với cả cuộc đời của Người!

Hellmut Kapfenberger bày tỏ: “Đất nước VN, nhân dân VN thật hạnh phúc khi có Người”. Trả lời câu hỏi: Điều gì ở Hồ Chí Minh khiến ông ấn tượng sâu đậm nhất?, Hellmut Kapfenberger nói rằng, câu hỏi này quá khó đối với ông! Bởi không có một quãng thời gian nào trong suốt hành trình vĩ đại của Hồ Chủ tịch lại không để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong ông. “Cả cuộc đời của Người là một dấu ấn sâu đậm đối với tôi! Bởi thế, tôi đã nói rằng Hồ Chí Minh với tôi là một Khái niệm, để chỉ một hệ tư tưởng, một thời đại, một nền văn hoá và một nền đạo đức. Khái niệm này sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian và lịch sử của dân tộc VN, cũng như của nhân loại tiến bộ”- Hellmut Kapfenberger khẳng định.

Sự công phu của “Hồ Chí Minh- Một biên niên sử” không chỉ được thể hiện ở nguồn tư liệu tham khảo phong phú mà còn ở cách viết sinh động mà tác giả đã cố gắng để tái tạo tiểu sử của một nhân vật phi thường mà rất đỗi giản dị. Hellmut Kapfenberger đã đưa người đọc lùi về quá khứ, trong những năm của thế kỷ 20 để tìm hiểu thân thế Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh gia đình và quê hương với truyền thống yêu nước, truyền thống nhân văn sâu sắc. “Với tôi, những cái tên Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Anh Ba, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đều đánh dấu những mốc son có ý nghĩa về lịch sử và văn hoá trong cuộc đời của Người. Đó không chỉ là những cái tên mà là biểu hiện của hoài bão, ước mơ, lý tưởng cách mạng, sự nghiệp và phẩm chất đạo đức của Người” – Hellmut Kapfenberger cho biết.

Tác giả cũng rất có lý khi viết rằng: “Trải qua cuộc sống trên thế giới và rộng mở lòng mình với thế giới, thụ hưởng một nền giáo dục tuyệt vời, có một tư tưởng nhân văn, một tình người ấm áp, sự khiêm tốn tự nhiên và tính liêm khiết không giả tạo là những tính cách đã tạo nên một nhân cách Hồ Chí Minh xuất chúng”.

 Năm 2009, sau hai năm bắt tay thực hiện cuốn sách với rất nhiều tâm huyết, “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử” do Hellmut Kapfenberger biên soạn bằng tiếng Đức đã ra mắt. Khoảng một năm sau, sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt, do NXB Thế giới ấn hành. Tác giả ấn phẩm đặc biệt giá trị này, nhà báo Đức Hellmut Kapfenberger tự hào, cuốn sách đã được sự đón nhận của đông đảo độc giả VN và bạn bè quốc tế, với ông là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Bởi ngay từ đầu khi bắt tay biên soạn “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử”, ông đã không chủ ý chỉ để vinh danh tên tuổi của Người..
 

Theo Anh Thu (Baovanhoa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *