Xóa nghèo là một tiêu chí hết quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Ở Vĩnh Long, công tác xóa nghèo rất được quan tâm và hàng năm hàng có hàng chục ngàn hộ được hỗ trợ vốn để vươn lên thoát nghèo. Trong xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo cũng là một tiêu chí quan trọng mà chính quyền các xã quan tâm khi thực hiện đề án. Bởi ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng thì việc giúp các hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả là một trọng tâm để thay đổi bộ mặt nông thôn.

 

Xuôi theo Quốc lộ 54, rẽ vào con đường láng nhựa dài 3,5 km, chúng tôi đến trung tâm xã Thành Đông, huyện Bình Tân, là một trong hai địa phương đầu tiên được UBND tỉnh Vĩnh Long chọn thí điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện chương trình này, xã Thành Đông đã có những đổi thay rõ rệt, mà điển hình là hệ thống hạ tầng nông thôn. Cụ thể đã triển khai thi công hoàn thành 5 công trình với qui mô lớn, như: đường cấp V đồng bằng (mặt nhựa 3,5m) từ cầu Ngã Cạn đến tuyến dân cư vượt lũ ấp Thành Tân, Thành Khương; nạo vét kinh Bông Vải dài 2.300m; kiên cố hóa 4 đập thủy lợi; chợ trung tâm xã; Trường mẫu giáo Hoa Mai…

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, xã đã khởi công xây dựng trạm y tế xã, đường ấp Thành Khương, 2 cây cầu giao thông kinh Ngã Cạn, đường giao thông từ trung tâm xã đến ranh xã Tân Thành dài 4km… Qua đó, giúp vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Đây cũng là đòn bẩy giúp người dân trong xã thoát nghèo. Song song đó, các chính sách an sinh xã hội cũng được thực hiện đồng bộ nhằm giảm hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới.

Cách đây 10 năm, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 900ha, nông dân Thành Đông chỉ trồng lúa, rau màu trong điều kiện hết sức khó khăn mỗi khi nước lũ tràn về. Đến nay, xã đã có bước chuyển đổi ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh khoai lang trên 600ha. Và, chính vùng chuyên canh khoai lang Nhật xuất khẩu này đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

 

Theo khảo sát của xã, vụ khoai sớm vừa rồi, bình quân mỗi công khoai lang  cho thu nhập khoảng 24 triệu đồng, đó là chưa kể nguồn thu 4 triệu đồng từ việc bán dây khoai giống. Bà con nông dân rất phấn khởi vì khoai dễ tiêu thụ, bán được giá. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã Thành Đông tăng lên đáng kể.

Giao thông thông thoáng, sản xuất phát triển, thu nhập tăng, nên việc xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở đây cũng dễ dàng hơn.

Trước đây cuộc sống rất khó khăn, tuy là nông dân nhưng gia đình chị Lê Ngọc Thúy lại không đất sản xuất, cuộc sống hàng ngày chỉ trông vào số tiền đi ruộng làm khoai mướn của hai vợ chồng. Nhờ vừa làm, vừa biết chi xài tiết kiệm và phân công lao động hợp lý, nên một thời gian sau gia đình chị đã tích lũy một số vốn kha khá, thêm nguồn hỗ trợ của phụ nữ, chị đã thuê 3 công đất để trồng khoai. Điều đáng quý ở người phụ nữ này là sự cần cù, chịu khó, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà quyết vươn lên bằng chính sức mình. Từ ý chí ấy mà hiện nay kinh tế gia đình của chị Thúy đã khá giả hơn, có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện con trai của chị- Hồ Trúc Phương- đang học năm thứ hai Khoa kinh tế quản trị kinh doanh, Đại học Cần Thơ. Với căn nhà tường khang trang vừa xây xong… Đây là thành quả sau nhiều năm lao động cật lực và chắt chiu dành dụm của hai vợ chồng.

Gia đình chị Đoàn Thanh Ca, cũng là hộ xóa nghèo ở ấp Thành An, xã Thành Đông. Trước đây, vợ chồng chị lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Lập gia đình ra ở riêng, làm thuê làm mướn cật lực lắm mới có đủ cái ăn, còn cái nghèo thì mãi dai dẵng. Quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị đã đi thuê đất ruộng để trồng khai. Nhờ làm ăn thuận lợi, nên không bao lâu gia đình chị đã xóa nghèo. Hiện anh Nguyễn Tú Anh- chồng chị- đi cuốc đất trồng khoai ở nông trường Sông Hậu, còn chị ở nhà chăm sóc đứa con gái 9 tuổi học lớp 3. Hễ vào vụ thì chị đi làm mướn, bớt vụ ở nhà làm bánh bông lan, bánh tai yến bưng ra chợ xã bán. Thu nhập từ việc giữ khoai mướn của chồng và việc làm bánh đem chợ bán của chị cũng cho gia đình mỗi tháng vài triệu đồng. Cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang, con gái của chị được học hành tử tế.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập là cách làm phù hợp đối với xã thuần nông như Thành Đông. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để hoàn thành tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.

Rời xã Thành Đông, huyện Bình Tân, chúng tôi đến Long Phước, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Long Hồ. Đây cũng là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Long về thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Tâm, P.Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: Sở dĩ có được kết quả trên là do xã đã xác định được công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn,là một trong những nhiệm vụ quan trọng để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nên xã đã tập trung chỉ đạo phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Hiện toàn xã hiện có trên 110 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp như dệt chiếu xuất khẩu, đan thảm lục bình, đan giỏ ni lông, kết thảm xơ dừa,… Đây là những ngành nghề truyền thống dễ làm nhưng mang lại thu nhập khá cho người dân.

Đi đôi với việc tạo thêm công ăn việc làm, thời gian qua, xã Long Phước luôn quan tâm chỉ đạo và vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chủ trương này đã giúp nhiều hộ dân ở địa phương tăng thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên khá.

Đặc biệt gần đây, đối với những hộ nghèo không có điều kiện sản xuất, bên cạnh việc hỗ trợ vốn để người dân phát triển kinh tế, xã còn hỗ trợ kinh phí cất nhà theo quyết định 167 để giúp người dân an cư, từng bước ổn định kinh tế. Điển hình như hộ ông Trương Văn Hoàng ở ấp Phước Ngươn, xã Long Phước, nhà không có ruộng, phải thuê đất để làm lúa kiếm sống. Nhờ được xét hỗ trợ kinh phí cất nhà và được hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để chăn nuôi, đời sống gia đình ông từng bước được cải thiện.

Từ đầu năm đến nay, xã Long Phước đã tổ chức được 9 lớp dạy nghề nông thôn cho 250 học viên và giải quyết việc làm ổn định cho gần 460 lao động ở địa phương. Ngoài ra, xã còn tranh thủ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng giúp người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh;đồng thời xây dựng 15 căn nhà 167 cho các hộ nghèo ở địa phương.

 

Nhờ những nỗ lực nêu trên nên thời gian gần đây, đời sống kinh tế của người dân Long Phước có sự chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm đáng kể. Hiện toàn xã chỉ còn gần 100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,3%. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Long về thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới:

Giảm nghèo là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia của cả nước và cũng là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được, xã Long Phước huyện Long Hồ sẽ chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn tiêu chí về hộ nghèo, nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân đồng thời tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn Vĩnh Long.

Đối với hai xã mới triển khai chương trình nông thôn mới của Mang Thít là Tân Long và Long Mỹ, công tác xóa nghèo cũng được chính quyền địa phương quan tâm.

Ở xã Long Mỹ, công tác xóa nghèo được thực hiện bằng nhiều mô hình như triển khai thực hiện nhà ở 167 để các hộ an tâm sản xuất sau khi có nhà ở ổn định; hay chuyển đổi ngành nghề đối với hộ không có đất sản xuất, nhưng tập trung vẫn là hỗ trợ chăn nuôi và trồng màu.

Ở xã Tân Long, cùng với xây dựng hệ thống sở hạ tầng, xã tập trung đầy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và thự tế đã giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn khoảng 10% trong năm 2010. Tuy nhiên qua việc áp dụng chuẩn nghèo là 400.000 đồng/người/tháng cho khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo của Tân Long đã tăng gần gấp đôi so với khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đây là một thách thức đối với việc xây dựng Tân Long đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong thời gian tới. Chính vì vậy trong triển khai giảm hộ nghèo, xã đã tập trung cho hai mô hình là trồng màu và chăn nuôi, bởi đây là những mô hình đạt được hiệu quả cao, giúp tăng thu nhập cho các hộ khó khăn trong thời gian qua trên địa bàn. Với điều kiện và lợi thế của xã thuần nông nên xã sẽ chú trọng tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con vào hai mô hình trồng màu và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình:

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, hàng tháng, hàng quý, khối dân vận từng xã có họp định kỳ kiểm điểm, đánh giá và đề ra kế hoạch, giải pháp phối hợp vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Nhiều xã như Tân Long, Long Mỹ (Mang Thít), Trung Hiếu (Vũng Liêm), Thành Đông (Bình Tân), Quới An (Vũng Liêm), Thiện Mỹ (Trà Ôn)…đã huy động sức dân xây dựng nhiều công trình hạ tầng phát triển nông thôn mới của địa phương. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh Vĩnh Long tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, phát huy nội lực tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Qua thống kê, năm 2011, ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long còn trên 5.600 hộ nghèo, gần 3.800 hộ cận nghèo với tỷ lệ ở các xã dao động từ 3,1% đến 39%. Do vậy, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị đang phối hợp các ngành liên quan mở các lớp dạy nghề cho nông dân, gắn với khai thác phát triển vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại các xã nông thôn mới. Đồng thời các tổ chức Hội, đoàn thể vận động hội viên tương trợ giúp vốn, con giống, lao động, kỹ thuật… cho hội viên khó khăn nhằm giảm nhanh, bền vững tỷ lệ hộ nghèo ở các xã.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *