Hàng ngàn ha rừng tràm bị chặt làm… củi. Lớp đất mặt bị lóc lên để bán. Tương lai của những người trồng tràm đang bấp bênh hơn bao giờ hết.

Chặt tràm làm củi

Những năm 1997-1998, khi nhu cầu sử dụng cừ tràm trong xây dựng tăng đột biến, thương lái đến tận rừng thu mua với giá từ 80 đến 90 triệu đồng/ha tràm 6 – 7 năm tuổi. Nhiều gia đình nông dân ở Long An đã bỏ lúa, chuyển sang trồng tràm. Thế nhưng, từ năm 2001 đến nay, nhiều công trình xây dựng chuyển sang sử dụng cọc nhồi, cọc bê tông nên cây tràm bị “ra rìa”. Cũng từ đó, giá cừ tràm luôn “ổn định ở mức lỗ” – chưa đến 15 triệu đồng/ha, trong khi phải 6 năm mới có thể thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Lập – nông dân xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa (Long An) – cho biết, đầu tư trồng 1 ha tràm tốn đến 45 triệu đồng. Muốn quay về trồng lúa, phải thuê xe ủi phẳng trở lại tốn hơn chục triệu nữa. Nông dân coi như mất sạch cả vốn lẫn công.

Tràm đang được róc thành… củi

Khoảng 2 năm trở lại đây, các vạt tràm ở Thạnh Hóa, Tân Thạnh chủ yếu bán cho thương lái làm củi. Chị Nhan Thị Ngon, trú tại xã Thủy Đông (Thạnh Hóa) cho biết, thương lái mua 1 ha rừng tràm với giá khoảng 15 triệu đồng, sau đó thuê nhân công tại chỗ róc tràm làm củi.

Ông Bùi Thành Kính (xã Thủy Đông) cho hay, cả nhà ông đều sống bằng nghề róc củi. Gần đây, củi róc bao nhiêu thương lái từ TPHCM cũng đưa xe tải xuống mua hết. Nghề róc củi trở thành cứu cánh cho nhiều nông dân không đất ở vùng này.

Các ngành chức năng đang kêu gọi người dân giữ lại rừng tràm, bảo vệ lá phổi xanh… Tuy nhiên, với giá tràm thấp như hiện nay, nguy cơ hàng ngàn ha tràm bị biến thành củi là chuyện trước mắt.

“Lóc” đất lên bán

Dọc theo QL 62 trên bàn các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, cảnh người dân gom đất, cho vào bao rồi chuyển xuống ghe tấp nập như những công trường xây dựng. Anh Trần Văn Phi, nhà ở Cai Lậy (Tiền Giang) sang Thạnh Hóa làm nghề xúc đất bỏ vào bao, cho biết, từ tết đến giờ anh làm việc không nghỉ. Công việc hơi cực một chút nhưng mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Theo anh Phi, thương lái thu gom đất để đem về TPHCM làm phân vi sinh.

Khai thác đất mặt làm phân vi sinh

Nhiều nông dân trồng tràm đang rục rịch kêu bán lớp đất mặt, vì tầng đất mùn khá dày. Một nông dân ở xã Kiến Bình cho biết, giá đất mặt năm ngoái ở đây khoảng 100 triệu đồng/ha (khai thác xuống 2 mét). Thời điểm hiện tại, nhiều thương lái thỏa thuận mua với giá 200 triệu đồng/ha.

Về hiện tượng nông dân kêu bán đất mặt, ông Nguyễn Văn Kiệt – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh – cho biết, nếu bán lớp đất mặt thì phần đất còn lại sẽ xì phèn, gây tác động xấu tới môi trường. Vì vậy, việc khai thác trái phép lớp đất mặt là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Trước mắt, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã rà soát lại, nếu có tình trạng khai thác bừa bãi sẽ xử lý theo pháp luật.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *