Gương mặt thất thần khi sống sót qua thiên tai; nỗi đau mất người thân, tài sản… là cảnh tượng đau thương khiến hàng triệu người nhớ mãi.

Những tấm hình được chụp bởi các phóng viên ảnh ở khắp nơi trên thế giới, ghi lại các thời khắc đau thương đến ám ảnh từng khiến hàng triệu người khốn đốn suốt nhiều thập kỷ qua, Đó là thảm họa kép sóng thần – động đất ở Nhật Bản năm 2011, hay bão Nargis tại Myanmar năm 2008… Nhiều bức ảnh đem đến cho người xem những niềm hy vọng khấp khởi lẫn cảm giác tối tăm, ảm đạm về cơn thịnh nộ kinh hoàng của thiên nhiên, nhưng đều là khoảnh khắc được giới nhiếp ảnh gia đánh giá thuộc vào loại "phải xem".

"Có thể đau đớn, có thể gục ngã, nhưng những bức ảnh này đều đem đến cho chúng ta hình dung về những trải nghiệm tồi tệ nhất đã từng xảy ra với hàng triệu người. Và tất cả bức hình đều nhắc cho chúng ta nhớ rằng, sau thiên tai, thế giới sẽ tốt dần hơn nếu lòng thương, tình bác ái và sự sẻ chia là thứ luôn sẵn sàng để được trao đi", Bored Panda, một blogger người Mỹ nhận xét về những bức ảnh về thảm họa thiên tai khiến cả nhân loại khó thể quên trong hàng thập kỷ tới.

Hhaing The Yu, một chàng trai 29 tuổi ôm mặt khóc nức nở giữa đống hoang tàn, khi cơn mưa bắt đầu rơi lên tàn tích của những ngôi nhà tại Rangyoon, thành phố lớn nhất Myanmar sau khi cơn siêu cuồng phong Nargis quét qua vào tháng 5/2008. Cơn bão gây nên sự tàn phá thảm khốc làm chết 90.000 người và hơn 56.000 người mất tích, thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ USD.

Greg Cook ôm chú chó tên Coco sau khi bất ngờ tìm thấy con vật còn sống sót tại khu nhà riêng đã đổ nát ở bang Alabama, Mỹ sau khi cơn lốc lịch sử cuốn qua nhiều bang tại nước Mỹ. Năm 2011, một loạt các cơn lốc xoáy dữ dội đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người tại bang Indiana của Mỹ hôm qua và gây thiệt hại lớn tại các bang Tennessee và Kentucky. Các trận lốc xoáy đã tấn công bang Alabama, biến nhiều khu vực dân cư thành bình địa.

Cảnh tượng một cô gái ngồi than khóc giữa đống đổ nát ở tỉnh Natori, Nhật Bản sau khi thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra ở quốc gia này vào tháng 3/2011 đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng về cơn đại nạn lịch sử của đất nước mặt trời mọc. Trận động đất mạnh 9 độ richter, mạnh nhất tại Nhật trong hơn 100 năm qua kèm theo sóng thần hơn 30 mét đã xóa sổ hoàn toàn nhiều nơi ở Nhật Bản. Hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn công trình, nhà ở bị hư hại nặng, tổn thất lên tới hơn 300 tỉ USD, trở thành kỷ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một người mẹ ôm đứa con trai an ủi sau khi ngôi nhà của bà và hàng nghìn người khác bị các cơn cuồng phong tại bang Alabama, Mỹ phá hủy vào tháng 4/2012. Trận bão và những cơn lốc xoáy tấn công 4 bang ở miền nam nước Mỹ, tàn phá nhà cửa và cướp đi mạng sống của hơn 150 người, trong đó nặng nhất là bang Alabama. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự tàn phá của cơn bão này còn khủng khiếp hơn so với siêu bão Katrina vào năm 2005.

Một người lính cứu hỏa cho một chú gấu kaola uống nước sau khi cả khu rừng rộng lớn bị lửa thiêu rụi trong trận “bão lửa” Thứ Bảy Đen Tối (Black Saturday) tại bang Victoria, Australia. Những ngọn lửa cao bốc cháy ngùn ngụt đã san phẳng nhiều thị trấn ở đông nam Australia; thiêu cháy nhiều người dân đang lái xe bỏ chạy, khiến số người thiệt mạng trong vụ cháy rừng tồi tệ nhất Australia suốt 1/4 thế kỷ qua lên đến hơn 100 người vào tháng 2/2009.

Bức ảnh cụ già và chú cún cưng của mình được đoàn tụ cũng là một trong khoảnh khắc khiến cả thế giới rơi nước mắt trong đợt thảm họa kép động đất – sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011. Chú cún đã lênh đênh trên biển trong nhiều tuần liền, trước khi được đội cứu hộ tìm thấy và đăng hình ảnh lên báo.

Ông Billy Stinson đang an ủi người cháu gái Erin Stinson khi cả hai đang ngồi vật vạ chờ được cứu hộ trên chiếc cầu bị nhấn chìm bởi trận lụt trong trận bão Irene quét qua nước Mỹ tháng 8/2011. Cơn bão lịch sử với sức gió tới 160 km/h đổ bộ vào vùng đông duyên hải Mỹ khiến hàng triệu người phải di tản, sau khi tàn phá các quốc gia Caribe. Cơn bão này đã phá hủy khắp nơi, hàng chục người chết, tổn thất về tiền của lên đến hàng chục tỷ USD.

Một người phụ nữ bám lấy cột báo hiệu đường phố để khỏi bị cuốn trôi trong trận lụt ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan năm 2011. Đây được mô tả là trận lũ lụt tồi tệ nhất tính về lượng nước và số người dân chịu ảnh hưởng, khiến hơn 300 người tử vong, hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính lên tới hơn 5 tỷ USD.

Một cô gái bị cách ly trong phòng kính vì nghi ngờ nhiễm phóng xạ đang cố gắng nói chuyện với chú cún của cô. Sau thảm họa động đất – sóng thần năm 2011, nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị rò rỉ phóng xạ, toàn bộ 21.000 người sống ở thị trấn Namie gần đó buộc phải đi sơ tán và tái định cư ở nơi khác. Kể từ đó, cư dân duy nhất còn sống ở thị trấn này là những con vật nuôi bị bỏ lại.

Bức ảnh nổi tiếng về người đàn ông trở thành anh hùng khi đội chiếc rổ lên đầu để cứu sống những chú mèo trong trận lụt lịch sử tại thành phố Cuttack, Ấn Độ năm 2011. Ở miền đông và bắc Ấn Độ, những ngày mưa lũ vào tháng 9/2011 khiến tình hình ngập lụt nghiêm trọng khi mực nước các sông lớn lên cao, hàng trăm ngôi nhà, làng mạc bị lũ cuốn đi và nhấn chìm. Đợt lũ còn cướp đi hàng trăm sinh mạng của người dân Pakistan và Thái Lan.

Cảnh tượng người đàn ông ngồi ôm mặt giữa tòa nhà đổ nát ở hạt Joplin, bang Missoury sau khi cơn siêu cuồng phong quét qua nhiều bang nước Mỹ vào tháng 5/2011. Trận bão được miêu tả như một cơn đại hồng thủy, phá hủy nhiều tòa nhà và quét sạch mọi thứ trên đường đi. Thống đốc bang đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hàng chục người thiệt mạng vì cơn bão này.

Một bé gái 4 tháng tuổi quấn trong khăn hồng đã được cứu sống một cách kỳ diệu giữa đống đổ nát bởi nhóm lính cứu hộ sau 4 ngày mất tích vì sóng thần ở Nhật Bản năm 2011.

Một người phụ nữ không cầm được những giọt nước mắt kinh hoàng, sau khi cơn siêu bão Haiyan, với cấp gió lên đến hơn 300 km/h quét qua thành phố Tacloban, miền Trung Philippines và phá hủy toàn bộ cuộc sống của người dân nơi đây ngày 8/11 vừa qua. Thành phố với 200.000 dân này là nơi bị tàn phá nặng nề nhất do bão Haiyan. Con số tử vong lên đến hàng chục nghìn, biến thảm họa Haiyan trở thành nạn thiên tai khủng khiếp nhất lịch sử Philippines.

Theo ione

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *