Không quy hoạch, bừa bãi cấp đất, thiếu giám sát khiến diện tích sân golf ở Việt Nam vượt xa mức cần thiết. Nơi diện tích dôi dư mọc lên biệt thự, nhà vườn bán giá rất cao, lợi nhuận rơi vào túi một vài cá nhân, nông dân mất đất sản xuất, Nhà nước thất thu… Bức xúc trước thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng Quốc hội cần có nghị quyết giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất xây sân golf.
Kinh doanh trá hình
Những dự án sân golf và mục tiêu phía sau. |
Một góc trong dự án sân golf An Phú (TP.HCM). Ảnh: VNN
Sau những lần tiếp xúc với cử tri, ông Nguyễn Lân Dũng đau xót: "Tất cả các lũy tre xanh đều đã mất hết". Thay vào đó là khu công nghiệp, sân golf.
Ông Dũng phân tích "điều trái khoáy" là sân golf lẽ ra phải đặt ở nơi trung du đồi núi thì ở Việt Nam, do không muốn đầu tư đường xá nên tiện thể xây sân golf ngay trên đất đồng bằng, đất canh tác, thậm chí cả nơi bờ xôi ruộng mật. Đáng chú ý là diện tích đất được cấp xây sân golf vượt xa mức cần thiết.
"Vì đâu phải để làm golf, toàn xây biệt thự để bán với giá rất cao, trong khi thu hồi đất với giá rất thấp. Lợi nhuận thuộc về ai? Thuộc về những ông chủ sân golf nước ngoài. Tôi rất đau xót về chuyện đó, nông dân mất đất mà người chơi golf thì rất ít", ông Dũng nói.
Thực tế, nếu tất cả dự án sân golf được cấp phép trên toàn quốc hiện nay đều phải trở về đúng nghĩa, thu lại phần đất kinh doanh bất động sản thì sẽ có khoảng 30.000ha đất được "trả tự do".
Tại một hội thảo về sân golf mới đây, TS Lê Văn Thiện (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia HN) cho biết, trong 144 dự án sân golf trên khắp 39 tỉnh, thành đã được cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương, chỉ 20 dự án là kinh doanh golf thuần túy. Còn lại đều kết hợp giữa golf và bất động sản, trong đó tổng diện tích thực dành cho sân golf tại các dự án đó chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích dành xây khách sạn, biệt thự, nhà hàng…
"Quan điểm của tôi là sân golf chỉ để chơi golf, không thể kinh doanh địa ốc. Kiên quyết không được chuyển mục đích sử dụng đất", Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền quả quyết.
Còn đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) gọi đây là một kiểu kinh doanh "trá hình, trái pháp luật".
Duyệt dự án kiểu "lập lờ"
Nhận định cách quản lý hiện nay đã tạo ra những sơ hở chính sách để thu lời cho một vài cá nhân, đại biểu Phạm Thị Loan lý giải: "Chính sự lập lờ trong phê duyệt dự án và thiếu minh bạch, nghiêm minh trong quá trình kiểm tra đã dẫn đến kiểu kinh doanh trá hình này".
Theo ông Hà Văn Hiền, cần xem lại trách nhiệm thuộc về ai để xử lý rốt ráo. "Nếu dự án được quy hoạch chỉ để làm sân golf mà chuyển mục đích sử dụng thì lỗi ở nhà đầu tư. Còn nếu trong dự án có đi kèm các dịch vụ hoặc phê duyệt diện tích lớn hơn cần thiết thì đó lỗi người duyệt quy hoạch".
Ông Hiền cho rằng, cần có một tiêu chí cho diện tích sân golf, tùy theo sân 18 hay 26 lỗ sẽ có diện tích tương ứng. "Khi đó sẽ không thể có chuyện sân golf chỉ cần diện tích 60ha mà anh phê duyệt lên 100 ha để tạo kẽ hở cho nhà đầu tư trục lợi".
"Quốc hội phải có thái độ cứng rắn"
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền (phải). Ảnh:LAD |
Bà Loan khẳng định, doanh nghiệp phải trả tiền đền bù do chuyển mục đích sử dụng, vì nếu để xây sân golf, chỉ phải trả một khoản gọi là đền bù giải phóng mặt bằng thì nay, nghiễm nhiên xây nhà hàng, biệt thự, rõ ràng phải trả tiền theo giá kinh doanh địa ốc. Giá đền bù phải theo đúng mục đích sử dụng.
Với các dự án ở Hà Nội, bà Loan cho rằng, thành phố cần kiên quyết thu hồi các diện tích lãng phí dùng trái mục đích.
Chủ nhiệm UB Kinh tế nói, các cơ quan quản lý phải rà lại ngay việc sử dụng đất xây sân golf, đưa ra tiêu chí về diện tích. Vì bất kỳ dự án nào cũng chỉ được cấp phép trên tiêu chí tiết kiệm đất tối đa.
"Đất đai không thể sinh sôi nảy nở. Chưa kể, môn thể thao này đòi hỏi địa hình ở vùng đồi núi, phức tạp, vùng bán sơn địa. Hạn chế lắm mới dùng diện tích đất lúa, đất canh tác để xây", ông Hiền phân tích.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của đại biểu Lê Như Tiến, để có đất cho 76 dự án sân golf đã và đang phát triển, sẽ phải "hi sinh" 23.832 ha, trong đó có 9.487 ha đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước.
Ngay sân golf Vân Trì (Đông Anh, Hà Nội) có diện tích 128ha thì 93ha là đất nông nghiệp.
Dẫn chuyện Hà Nội đã biến trung tâm nghiên cứu giống Cuba, chuyên cung cấp tinh đông khô cho bò thành sân golf, ông Nguyễn Lân Dũng bức xúc: "Quốc hội phải có thái độ cứng rắn và ra nghị quyết không được dùng đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, xây sân golf".
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khẳng định, Hà Nội sẽ tăng cường sự giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện các dự án sai phạm hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, sẽ kiến nghị Nhà nước thu hồi.
Với các đại biểu Quốc hội, vì chúng ta thiếu hẳn quy hoạch, thiếu hẳn giám sát nên mới có chuyện "lập lờ", sân golf diện tích rất lớn, xây biệt thự bán với giá rất cao, trong khi thu hồi đất với giá rất thấp.
Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng đã yêu cầu rà soát diện tích đất sử dụng của từng sân golf, ngăn ngừa hành vi lợi dụng danh nghĩa xây dựng sân golf để giữ đất hoặc khai thác trái mục đích. Quý I năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải trình Thủ tướng Quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng sân golf.
Vấn đề đã được nhận diện, nhưng trong lúc chờ quy hoạch, chờ rà soát… thì vẫn tiếp tục có thêm những dự án mới đang "chờ chủ trương" để bắt tay vào xây nhà hàng, biệt thự.
Theo Lê Nhung – Xuân Linh (VietNamNet)