Đã có thể định danh chính xác nền gạch xuất lộ ở đây chính là sân Đan Trì, sân chầu trong những lễ nghi quan trọng nhất của đất nước dưới triều Lê.
Từ 7 – 22/01/2009, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã tiến hành đào thám sát tại khu vực giữa Đoan Môn – điện Kính Thiên (trong khuôn viên khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long)
Phù điêu chim Phượng thời Lý |
Diện tích hố thám sát là 50 mét vuông trên trục thần đạo đoạn Đoan Môn – điện Kính Thiên. Ở độ sâu 1.4m đã phát lộ đoạn sân gạch vồ thời Lê hoàn toàn giống về kết cấu, bố cục cũng như kỹ thuật và vật liệu xây dựng của nền sân gạch vồ tại hố khai quật di tích Đoan Môn được đào khảo cổ năm 1999.
Những mảnh chân đế chất liệu gốm thời Lê |
Sâu dưới lớp sân lát gạch vồ thời Lê này, ở độ sâu 1.8m cũng đã phát lộ lớp văn hóa Lý – Trần với những di vật đặc trưng. Tuy nhiên, do phải bảo vệ nền gạch thời Lê nên diện tích đào sâu xuống rất hẹp (chỉ khoảng 2 mét vuông), chưa thỏa mãn mong muốn tìm thấy những dấu vết của con đường gạch hoa chanh thời Trần như phỏng đoán của các nhà khảo cổ.
PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, khẳng định: hai lớp văn hóa cơ bản xuất lộ đã chứng minh toàn bộ khu vực này cũng có tầng văn hóa cơ bản giống khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, khu vực nằm ở phía Tây của điện Kính Thiên trong Cấm thành. Quan trọng hơn, đã có thể định danh chính xác nền gạch xuất lộ ở đây chính là sân Đan Trì, sân chầu trong những lễ nghi quan trọng nhất của đất nước dưới triều Lê, trong đó có việc thi tuyển người tài do đích thân đức vua ra đề bài.
Việc không tìm thấy dấu vết kiến trúc tại hố cũng đã được nhóm khai quật dự đoán trước, bởi theo bố cục quy hoạch của kinh đô Thăng Long, giữa điện Kính Thiên và Đoan Môn (cửa chính Nam của Cấm thành) phải là khoảng sân rất rộng để tiến hành các nghi lễ của vương Triều, nên các kiến trúc sẽ tản ra ở hai bên và đằng sau. Còn từ Đoan Môn đến Kính Thiên (theo sử liệu) chỉ có một tòa điện Thị Triều là nơi chuẩn bị trước khi vào chầu vua.
Sân nền Đan Trì lát gạch vồ thời Lê |
Theo sử sách, sân Đan Trì phải nằm trên sân Long trì của thời Lý-Trần, hố khai quật ở di tích Đoan Môn cũng đã phát lộ con đường gạch hoa chanh, nhưng với diện tích thăm do quá nhỏ, nên các nhà khảo cổ học chưa đưa ra nhận định chính thức về con đường gạch hoa chanh thời Trần có chạy suốt đến mặt bằng này không?
Câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà khảo cổ học và sử học, rằng liệu điện Kính Thiên (thời Lê) có xây trên nền điện Thiên An (thời Trần) và Càn Nguyên (thời Lý) không, vẫn còn đang bỏ ngỏ? PGS Tống Trung Tín "bật mí": thời gian sắp tới sẽ phải đào thêm những hố thám sát xung quanh nền điện Kính Thiên, cũng như đào xuống sâu để kiểm tra lớp văn hóa Đại La (thế kỷ 8 – 9), trước thời kinh đô Thăng Long. Sẽ còn nhiều phát lộ quý báu, góp phần nâng cao giá trị của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long trên đường chinh phục "di sản văn hóa thế giới".
Theo Khánh Linh (VietNamNet)