Theo "Almanach – Những nền văn minh thế giới" thì trong bậc thang tiến hóa của nền văn minh nhân loại đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trên nhiều bình diện văn hóa vật chất, tinh thần. Đó là những tác phẩm Đường thi rực rỡ một thời, biểu tượng huy hoàng của ngôn ngữ nhân loại đạt đỉnh điểm thăng hoa.
Mặc dù thời gian lịch sử đã trôi qua trên một nghìn năm, song đến hôm nay, nhiều bài thơ Đường vẫn còn làm say mê, xúc động lòng người. Nhiều tứ thơ của các thi sĩ đời Đường đã đạt đến sự thần diệu tài hoa trong sáng tạo ngôn ngữ mà không mấy thời đại có được. Ở nước ta, từ hàng ngàn năm nay, nhiều nhà thơ đã chịu ảnh hưởng của phong cách thơ Đường và đã có những sáng tạo thành công, để lại nhiều tác phẩm vô giá trong kho tàng văn học Việt Nam.
Thơ Đường từ nhiều thế kỷ đã được dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ trên thế giới. Đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, thơ Đường đã được dịch ngày càng nhiều sang tiếng Việt, vì vậy nhiều độc giả đã được đọc thơ Đường qua bản dịch. Nhờ thế, số người yêu thích thơ Đường ở nước ta ngày càng gia tăng.
Thơ Đường là một vườn hoa rộng lớn ngạt ngào hương sắc, ngày nay còn tồn giữ được khoảng trên 48.000 bài của trên 2.300 thi sĩ, trong đó có những cây đại thụ như Bạch Cư Dị (2.800 bài), Đỗ Phủ (1.400 bài), Lý Bạch (1.200 bài). Bên cạnh đó, còn phải kể đến tên nhiều thi sĩ khác như Lạc Tân Vương, Vương Bột, Kim Xương Tự, Trần Tử Ngang, Hạ Tri Chương, Trương Húc, Trương Cửu Linh, Vương Xương Linh, Vương Duy, Thôi Hiệu, Trương Nhược Hư, Sầm Tham, Tiền Khởi, Lý Đoan, Trương Kế, Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên, Chu Khánh Dư, Đỗ Mục, Triệu Hỗ, Lý Thương Ẩn, Ôn Đình Quân, Chương Kiệt, Hoàng Sào, Hứa Hồn, Dương Sĩ Ngạc, Thôi Đồ, Tư Mã Lễ, Thôi Hộ, Tào Đường…
Nếu coi Lý Bạch (701 – 762) là "Tiên thi", Đỗ Phủ (712 – 770) là "Thánh thi", thì cũng có thể coi Lý Hạ (789 – 816) là "Quỷ thi".
Lý Hạ tự là Trường Cát, người Phúc Xương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường. Ngay khi còn ấu thơ, ông đã cực kỳ thông minh và khác người. Vì lý do rất riêng, ông đã không đi thi. Cả đời ông chỉ làm một chức quan nhỏ là Phụng lễ tang (trông coi việc nghi lễ). Lên 7 tuổi, ông đã biết làm thơ và thơ ông đã làm chấn động cả kinh sư.
Lý Hạ là một nhà thơ tài hoa mà yểu mệnh, chỉ hưởng dương 27 năm. Thơ ông thường có những ý tứ kỳ lạ, những cảnh tượng quái dị, tạo ra một thế giới mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành. Hàn Dũ – một danh sĩ nổi tiếng đương thời rất thích thơ ông. Tương truyền, hàng ngày cứ vào sáng sớm, ông thường cưỡi ngựa đi dạo chơi. Khi ông đi như vậy luôn có một tiểu đồng mang túi gấm đi theo. Mỗi khi nghĩ được câu thơ nào là ông viết ngay, bỏ vào túi gấm. Chiều về, ông lọc lại và chắp thành bài.
Sinh thời, Trường Cát không có ý định ghi danh thiên cổ nên thơ ca của ông ít được lưu giữ và cũng bị mất mát nhiều. Tác phẩm của ông có lần còn bị người anh họ vì ghen ghét mà đem bản thảo vứt đi, tiêu hủy. Về sau, người đời gom góp lại được mấy trăm bài và đặt tên ban đầu là "Lý Hạ tập", sau đổi là "Xương cốc tập". Hiện nay, tập thơ của ông có tên là "Lý Trường Cát ca" do lấy từ bài tựa của Đỗ Mục theo bản sưu tập của Ngô Tây Quyền.
Trong lịch sử Đường thi, cùng với huyền thoại "Thi tiên" Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi kình ngư bay về trời, thì cái chết của Lý Hạ được đời sau truyền lại cũng nhuốm màu huyền thoại không kém. Khi ông bị bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con rồng màu đỏ bay đến bên cửa, tay cầm một cuốn sách trao cho Lý Hạ và nói: Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký (Đế thành Bạch Ngọc lâu/ Lập chiêu quân vi ký). Lát sau, Lý Hạ mất (Theo tiểu truyện Lý Hạ – Lý Thương ẩn).
Khi bàn về cái chết kỳ dị của Lý Hạ, người đời cho rằng được Thượng đế mời lên trời thì Lý Hạ là tiên. Còn những kẻ ngàn năm sợ hãi ngưu thần xà quỷ thì gán cho ông là quỷ. Do gia cảnh cơ hàn, lại sống trong thời đại môn phiệt đang thịnh, nên dù có tài, ông vẫn phải chịu mọi sự rẻ rúng và đả kích. Nỗi niềm phẫn uất của kẻ tài cao phận thấp, sinh bất phùng thời, nếu bị câu nệ vào chữ nghĩa mà chỉ thấy hư ảo và quái đản, thì hậu thế chỉ có thể biết một Lý Hạ "quỷ tài" mà không thấy được một Lý Hạ "quỷ thi".
Cũng trong "Almanach – Những nền văn minh thế giới" (phần "Thơ Đường – đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại") có giới thiệu hai thi phẩm thuộc loại đặc sắc, khác thường của Lý Hạ.
Bài thứ nhất: Nam viên (Vườn phía Nam):
Bản dịch nghĩa:
Nhánh hoa, nõn cỏ trước mắt khoe tươi
Nhỏ to trắng hồng như má cô gái Việt
Đáng thương đến chiều tối, màu đẹp, hương thơm đều tàn tạ
Bị gả cho gió xuân mà không cần tới mai mối.
Bản dịch thơ (của Châu Giang):
Trước mắt trên cành cỏ nở bông
Má cô gái Việt trắng pha hồng
Thương thay chiều tối hương rơi rụng
Không mối mà đi lấy gió đông.
Bài thứ hai: Mộng thiên (Mộng lên trời):
Bản dịch nghĩa:
Thỏ già cóc lạnh khóc (ở cung trăng) lệ nhuốm màu trời
Lầu mây hé mở, nghiêng nghiêng làn vách trắng tinh
Vầng (trăng) ngọc ép hạt sương để thấm ướt ánh sáng
Gặp nàng (tiên) đeo ngọc chạm hình chim loan trên nẻo đường ngát mùi quế
Dưới ba ngọn núi tiên, cõi trần đầy bụi vàng và nước trong
Biến đổi trong khoảng nghìn năm, nhanh như ngựa phi nước đại
Xa ngắm cõi Tề châu, kìa chín chấm khói
Một miền biển cả, như tý nước rót vào chiếc chén con.
Bản dịch thơ (của Châu Giang và Tương Như):
Thiềm thừ, ngọc thỏ tràn đôi lệ
Tường bạc chênh chênh cung mây hé
Vành ngọc miết sương, bóng ướt đầm
Gặp tiên trên đường ngát mùi quế
Bụi vàng nước thẳm dưới tam sơn
Dâu bể nghìn năm, ngựa chạy bon
Chín châu nhìn như chín chấm khói
Biển cả rót vào cái chén con.
Trong "Vườn phía Nam", câu thứ nhất và câu thứ hai mang giá trị mở và tả là chủ yếu. Tác giả so sánh vẻ đẹp của nhành hoa, của nõn cỏ với vẻ đẹp như má cô gái Việt (chỉ nàng Tây Thi quê ở đất Việt). Câu thứ ba mang giá trị chuyển qua một lời cảm thán: Đáng thương đến chiều tối, màu đẹp, hương thơm đều tàn tạ. Sức nặng của tứ thơ được dồn vào câu cuối: Bị gả cho gió xuân mà không cần tới manh mối. “Bị gả” là hai từ cực đắt. Gắn với “không cần mai mối”, câu thơ tạo ra một thông điệp lạ và hết sức có hậu. Ở đây, Lý Hạ không nghĩ màu đẹp và sắc hương tàn tạ sẽ dẫn đến một kết thúc mà lại dẫn đến một khởi đầu mới và kèm theo đó là một lời giải thích theo lối "ý tại ngôn ngoại": sở dĩ màu đẹp và hương thơm bị như thế là vì nhánh hoa nõn cỏ đã kết hôn với gió xuân một cách tự nhiên như nhiên. Cách cảm, cách nghĩ này thật riêng và thật khác thường.
Trong "Mộng lên trời", chúng ta bắt gặp nhiều hình, nhiều ảnh trong 8 câu thơ mà chắc chắn chỉ có ở trên thượng giới. Câu Vầng (trăng) ngọc ép hạt sương để thấm ướt ánh sáng là một câu thơ tinh xảo, tài tình. Câu Dưới ba ngọn núi tiên, cõi trần đầy bụi vàng và nước trong là câu thơ chính xác và chuẩn mực đến từng chi tiết. Câu Biến đổi trong khoảng nghìn năm, nhanh như ngựa phi nước đại đã làm trọn chức năng gói gọn tất cả vào trong một chớp mắt. Rồi cũng từ một chỗ đứng, một điểm nhìn rất Lý Hạ và chỉ ở Lý Hạ mới có, tác giả cảm nhận mỗi châu (một vùng đất hoặc một vùng lãnh thổ rộng lớn tương tự như Kinh Châu của Lưu Biểu, Kinh Xuyên của Lưu Chương thời Tam quốc trong "Tam quốc diễn nghĩa") chỉ là một chấm khói, nên mới có Chín châu nhìn như chín chấm khói. Trên cái lôgích ấy mà Một miền biển cả (chỉ) như tý nước rót vào (một) chiếc chén con mà thôi.
Nhìn thiên hạ (những miền đất dưới trời) mà chỉ có thế, tôi tin từ xưa đến nay, chỉ có độc nhất Lý Hạ. Từ đây, tôi càng tin rằng: Những câu thơ trên là những câu thơ còn rất mới và rất hiện đại, cho dù chúng đã được viết cách nay gần 1.200 năm và tác giả của chúng là một cổ nhân.
Và một lần nữa, chúng ta lại thấy việc đánh giá thơ Lý Hạ "thường có những ý tứ kỳ lạ, những cảnh tượng quái dị, tạo ra một thế giới mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành", quả là chí lý. Riêng việc "mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành" trong thơ, cũng đã là một đóng góp lớn lâu dài và rất đáng kể cho thơ rồi.
Đặng Huy Giang – Theo CAND Online