Giữa mùa lũ, chúng tôi về xã Tân Công Sính ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Vào những năm đầu thập niên 90, có đến mấy trăm hộ gia đình nghèo không đất sản xuất ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã được đưa lên đây khai phá đất hoang lập nghiệp. Nhân mùa lũ lớn năm nay, chúng tôi trở lại vùng đất này, vừa để thăm đời sống của bà con nơi đây, vừa để xem người xưa năm ấy bây giờ ra sao.

Thông tin đầu tiên gợi nhiều suy nghĩ: Trong số 450 hộ gia đình từ những vùng nông thôn nghèo của Vĩnh Long lên đây lập nghiệp, đến nay chỉ còn lại khoảng 10% số hộ bám trụ được. Đã vậy, trong 10% còn lại này, số gia đình giữ được đất sản xuất được cấp từ Dự án di dân cũng không nhiều, chỉ khoảng chục hộ gia đình giữ được đất sản xuất. Số còn lại đã trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất một thời từng thuộc quyền sở hữu của họ.

 

Năm nay, lũ ở ĐBSCL lên cao hơn so với mọi năm. Ở Tân Công Sính, mực nước lũ  cao nhất so mặt ruộng lên đến 3,5 mét.

Đối với người nông dân miền Tây, việc mưu sinh trên đồng nước lũ từ lâu là một công việc đã quá quen thuộc, nhưng trên thực tế vẫn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Giữa biển nước mênh mông , ghe xuồng nhỏ mong manh như chiếc lá… Chỉ cần giông gió bất chợt, sóng nước dập dờn, người chèo lái không cẩn thận để lơi tay, xảy ra sự cố sẽ chẳng biết kêu ai. Nhưng với người nông dân nghèo không đất sản xuất thì chẳng còn cách nào khác. Trời giông gió hay mưa bão, họ vẫn phải chạy ghe ra đồng.

 

Một trong những cách bắt cá phổ biến ở vùng lũ Tân Công Sính là đặt dớn.

Tận mắt chứng kiến mới biết Đồng Tháp Mười bây giờ không còn nhiều cá như xưa. Mỗi lần đổ dớn như thế này chỉ kiếm được chừng hai ký cá, trong đó đa phần là các loại cá nhỏ. Cá bán tươi có giá 8.000 đồng/ ký. Nếu muốn được tiền hơn thì lựa cá lớn, làm sạch, ướp muối, sau đó đem cân cho thương lái sẽ kiếm được gấp đôi . Tuy nhiên, dù bằng cách nào thì trung bình, mỗi gia đình cũng khó kiếm hơn 50 hoặc 60.000 đồng/ ngày.

Bông súng cũng là một nguồn lợi ở vùng lũ Tân Công Sính, người hái bông súng chỉ cần lấy công để làm lời. Mỗi ngày chịu khó thức dậy từ 5 giờ sáng, chèo xuồng lần lượt từ đồng gần rồi đến đồng xa, hái vài trăm bông, đầy xuồng thì đem về, bó thành từng lọn, đem bỏ mối ngoài chợ Tam Nông sẽ kiếm được chừng 50 – 60.000 đồng. Nếu mua tại chỗ, một lọn bông súng đủ cho nồi canh chua một gia đình 5 người ăn như thế này, giá chỉ một ngàn năm trăm đồng.

Có thể nói, vào mùa lũ, cuộc sống trên Đồng Tháp Mười khá dễ chịu. Nhà có hai người, chỉ cần năm, bảy ngàn là đủ tiền cho một ngày chợ với nửa ký cá tươi mới bắt ngoài sông và một lọn bông súng mới nhổ ngoài đồng. Mùa lũ giăng câu bắt cá, hái bông súng, mùa lúa cấy mướn gặt thuê, chịu khó lao động, tìm kiếm việc làm sẽ không thiếu cái ăn. Nhưng cách sống này chỉ phù hợp với người lớn tuổi, nhu cầu không cao, còn với thanh niên lại là chuyện khác.

Vì thiếu đất sản xuất, công việc dành cho họ chỉ có thể là làm thuê làm mướn. Việc nhà nông vất vả, một nắng hai sương, tiền công vừa đủ sống, tương lai khó phát triển nên phần lớn người trẻ tuổi ở Tân Công Sính đã bỏ đồng ruộng, ra đi tìm việc làm ở những khu đô thị, khu công nghiệp lớn… Thanh niên còn lại đây không nhiều.

Trên bờ kênh Láng Bông, chúng tôi đã gặp chị Cẩm Hằng, người gốc huyện Mang Thít và chú Lê Tấn Việt, người gốc huyện Tam Bình. Họ là hàng xóm ở cạnh nhà nhau, sống trên bờ kênh này đã 17, 18 năm nay. Cả hai gia đình chị Hằng và chú Việt đều không có ruộng đất, sống bằng nghề làm mướn và chăn nuôi từ nhiều năm nay. Vào mùa lúa, đàn ông đàn bà đều đi làm thuê. Đàn bà làm cỏ lúa, cấy dặm, đàn ông xịt thuốc, rải phân cho lúa, mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới một trăm ngàn đồng.

Mùa này không có việc, chị Hằng tranh thủ nuôi  cá lóc. Vợ chồng chú Việt nuôi gà, vịt, heo. Bình thường, miếng cơm manh áo với họ không phải là điều đáng sợ. Điều đáng sợ với chú Việt là những lúc trái gió trở trời, cảnh ốm đau khi tuổi già đang đến, còn với chị Hằng là nỗi lo tương lai của con cái mai này.

Năm nay, chị Hằng 36 tuổi, đã có ba con. Trên gương mặt chị, chúng tôi thấy nhiều khắc khổ. Như nhiều hộ gia đình thuộc Dự án Vĩnh Long khác, gia đình chị đã bán hết ruộng đất. Nỗi buồn của người nông dân để mất ruộng chỉ có thể cảm nhận, mà không dễ diễn tả bằng lời.

 

Theo kênh Láng Bông, chúng tôi vào sâu trong cánh đồng nước lũ chừng hơn một cây số để tìm thăm những gia đình người Vĩnh Long vẫn còn đang bám trụ ngoài đó. Giữa những vạt tràm ngập nước đang trổ bông hai bên bờ kênh như thế này, để ý kỹ sẽ thấy những tổ ong ruồi. Người ta nuôi ong ruồi để ong hút nhụy bông tràm làm mật. Qua đợt bông tràm trổ, người nuôi sẽ dời ong sang những vạt tràm mới vốn có rải rác rất nhiều trong Đồng Tháp Mười.

Hai vợ chồng chú Mai Văn Rô Be từ Vũng Liêm theo Dự án Vĩnh Long lên khai hoang lập nghiệp ở ấp Tân Hưng – xã Tân Công Sính từ năm 1993. Như các hộ gia đình khác, gia đình chú được nhận 19 công đất. Những ngày đầu mới lên đây, cuộc sống hết sức cơ cực. Đất phèn nhả nước đỏ và kẹo như nước cốt trầu. Không có nước sinh hoạt , gia đình chú phải thay nhau hứng nước mưa dành để nấu ăn hoặc chèo xuồng đi lấy nước rất xa, ra tận ngoài sông lớn .

Những vụ đầu canh tác trên đất phèn hoang hóa, dù đã đổ  mồ hôi, tiền của cho phân bón giống má, nhưng lúc đó thu hoạch hầu như chẳng được gì. Thiếu nợ, kiệt sức, lực bất tòng tâm, nhiều gia đình đành phải bán lần bán hồi đất đai với những cái giá rẻ như bèo để hồi hương hoặc ra đi tìm miền đất mới. Chú thím Hai đã cắn răng bám trụ ở lại. Đến nay, hai người còn giữ được 7 công ruộng. Sau bao năm thấm nước mắt mồ hôi của người nông dân, từ năm 2003 trở lại đây, đất đai mới chịu trở mình , dần chuyển sang ngọt lành, cho năng suất cao. Bám trụ được là sống được… 

Mùa lũ ở Tân Công Sính rất dễ sống. Hàng ngày giăng lưới, đặt dớn bắt cá – cua – ốc không những đủ làm thức ăn cho gia đình trong mấy tháng mùa lũ, mà còn có dư, có thể tận dụng làm thức ăn nuôi cá lóc, qua mùa lũ cũng bán được năm, bảy triệu đồng. Điều đó giải thích vì sao mặc dù đã được cấp nhà trong khu vượt lũ cặp Tỉnh lộ 855, nhưng chú thím Hai Robe vẫn quyết định bám trụ nơi đây trong suốt 18 năm qua. Sống trên đồng mùa nước nổi tiện khai thác các nguồn lợi thiên nhiên, còn mùa khô tiện chăm nom mấy công ruộng mà giờ đây đã trở thành tài sản lớn nhất của gia đình họ.

Trên bờ kênh Láng Bông, tình cờ, chúng tôi  gặp gia đình chú Nguyễn Văn Tấn – một gia đình nông dân ở xã Kiến Thành – huyện Chợ Mới – tỉnh An Giang. Mỗi năm, cứ đến mùa nước nổi, họ lại cùng nhau về đây sinh sống, dựa vào đồng nước vừa bắt cá vừa nuôi cá. Mùa này, gia đình họ không cần phải đi chợ, chỉ cần chuẩn bị sẵn một ít gạo và mắm muối, rồi thì chim trời cá nước bắt lấy mà ăn. Với vốn liếng là 70, 80 cái dớn bắt cá, cộng thêm sự cần mẫn và kinh nghiệm, không chỉ nhẹ nhàng vượt qua mùa lũ, họ còn thu được hàng chục triệu đồng tiền bán cá, khỏe khoắn về lại An Giang để bắt đầu một mùa cày cấy.

Hầu hết người Vĩnh Long còn lại ở Tân Công Sính đều đang sống trên tuyến đê vượt lũ ở hai ấp Tân Hưng và Cà Dăm. Nơi đây đã có đường lưu thông xe bốn bánh, có điện, nước sạch, nhà vệ sinh, trường học và trạm y tế. Cuộc sống bước đầu đã khởi sắc.

 

Ở kênh Láng Bông trở về, tiện đường, chúng tôi ghé vào thăm gia đình anh Trần Văn Khoa ở ấp Cà Dăm. Được coi là một trong số những gia đình có cuộc sống ổn định nhất ở đây, anh Khoa có tất cả 8 công ruộng và nghề nuôi vịt chạy đồng, riêng các con anh đều đã trưởng thành và đi làm việc ở các thành phố lớn . Qua trò chuyện tâm tình với anh và bà con nơi đây, chúng tôi nhận ra rằng:  Dự án di dân Vĩnh Long trên vùng kinh tế mới Tam Nông đã đưa ra được những bài học kinh nghiệm như sau: Về phía Nhà nước, cần cấp đất phù hợp với năng lực, điều kiện khai thác, đồng thời phải có các chuyên gia theo sát, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trong buổi đầu gặp quá nhiều khó khăn. Về phía người nông dân, phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, chấp nhận khó khăn gian khổ,không phải là một, hai, mà có khi là hàng chục năm ròng rã mới mong đến ngày mặt đất sinh hoa trái ngọt lành. Cuối cùng, thế hệ này tuy không thành công, nhưng thế hệ sau lớn lên tất sẽ rút ra được những bài học quý giá từ kinh nghiệm xương máu của cha anh, và họ hoàn toàn có thể khai mở những lối đi mới trên con đường mưu sinh, tiến tới hạnh phúc trong no ấm.

Hiện tại, cuộc sống chưa phải đã hết những khó khăn thử thách. Nhưng cũng như ở nhiều vùng nông thôn khác, chúng tôi tin tương lai sẽ tốt đẹp hơn trên vùng đất này, bởi trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng tôi nghĩ sự phát triển bền vững sẽ không thể chỉ dựa vào nền công nghiệp tiên tiến, mà  phải là sự kết hợp hài hòa giữa công nghiệp với một nền văn hóa nông nghiệp giàu bản sắc. Trên cơ sở đó, đất đai và kỹ năng lao động của người nông dân sẽ luôn là những giá trị quý giá rất cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy cho cuộc sống tương lai./.

Thu Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *