Hoàng Trung Thông nổi tiếng là “viện trưởng nghèo nhất, dân dã nhất”. May mắn đời ông là có được người vợ hiền thảo, chịu đựng, vén khéo. Bà một tay nuôi đàn con lớn lên, thành người, hết lòng yêu thương và chăm sóc chồng con. Những vần thơ ông viết tặng vợ đầy day dứt: “Còn anh thơ rượu, em xuôi ngược/ Lo lắng ngày đêm không nghỉ ngơi”…
Hiểu và thương
Căn gác nhỏ trên đường Ngô Quyền từ ngày ông ra đi đến giờ vẫn thế, cũ kỹ và đạm bạc, khiêm nhường và khuất lấp, như con người ông. “Gác Phong Tao”, nơi xưa kia là chốn đàm đạo văn chương thơ phú cùng bạn bè của ông giờ yên ắng, đồ đạc chẳng có gì, ngoài bức ảnh gia đình ông thời trẻ. Bà Hồ Thị Hoa, vợ ông, năm nay đã 80 tuổi, nhưng còn minh mẫn lắm. Bà nắn nót viết tặng tôi tập sách Hoàng Trung Thông – những người thân, những người bạn. Bà kể chuyện về ông như thể ông vừa đi đâu vắng vài ngày, với tất cả niềm yêu kính, tin tưởng:
“Tôi và ông ấy là người cùng làng, cưới nhau từ hồi chống Pháp. Quê tôi có tục cưới nhau xong hai năm mới đón dâu về. Hồi ấy làng tôi phong kiến lắm, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy thôi. Cả đời tôi chỉ biết có một mình ông ấy. Chồng tôi là người đơn giản, ăn mặc thế nào cũng được, chỉ mê thơ và mê bạn thôi. Ông ấy mồ côi cha từ năm tám tuổi, tự lực học hành, nên trong cách giáo dục con, ông luôn coi trọng sự tự lập. Ông ấy chẳng bao giờ giáo huấn điều gì, cũng chẳng kỳ vọng hay áp đặt, rất tôn trọng sự tự do của các con. Cũng làm quan đấy, nhưng cấm có bao giờ ông ấy nhờ vả ai để xin xỏ điều gì cho con. Cũng may là các cháu nhà tôi đứa nào cũng học hành nên người, tốt nghiệp đại học cả. Cưới nhau xong, ông ấy đi công tác biền biệt, một tay tôi nuôi con thôi. Ông ấy là người hiền lành, chỉ tội hay uống rượu, nhưng được cái yêu thương vợ con, cả đời chúng tôi chẳng khi nào cãi cọ nhau. Suốt mười năm cuối đời ông ấy đau ốm vì rượu, chăm ông ấy cũng vất vả lắm. Thương chồng, tôi làm thêm đủ thứ, từ gỡ tơ rối, đan len, ngâm các loại rượu trái cây trong nhà, nấu những món ăn mà ông ấy thích, để rủ bạn về nhà uống cho nó đỡ độc hại. Những năm cuối đời, làm viện trưởng suốt mười năm liền ở một viện lớn đầu ngành, hàng ngày ông ấy vẫn đi bộ đến cơ quan và trong túi hầu như chẳng mấy khi có tiền”.
Mẹ tôi – người anh hùng
Hoạ sĩ Hoàng Phượng Vĩ, con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông đã “phong” cho mẹ mình “hai lần anh hùng”, vì đã chịu đựng được hai người nghiện rượu trong nhà là chồng và con trai. Hoàng Phượng Vĩ kể: “Mẹ tôi không chỉ là mẹ của các con, mà còn là “mẹ” của bố tôi. Tôi nhớ mãi hồi đi sơ tán. Dù là tổng biên tập báo Văn nghệ, có ôtô riêng, nhưng bố nhường xe hơi cho người khác, gò lưng chở mẹ tôi trên xe đạp hơn ba chục cây số vào thăm con. Mẹ tôi vốn gầy gò, đến đoạn đường có ổ gà, xe nảy xóc khiến bà rơi xuống đất mà ông không hề biết. Ông cứ thế bon bon đạp xe đến nơi, quay lại thì chẳng thấy bà đâu… Mẹ tôi là cháu ngoại quan thượng thư, cháu nội ông nghè. Mẹ nấu ăn rất ngon. Mỗi ngày mẹ chỉ ngủ ba tiếng, đi làm về là bà lao vào chợ búa, cơm nước, giặt giũ, có hôm phải thức suốt đêm để hứng nước. Mẹ đọc gần hết tác phẩm của bố, nhưng chỉ đọc “lén lút”. Khi bố mất, tôi bỗng giật mình nghe mẹ nói: “Thơ bố con ngày xưa cứng, sau này thơ bố con buồn”. Chiều chồng, chiều con, chiều cả thiên hạ, trừ bản thân. Chưa bao giờ thấy mẹ tôi nói to, lúc nào cũng nhẹ nhàng. Mẹ rất nghị lực, rất đa cảm, nhưng là người kín đáo, nên bà buồn cũng chẳng ai biết, chỉ có tiếng thở dài trong đêm. Bố tôi “tinh hoa bát ngát”, nhưng về cuối đời ông gần như gục đổ. Vì lắm nỗi buồn phiền, bố tôi dùng rượu giải sầu. Gia đình đau đớn lắm, nhưng không can được. Các con hiểu, mẹ tôi hiểu, nên đã thông cảm cho những cơn say triền miên của ông. Âu đó cũng là cách xử sự của một bậc nho sĩ tiết tháo, bản lĩnh. Những vần thơ cuối đời ông viết cô đơn đến cùng cực: “Một bãi cát dài nằm vắng vẻ/ Một người mộng ủ đứng buồn tênh/ Này trời, này biển, này cây bãi/ Cũng giống như ta, chỉ một mình”…
Bao dung cả “những phút xao lòng”
Gia đình nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh: TL |
Hoàng Trung Thông vốn là người chung thuỷ, nhưng thi nhân nào chẳng có bóng hồng. Đầu những năm 80, ông gặp Châu Anh Phụng (lúc đó 35 tuổi), cháu cụ Nguyễn Đình Chiểu. Bà cao ráo, xinh đẹp, làm thơ cổ rất hay. Bà thường xuyên hoạ thơ với ông, và ông đã bỏ Hà Nội vào Sài Gòn gặp bà cùng với Xuân Diệu. Bà Hoa biết chuyện, nhưng không ghen. Bà vẫn tin rồi ông sẽ trở về. Suốt mấy tháng trời cả viện Văn nhớn nhác, gọi điện cho ông thì ông bảo tìm người khác thay đi. Và rồi niềm tin của bà đã được đền đáp. Ông trở về… với những bài thơ tình như lửa cháy. Có lẽ ông đọc được nỗi đau đớn của bà, và không tiếp tục mối quan hệ với bà Phụng nữa. Nhưng bà vẫn viết thư đều cho ông và gửi về địa chỉ nhà ông. Bà Hoa không trách móc gì khi ông trở về, vẫn đón ông với sự chăm sóc ân cần, và chẳng bao giờ đụng đến những lá thư. Bà tôn trọng tình cảm đó của ông. Khi ông ốm nặng ở Sài Gòn, bà Phụng cũng hết lòng chăm sóc, thuốc men.
Hồi hội nghị nhà văn Á – Phi được tổ chức tại miền Nam, ông ước giá ban tổ chức cho vợ cùng đi để bà được trông thấy miền Nam giải phóng thì hay quá. Tiếc thay cho đến lúc từ giã cõi đời, ông vẫn chưa thực hiện được ước nguyện giản đơn này.
Theo SGTT