Sức khoẻ của 2 bệnh nhân cúm A/H1N1 (tại Hà Nội) có nguy cơ kháng thuốc tamiflu vẫn ổn định và hiện đang được cách ly điều trị, theo dõi sát sao.
Relenza cũng có khả năng điều trị cúm A/H1N1
Ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết: Thông thường các bệnh nhân cúm A/H1N1 hết sốt sau 1-2 ngày. Sau 5 ngày, khi xét nghiệm lại, các bệnh nhân đều có phản ứng âm tính với virus cúm A/H1N1 và sau đó có thể ra viện, sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, 2 bệnh nhân này (đều về từ Úc) có dấu hiệu đặc biệt. Sau 7 ngày điều trị, cả 2 đã hết các triệu chứng của bệnh (ho, sốt, đau họng), nhưng kết quả xét nghiệm vẫn cho thấy bệnh nhân vẫn dương tính với virus cúm A/H1N1.
“Đây là dấu hiệu không bình thường. Hiện chúng tôi vẫn giữ bệnh nhân tại viện và thực hiện cách ly, tiếp tục điều trị như các bệnh nhân khác”, ông Kính cho hay.
Nhân viên y tế trang bị đồ bảo hộ phòng cúm A/H1N1 (Ảnh: Thanh Huyền) |
Toàn bộ mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân trên đã được chuyển lên Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm và xác định xem liệu đây có phải là những bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên của Việt Nam kháng thuốc tamiflu hay không.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) yêu cầu Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia – nơi trực tiếp điều trị 2 bệnh nhân trên – cần đặc biệt chú ý và theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe và phải thông báo ngay cho Bộ Y tế nếu có dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.
Chiều 09/7, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia xác nhận: “Hiện tại, tình hình sức khoẻ của 2 bệnh nhân trên vẫn ổn định, tiếp tục được điều trị cách ly và theo dõi sát sao”.
Chiều 09/7, Bộ Y tế thông báo Việt Nam có thêm 11 ca nhiễm cúm A/H1N1 mới. Trong số đó có 4 người nước ngoài và 7 người Việt Nam, tất cả đều ở nước ngoài về. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại đã có 270 ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam. Số bệnh nhân đã ra viện là 221, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng. Người dân cần nâng cao cảnh giác và có ý thức tự phòng bệnh trong điều kiện dịch có nguy cơ lây lan ra cộng đồng như hiện nay. |
Phác đồ điều trị cúm A/H1N1 do Bộ Y tế ban hành hiện đang được các bệnh viện thực hiện nghiêm túc và vẫn phát huy tác dụng. Nếu có trường hợp nào kháng thuốc tamiflu thì chỉ cần đổi sang loại thuốc khác có tác dụng tương tự.
Ông Nga nói: “Hiện tại, ngoài tamifu, còn một loại thuốc nữa là Relenza cũng có khả năng điều trị cúm A/H1N1. Đây là cách mà hầu như tất cả các nước đều thực hiện nếu có trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 kháng tamiflu”.
Ông Nga thông tin thêm: “Thế giới chưa có nghiên cứu nào khẳng định người bị nhiễm cúm A/H1N1 rồi có thể bị nhiễm lại hay không”.
Trong cuộc họp ngày 12/6, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Cúm A/H1N1 mới xuất hiện lần đầu, do đó người bệnh chưa có miễn dịch, khả năng nhiễm bệnh của người dân có thể sẽ cao”.
Theo khẳng định của Bộ Y tế, dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam vẫn chưa lây lan ra cộng đồng. Mọi hoạt động giám sát của Việt Nam vẫn đang được thực hiện rất tốt. Việt Nam được đánh giá cao về khả năng “cầm cự” với dịch. Sau 40 ngày xuất hiện, tại Việt Nam, cúm A/H1N1 vẫn chưa lây lan ra cộng đồng. Trong khi đó, có những nước chỉ sau 2 tuần xuất hiện, cúm A/H1N1 đã bùng phát trong cộng đồng và không thể kiểm soát.
Sân bay Tân Sơn Nhất thêm một máy đo thân nhiệt
Ngày 09/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã được trang bị thêm một máy đo thân nhiệt.
Trong ngày, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã phát hiện 26 hành khách thân nhiệt cao đến từ các quốc gia có dịch. Trong số đó, 15 người đã được chuyển vào theo dõi tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, 11 trường hợp còn lại được giám sát tại Bệnh viện quận 7.
Theo bác sĩ Phan Văn nghiệm, trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM cho biết, gần đây, đa số các trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 về từ nước ngoài đều được máy đo thân nhiệt phát hiện. Tính đến nay, tại TP.HCM, tổng số hành khách nhiễm cúm được phát hiện qua máy đo là 158 người.
Theo Cẩm Quyên – Thanh Huyền (VietNamNet)