Giá nhân công, phí thuê đất công nghiệp, cước viễn thông, điện lực và nước là những khoản chi phí đầu tư mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước láng giềng. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã đưa ra đánh giá này hôm 05/6.
Đó là kết quả điều tra lần thứ 19 của JETRO thực hiện trong tháng 1 về so sánh chi phí đầu tư tại 30 thành phố ở châu Á. Trong đó, Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản bởi những khoản chi phí rẻ hơn so với các nước láng giềng gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Năm 2008, lạm phát cao đã đẩy mức tiền lương ở khu vực châu Á tăng theo. Tính tới tháng 10/2008, tiền lương đã tăng lên 20% ở Hà Nội, TP.HCM và 35% ở Đà Nẵng.
Cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy nhanh hơn. (Ảnh: Diệp Anh) |
Tuy vậy, theo số liệu khảo sát của JETRO, lương mà các công ty Nhật Bản trả cho công nhân Việt Nam vẫn thấp hơn so với 4 nước trên.
Ví dụ, tại Hà Nội, công nhân được trả 95,8 USD/tháng. Trong khi, ở Trung Quốc, tiền công của công nhân tại thủ đô Bắc Kinh là 286,7 USD/tháng, tại Đại Liên là 145,5 USD/tháng;
Tại Bangkok (Thái Lan) là 241,1 USD/tháng; tại Kuala Lumpur (Malaysia) là 290,5 USD/tháng; tại Jakarta (Indonesia) là 131,3 USD/tháng.
Tổng cước phí điện thoại, gồm cả di động và máy cố định, thuê bao, các cuộc gọi, chi phí lắp đặt ở Việt Nam mà các công ty Nhật Bản phải trả cũng thấp nhất trong khu vực.
Chỉ có phí kết nối Internet vẫn cao hơn so với các nước láng giềng. Phí điện, nước cho sản xuất cũng nằm ở mức cuối trong bảng so sánh chi phí này với các nước trong khu vực.
Cuộc điều tra cũng cho thấy, ý kiến các công ty Nhật Bản phản hồi đều khẳng định, phí thuê đất công nghiệp ở Việt Nam là thấp. Ngược lại, phí thuê nhà ở, văn phòng và chi phí vận chuyển đường biển thì vẫn đắt đỏ.
Theo JETRO, nhìn chung, mặc dù còn những khoản chi phí đầu tư khác cao hơn, Việt Nam vẫn là nước có lợi thế cạnh tranh về chi phí đầu tư trong khu vực.
Tổ chức này lưu ý, 5 khoản chi phí trên là những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, song, đó chưa phải là yếu tố quyết định tính bền vững của môi trường kinh doanh.
Việt Nam vẫn cần phải nâng cao chất lượng lao động, cải cách thủ tục hành chính… Những chi phí gián tiếp này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức hút trong môi trường đầu tư.
Theo Phạm Huyền (VietNamNet)