Dự kiến, từ 1/5/2010 lương cơ bản sẽ tăng thêm khoảng 80 ngàn đồng |
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của lộ trình tiền lương tối thiểu. Một thực tế đã được nhìn nhận, chủ doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn nhiều lần so với mức lương tối thiểu quy định, mức lương này còn quá hình thức, quá thấp để có thể đảm bảo điều kiện sống tổi thiểu cho công nhân. Khi chủ doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương cũng không coi đó là yếu tố để tham chiếu, phản ánh khá “méo mó” về bức tranh tiền lương chung hiện nay.
Từ đó, có ý kiến cho rằng, Bộ LĐ- TB- XH cần tăng mức lương tối thiểu, cần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tính đến những địa bàn giáp ranh, sớm xây dựng và thống nhất lộ trình tiền lương tối thiểu trước năm 2012, cần thống nhất một mức lương tối thiểu chung khi Việt Nam gia nhập WTO, rút ngắn khoảng cách 27% – 33% về lương tối thiểu áp dụng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên có ý kiến lại cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu mà không xây dựng công khai và thống nhất lộ trình tiền lương cho từng năm sẽ khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh hệ thống thang bảng lương liên tục, gây tốn kém và mất nhiều thời gian; không nên áp dụng chính sách tiền lương tối thiểu vì ý nghĩa của nó đã không phát huy trong thực tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ- TB- XH) Tống Thị Minh, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ phải được tính trên cơ sở tốc độ tăng trưởng GDP, CPI, mức tăng tiền công trên thị trường; trên tinh thần theo nguyên tắc cải thiện đời sống người lao động mà vẫn cân đối khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Dự kiến đến năm 2012, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho doanh nghiệp trong nước sẽ được điều chỉnh như sau: Vùng 1 tăng từ 800.000 đồng lên 1.430.000 đồng; vùng 2 tăng từ 580.000 đồng lên 1.300.000 đồng, vùng 3 tăng từ 540.000 đồng lên 1.130.000 đồng, vùng 4 tăng từ 540.000 đồng lên 990.000 đồng. Đối với các doanh nghiệp FDI, mức điều chỉnh sẽ tăng 8,5 %.
Theo Bee.net.vn