Sự vươn lên trở lại của thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những yếu tố khiến một số nhà quan sát trong thời gian gần đây dự đoán Việt Nam sắp vượt qua được cơn khó khăn đến từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ngày 08/6, chỉ số VN INDEX trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường chứng khoán chính của Việt Nam đã vượt qua được ngưỡng 500 điểm, sau gần 9 tháng bị dìm xuống dưới mức này. Tại Hà Nội, chỉ số HNSTC-Index cũng tăng điểm.
Ký giả Philip Bowring trong một bài đăng trên tờ báo mạng Asia Sentinel mới đây nêu rõ: Là nước đầu tiên lâm vào khó khăn tài chính, Việt Nam có vẻ như la nước đầu tiên thoát hiểm.
Một số nhà quan sát trong thời gian gần đây dự đoán Việt Nam sắp vượt qua được cơn khó khăn đến từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. |
Tín hiệu khả quan rõ nhất được tác giả ghi nhận sự vươn lên trở lại của thị trưòng chứng khoán, ”đã mạnh mẽ hơn hẳn các thị trường khác tại châu Á, sau khi tụt xuống mức thấp nhất vào tháng hai”. Đà tăng theo ước tính của báo Asia Sentinel vượt mức 80%, cho dù chỉ số tuyệt đối vẫn còn thua xa đỉnh cao kỷ lục là 1.174 đạt được vào tháng 3/2007.
Chỉ dấu khả quan thứ hai, là tỷ lệ tăng trưởng vẫn còn đạt được mức từ 3% đến 4% trong năm 2009. Thành tích đã đạt được bất chấp sự kiện là kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc rất nặng vào thương mai, chiếm tỷ trọng 62% của GDP. Trong khu vực châu Á, như vậy là tăng trưởng của Việt Nam thuộc loại mạnh nhất, thua Trung Quốc, nhưng tương đương với các đại gia ít lệ thuộc vào thương mại hơn như Ấn Độ hay Indonesia, và hơn hẳn Thái Lan hay Malaysia, hai nước "may mắn lắm mới đạt được mức tăng trưởng số không trong năm nay".
Điểm đáng ghi nhận nhất, theo Philip Bowring, chính là cán cân vãng lai của Việt Nam, hiện đã khá hơn sau khi bị thâm thủng kỷ lục với tỷ lệ tương đương 25% của GDP vào nửa đầu năm 2008. Khi ấy, mức thiếu hụt đã gióng lên tiếng chuông báo động vì có nguy cơ đánh qụy hệ thống tài chính và tạo ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ có thị trưòng chứng khoán là bị suy sụp mà thôi, vì chính quyền Việt Nam đã kịp thời ban hành những biện pháp cứng rắn nhằm giới hạn đà tăng của tín dụng, và kìm hãm lạm phát vốn đã vượt mức 20%.
Philip Bowring cho rằng, Việt Nam đã có ”may mắn” là bị khủng hoảng tài chính nội bộ vài tháng trước lúc khủng hoảng bùng lên ở cấp toàn cầu, nhờ đó các biện pháp ổn định đã có sẵn. Cho dù thị trường chứng khoán vẫn bị tác động từ các khó khăn bên ngoài, dù lãi suất vẫn cao và đầu tư ngoại quốc tiếp tục giảm đi, nhưng nền kinh tế chỉ vận hành chậm lại chứ không đình trệ. Hiện nay tăng trưởng Việt Nam vẫn chậm nhưng tỏ ra bền bỉ, có sức đề kháng mạnh hơn các nước làng giềng.
Về lĩnh vực xuất khẩu, một trong những động cơ của nền kinh tế Việt Nam, đã giảm sụt 7%. Thế nhưng đây là không phải là một tỷ lệ xấu, vì rằng trong thời gian đó, giá cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dầu thô, cá phê, gạo hay nông sản khác đều sụt giảm đáng kể trên thị trường quốc tế.
Theo Philip Bowring, lẽ dĩ nhiên, vẫn còn có nguy cơ đầu tư nước ngoài tụt giảm và thị trường xuất khẩu biến động, thế nhưng về lâu về dài, triển vọng của Việt Nam vẫn khả quan.
Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá tốt, do đó có thể thừa hưởng được chiều hướng rút bớt vốn khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục được nhận các khoản viện trợ đáng kể hay tín dụng ưu đãi từ các quốc gia và định chế tài trợ. Mặt khác, Việt Nam cũng có một lực lượng lao động tăng khoảng 2% mỗi năm, kèm theo là năng suất nông nghiệp cũng gia tăng đều đặn. Đây là hai lợi thế làm nền tảng cho sức tăng trưởng của Việt Nam, mà hiện nay không còn thấy ở Trung Quốc và Thái Lan.
Bài báo kết luận với nhận xét:Triển vọng đó tuy nhiên vẫn gây tranh luận trong giới chuyên gia về kinh tế, vì bên cạnh những nhận định lạc quan, còn có những đánh giá thận trọng, cho rằng các tín hiệu tích cực chỉ mới là bề nổi, che khuất một số yếu kém căn bản mà nền kinh tế Việt Nam cần khắc phục để cho tăng trưởng được bền vững./.
Theo Phương Linh (KTĐT)