Sau 15 năm ban hành và thực thi, Pháp lệnh Thuế nhà, đất thực ra mới chỉ thu thuế đất ở, đất xây dựng công trình, còn nhà ở dường như chưa đụng đến.
Vì vậy, tại buổi thảo luận ở tổ ngày 12-11, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận việc đánh thuế nhà ở, phần tài sản giá trị nhất trên đất mà dự luật Thuế nhà, đất nhắm đến.
“Đánh thuế để dân làm quen”
Theo thuyết minh của Chính phủ, dự luật chỉ thu thuế với những ngôi nhà có giá tính thuế trên 500 triệu đồng và mức thu là 0,03% phần vượt trên 500 triệu đồng. Giá thuế được tính chỉ bằng 1/2 định mức vốn đầu tư trên mỗi mét vuông sàn do Bộ Xây dựng ban hành. Với cách tính này thì chỉ thu thuế với những căn nhà có giá trị xây dựng trên một tỷ đồng. Mà nhà có giá như thế thì những người làm công ăn lương, hưu trí, người có thu nhập trung bình và hầu hết nhà ở nông thôn và nhà ở đô thị có diện tích dưới 120 m2 sẽ không bị đánh thuế. Vì vậy, việc bổ sung thêm thuế nhà vào dự luật chỉ mang ý nghĩa để người dân làm quen với thuế tài sản mà thôi.
Nhiều đại biểu cho rằng sắc thuế này thiếu khả thi. Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nói: “Để thu thuế thì phải xác định được giá tính thuế. Quản lý nhà, đất hiện nay thực tế mới chỉ quản được một phần đất, còn nhà ở thì còn đợi triển khai hợp nhất một giấy cho quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Vậy ai chịu trách nhiệm định giá nhà ở?”. “Chính phủ chỉ dự tính thu được 1.600 tỷ đồng thuế đất ở và đất phi nông nghiệp, còn số thu với nhà ở không ước nổi vì chưa có thống kê. Vậy mức thu đó liệu có nuôi nổi bộ máy tính giá trị nhà ở?” – ông Ngưu nói.
Đụng đến quyền dân, cần trưng cầu dân ý
Đại biểu Lê Thị Nga đặt vấn đề mục đích của dự luật: “Chính phủ nói mục đích là tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ… Nhưng thế nào là đầu cơ? Người dân tích cóp tiền, mua vài căn nhà để đó thì không nên coi là đầu cơ, không nên đánh thuế”.
Cả ông Ngưu và bà Nga đều cho rằng dự luật tác động trực tiếp đến người dân nên cơ quan soạn thảo cần trưng cầu ý dân, tìm hiểu xem ý kiến của cử tri về sắc thuế này thế nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích: “Hiện nay, hệ thống pháp luật đất đai rất phức tạp. Chỉ một thửa đất người sử dụng đã phải chịu bốn loại thuế và phí: thuế sử dụng đất hằng năm theo pháp lệnh hiện hành; thuế chuyển quyền sử dụng đất khi có mua bán; thuế thu nhập cá nhân tính trên thu nhập từ bán đất và phí trước bạ. Nay đánh thêm thuế nhà ở, Chính phủ cần giải thích rõ hơn về bản chất sắc thuế này: nhằm điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh, điều tiết thị trường hay thu nhập của người dân”.
Ông tiếp: “Nếu coi đây là thuế đánh vào tài sản, tại sao nhà giàu sắm ôtô giá trị bạc tỷ mà chỉ nộp thuế một lần là xong, trong khi đó nhà ở trị giá mới hơn 500 triệu đồng lại phải đóng thuế hằng năm?”. Ông Thuận đề nghị ở phiên thảo luận toàn thể tới đây, trước khi bàn nội dung cụ thể, Quốc hội nên quyết định có đưa sắc thuế này vào chương trình nghị sự hay không. Đây cũng là ý kiến của thượng tá Phan Văn Tường – đại biểu tỉnh Thái Nguyên.
“Nên đổi tên thành luật chống đầu cơ”
Đặt vấn đề khả thi của dự luật, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho rằng dân đang thiếu nhà ở, giờ “đè” ra thu thuế là không ổn. Nhưng nếu có quyết tâm thu thuế với nhà thì cách xác định giá trị nhà theo đơn giá xây dựng cũng không hợp lý vì nhà mặt đường Lê Lợi (quận 1, TP.HCM) dù bé tí cũng giá trị hơn nhà lớn ở các quận khác.
Tuy nhiên, các ý kiến đều thống nhất cần có luật để chống đầu cơ đất đai. “Đầu cơ đất đai đang rất lớn, gây bức xúc, đẩy giá lên quá cao so với nền kinh tế. Cứ thế này thì đừng có nói đến chính sách nhà ở xã hội” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng thì nhắc: “Những mảnh đất để hoang rộng mênh mông ven đường ra sân bay Nội Bài chắc chắn chẳng dân nghèo nào vào nổi; những dự án giao đất từ hơn mười năm trước, chủ đầu tư ôm đến nay chờ sửa quy hoạch, sang nhượng hưởng lợi; và những người giàu nhất Việt Nam mà một phần vì đầu cơ vào công thổ quốc gia”. Muốn chữa căn bệnh này, các đại biểu TP.HCM cho rằng dự luật Thuế nhà, đất nên chỉnh sửa theo hướng chống đầu cơ, thậm chí đổi tên thành luật chống đầu cơ.
Theo Pháp luật TPHCM