Trở về từ chiến trường với thứ chất độc quái ác màu da cam, ông Nguyễn Kim Khướng ở Bác Lãm, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội đã sinh được bốn người con, trong đó có ba đứa bị khiếm thị. Bao năm nay, ông lặng lẽ vượt qua mọi gian khó để cùng vợ nuôi dạy các con tốt nghiệp đại học.

Ông Khướng bên ba người con khiếm thị của mình. Từ trái qua: Nguyễn Kim Sen, Nguyễn Kim Ơn, Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: do gia đình cung cấp

Sinh năm 1952, tuy chưa bước sang tuổi 60, nhưng trông ông già hơn rất nhiều so với cái tuổi của mình. Bao nhiêu nhọc nhằn đã đè nặng lên đôi vai gầy của người đàn ông đã bị nhiễm chất độc hoá học màu da cam này.

Bao mưa nắng, đắng cay

Tôi quê gốc ở Bác Lãm, Phú Lương, Hà Đông. Tôi nhập ngũ cuối năm 1971. Tôi từng chiến đấu cả ở chiến trường B (miền Nam) và C (nước bạn Lào) đầy ác liệt. Năm 1976, tôi trở về quê cưới vợ, rồi lại vào quân ngũ. Đến năm 1978, tôi mới chính thức xuất ngũ trở về làng quê sống cuộc sống bình dị thường nhật.

Ông mộc mạc tâm sự quãng đời lính trẻ của mình như vậy. Năm 1979, vợ ông, bà Phùng Thị Hiển sinh hạ được người con trai đầu lòng. Ông đặt tên con là Nguyễn Kim Ơn. Nhưng đau đớn thay, cậu bé Ơn không được như bao đứa trẻ khác khi, sinh ra đã mất đi đôi mắt. Đến bảy tháng tuổi, Ơn sờ soạng không tìm được đồ chơi, lúc đó ông Khướng mới phát hiện ra con mình bị hỏng mắt. Nỗi đau tiếp tục ập tới vợ chồng nghèo khi cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Huyền cũng giống như người anh của mình. Ông tâm sự: “Ngày đó tôi chưa biết mình bị nhiễm chất độc dioxin, mãi đến năm 1986, khi đi xét nghiệm mới phát hiện ra”. Hai vợ chồng ông bà đã lặn lội đi khắp nơi để chữa mắt cho hai người con. Nhưng đông y – tây y đều bó tay, cho đến khi viện Mắt Trung ương kết luận, hai đứa trẻ bị mù bẩm sinh không thể chữa được, ông Khướng và vợ mới đành chấp nhận sự thật.

Năm 1987, ông Khướng cùng vợ quyết định sinh một lần nữa. Rất lạ lùng, cô con gái thứ ba có tên Nguyễn Kim Xuân lại hoàn toàn bình thường, mắt sáng như bao người khác. Thấy vận số như đang mỉm cười với gia đình, ông bà sinh tiếp một bé gái nữa có tên Nguyễn Kim Sen. Lần này, Sen lại giống như hai anh chị cả của mình, sinh ra nhưng không biết ánh mặt trời.

Nuôi dạy ba người con khiếm thị dường như là một tảng núi của những gian khổ đè lên ông và vợ. Ông vẫn chăm chỉ kiếm từng đồng tiền để cùng vợ nuôi ba người con khiếm thị của mình, cho chúng bằng bạn bè.

Lên chín, lên mười tuổi Nguyễn Kim Ơn và Nguyễn Thị Huyền đồng loạt vào học ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Mọi khoản chi phí của hai con vô cùng tốn kém, đấy như một khó khăn thực sự thử thách vợ chồng ông ngày ấy. Bà Hiển đã phải bỏ nghề dạy học, vì đồng lương quá bèo bọt để về nhà làm đủ nghề như: buôn bán, làm ruộng, chăn nuôi mong kiếm thêm đồng tiền cho con.

Năm 1990, ông Khướng được công nhận là bệnh binh và đến nay mới được hưởng trợ cấp 717.000 đồng/tháng. Với mức trợ cấp đó, nuôi bản thân chưa xong chứ nói gì đến nuôi các con ăn học. Trải qua nhiều nghề, cuối cùng ông quyết định chọn nghề xe ôm để tiếp tục cuộc mưu sinh nuôi con. Hơn nữa chọn nghề xe ôm tự do, ông có thể chủ động thời gian để đi thăm con, đưa đón con mỗi khi chúng cần.

Ba cử nhân khiếm thị

Mặc dù không nhìn thấy ánh sáng như những đứa trẻ khác, nhưng Ơn, Huyền và Sen đều rất sáng dạ, thông minh và sớm bộc lộ năng khiếu văn hoá, nghệ thuật.

Mới năm, sáu tuổi, Ơn đã đòi mẹ mua sáo cho mình thổi, giống như người nghệ sĩ trong đài mà cậu hay được nghe bên nhà hàng xóm. Sau khi học xong trường Nguyễn Đình Chiểu, Ơn đã thi đỗ vào khoa nhạc cụ truyền thống của nhạc viện Hà Nội (nay là học viện Âm nhạc quốc gia). Năm 2005, Nguyễn Kim Ơn tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi biểu diễn ở các tỉnh, dưới danh nghĩa đoàn nghệ thuật của nghệ sĩ nhân dân Tường Vi.

Không giống như anh mình, Nguyễn Thị Huyền lại đam mê văn, thơ. Học xong trường khiếm thị, Huyền thi đỗ vào khoa văn, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, Huyền đã trúng tuyển vào làm ở hội người mù quận Hà Đông. Hiện nay, Nguyễn Thị Huyền đang giữ chức phó chủ tịch quận hội người mù Hà Đông.

Với cô con gái út Nguyễn Kim Sen, sinh năm 1988 thì không những có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật mà còn có ý chí hơn người. Sau khi học xong trường Nguyễn Đình Chiểu, Sen đã thi đỗ vào học viện Âm nhạc quốc gia, bộ môn đàn tranh – khoa nhạc cụ truyền thống. Song song với việc học ở học viện Âm nhạc, Sen còn đang theo học ở trường Nguyễn Văn Tố để nâng cao trình độ văn hoá.

30 năm, qua bao đắng cay mưa nắng, người bệnh binh Nguyễn Kim Khướng và vợ đã nuôi dạy con cái nên người. Mỗi lúc con đi thi, chuyển nhà, hay ốm đau, ông không quản mưa nắng, lặn lội đến chăm sóc con. Thậm chí, có những lúc ông Khướng phải vào tận phòng thi đọc đề bài và trả, nộp bài hộ con. Ông và vợ cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ an ủi lẫn nhau để quyết tâm nuôi cả ba đứa con khiếm thị thành tài. Mỗi tấm giấy khen, bằng khen và những điểm số cao trong học tập của con, rồi chúng có công ăn việc làm thì đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận của ông.

Vài năm trở lại đây, ngày ngày cứ 6 giờ sáng ông lại dậy đưa cô con gái Nguyễn Thị Huyền lên quận hội người mù Hà Đông làm việc, rồi sau đó ra bến xe chờ khách. Đến 5 giờ chiều ông lại chở Huyền về nhà, rồi vòng ra bến xe chờ khách tiếp. Nắng gió, bụi bẩn, cay đắng của nghề xe ôm ông đã trải nghiệm suốt mười năm nay rồi. Nhưng ông bảo rằng, mình vẫn phải tiếp tục lao động, tiếp tục kiếm sống khi còn đủ sức để chăm lo cho các con tốt hơn. Chính vì thế, sau gần 30 phút trò chuyện, ông nói lời từ biệt chúng tôi để vội vã quay trở lại nơi chờ khách quen thuộc. Hình ảnh ông vội vã ra đi mưu sinh như để lại trong chúng tôi một cảm xúc khôn nguôi, khó tả, đúng là trên đời này: “Công cha như núi Thái Sơn.”

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *