Một năm trước, "Bài thảo luận chính sách số 1" của nhóm nghiên cứu Đại học Havard được công bố và gây ra nhiều tranh luận khi có không ít đánh giá táo bạo và bi quan về nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các diễn biến thực tế ngay sau đó đã cho thấy các vấn đề mà bản báo cáo số 1 (sau đó là các báo cáo số 2, 3 và 4) đề cập rất có giá trị tham khảo.
Ông Vũ Thành Tự Anh |
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu Havard về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2009 cũng như các giải pháp và chính sách.
Ông có thể phác thảo một vài nét về bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2009 này?
Nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy nền kinh tế thế giới tiếp tục đà suy thoái và sớm nhất thì cũng chỉ có thể phục hồi vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2009 và có thể phục hồi nhẹ (tăng 3%) trong năm 2010. Hiện tại, cả ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU đều suy thoái. Một nền kinh tế lớn khác trên thế giới là Trung Quốc trong vòng một năm đã mất 2% tăng trưởng GDP và được IMF dự báo chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm 2009 – một tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách. Việc các đầu tàu kinh tế đồng loạt suy thoái là tín hiệu rất xấu đối với nền kinh tế thế giới. Hệ quả là tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Nhìn vào bên trong, nền kinh tế Việt Nam bước sang năm 2009 mang theo những khó khăn nội tại của năm 2008: tăng trưởng GDP giảm mạnh (từ 8,48% năm 2007 xuống 6,23% năm 2008); thâm hụt thương mại và ngân sách đều ở mức cao; VND đang bị định giá cao so với USD, trong khi USD đã lên giá với hầu hết các đồng tiền khác, làm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh. Điều này trở nên nghiêm trọng khi nhu cầu thế giới giảm. Từ cuối năm 2008 và trong năm 2009 này, thất nghiệp là một vấn đề nan giải, vì các ngành thâm dụng lao động lớn ở Việt Nam như dệt may, giầy da, thủy hải sản… mất nhiều hợp đồng.
Nhìn một cách tổng thể, có thể các bài toán kinh tế vĩ mô trong năm 2009 sẽ còn khó giải hơn cả năm 2008.
Xin ông phân tích kỹ hơn tác động của các khó khăn?
Thứ nhất, từ góc độ của Chính phủ, đó là những khó khăn trong vấn đề duy trì công ăn việc làm và ổn định an sinh xã hội cho những tầng lớp dễ bị tổn thương (như công nhân trong các khu công nghiệp, người nghèo ở nông thôn). Chính phủ cần làm thế nào ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, cụ thể là của các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, khu vực dân doanh và FDI. Mặt khác, Chính phủ còn đối diện với thách thức là làm thế nào để tạo ra động lực phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN để họ chớp lấy cơ hội khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại.
Thứ hai, trên góc độ DN, khá nhiều DN trước đây phát triển theo kiểu cơ hội, thấy bất động sản tốt nhảy sang đất đai, thấy chứng khoán tốt nhảy sang chứng khoán. Những thách thức của năm 2008 giúp phân biệt DN tốt và DN kém, khác với tình trạng "vàng thau lẫn lộn" của một vài năm trước. Trong cuộc đua đường trường, các DN không thể thành công nếu chỉ có các toan tính ngắn hạn. Khủng khoảng hiện nay cũng mang đến cơ hội. Năm 2009 sẽ tiếp tục là giai đoạn lửa thử vàng, đem đến cơ hội cho các DN có tầm nhìn dài hạn, có chiến lược phát triển hợp lý và rõ ràng. Thách thức lớn nhất với DN trong năm nay là làm thế nào để tồn tại và cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa và thế giới suy giảm. Chẳng hạn, cùng sản xuất một mặt hàng, nhưng hàng Trung Quốc nhìn chung đều rẻ hơn hàng Việt Nam, vậy DN của chúng ta sẽ cạnh tranh ra sao?
Thứ ba, trên góc độ người tiêu dùng, kỳ vọng về công ăn việc làm, lương bổng, thu nhập của người tiêu dùng đều suy giảm đáng kể so với cách đây một năm, kéo theo sự suy giảm trong niềm tin của họ, làm vòng xoáy đi xuống của nhu cầu càng trở nên gay gắt. Biện pháp kích cầu của Chính phủ vì vậy cũng phải hướng đến việc kích thích tiêu dùng.
Vừa qua, cũng như chính phủ nhiều nước, Việt Nam đã thực hiện gói giải pháp kích cầu. Theo ông, gói giải pháp nên được thực hiện như thế nào?
Trước hết, nên quan niệm gói kích cầu là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ. Không nên kỳ vọng gói kích cầu sẽ là liều thuốc thần chữa bách bệnh. Kích cầu không phải là biện pháp chữa lành bệnh hay giải quyết ngay được các khó khăn cho nền kinh tế. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý, điều kiện đặc thù của Việt Nam khác xa với nhiều nước khác cũng thực hiện gói giải pháp này. Chúng ta kích cầu trong bối cảnh kinh tế nội địa vừa trải qua tình trạng lạm phát cao: năm 2008, lạm phát của Việt Nam lên tới trên 20%, trong khi con số này tại các nước khác như Trung Quốc hay Thái Lan chỉ là 5 – 6%. Điều đó có nghĩa là chúng ta kích cầu với mối nguy cơ lạm phát có thể trở lại. Nguy cơ này giống như một gói thuốc nổ có thể bùng cháy nếu gặp tia lửa. "Tia lửa" ở đây là các điều kiện tín dụng, tiền tệ được nới lỏng, giá dầu và giá lương thực tăng cao trở lại…
Mặt khác, dư địa chính sách của Việt Nam để thực hiện kích cầu không còn nhiều, biểu hiện ở chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ, một nền kinh tế mở và theo đuổi chính sách tỷ giá cố định như Việt Nam sẽ không duy trì được tính tự chủ của chính sách tiền tệ, vì khi ấy chính sách tiền tệ phải chạy theo quy mô và chiều hướng lưu chuyển của dòng vốn nước ngoài. Không những thế, ở những nước có chế độ tỷ giá cố định, lãi suất giảm không những chưa chắc đã kích thích được DN và người dân tăng đầu tư và chi tiêu, mà còn khuyến khích động cơ tích trữ vàng và ngoại tệ mạnh. Mức độ độc lập về chính sách, ngân sách và nhân sự của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn khá hạn chế. Sự kém tự chủ nội tại và thiếu tự chủ do cơ cấu khiến phản ứng chính sách của NHNN thường chậm và đi sau thị trường. Một số giải pháp thời gian qua mang tính chất đối phó tình huống, ít có tính chất dự báo. Hiện nay, chính sách tiền tệ đã quay lại như thời kỳ đầu năm 2008 với việc nới lỏng tín dụng, tiền tệ – ẩn chứa nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại.
Về chính sách tài khóa, năm 2008 ngân sách thâm hụt khá lớn. Trong năm 2009, với bối cảnh kinh tế suy thoái thì nguồn thu của Chính phủ giảm, nguồn chi sẽ tăng lên. Khoản dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 23 tỷ USD, khá thấp khi so sánh với các nước láng giềng (Trung Quốc khoảng 2.000 tỷ USD, Thái Lan 110 tỷ USD). Như một người lính ra trận với số đạn ít, người lính đó phải chiến đấu thế nào đây? Không thể không kích cầu, nhưng chưa có thực lực mà chúng ta chi mạnh tay quá có thể gây ra nguy cơ lạm phát. Vì vậy, chính sách kích cầu của chúng ta phải thích hợp với hoàn cảnh, chứ không thể dập khuôn giống các nền kinh tế khác.
Năm 2009, theo ông, những chính sách nào là quan trọng nhất và nên tiến hành ra sao?
Chính sách thứ nhất là tỷ giá. Trong năm 2008, VND lên giá khoảng 20% so với USD; so với 3 năm trước, VND đã lên giá khoảng 30 – 40% so với USD (xét trong bối cảnh USD tăng giá mạnh so với rổ tiền tệ nhưng VND hầu như vẫn được "neo" với USD). Với xu hướng tỷ giá USD/VND hiện tại, năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam đang suy giảm, đồng thời tỷ giá này cũng đang khuyến khích nhập khẩu. Nếu trong năm 2009, NHNN không điều chỉnh tỷ giá USD/VND cho phù hợp thì tình hình nhập siêu cao sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Không một quốc gia nào có thể chịu được tình trạng nhập siêu lên tới 20% GDP trong vài năm liên tiếp. Trước sau gì chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề nhập siêu và cơ chế chính vẫn là chính sách tỷ giá.
Chính sách thứ hai là hạn chế nhập siêu khi thực hiện kích cầu. Một đặc thù khác của Việt Nam là tỷ lệ giá trị nhập khẩu/GDP rất cao, trên 100% (trong khi con số này của Trung Quốc là 41% và Thái Lan là 56%). Điều đó có nghĩa là khi kích cầu để tăng GDP thì có thể kích luôn cả nhập khẩu – một điều mà chúng ta không hề mong muốn. Trên thực tế, hàng tiêu dùng nhập khẩu của Việt Nam rất lớn, hàng xuất khẩu lại thâm dụng nhập khẩu. Chẳng hạn, với các ngành hàng mũi nhọn như dệt may, da giầy thì phải nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu. Nếu chúng ta không điều chỉnh tỷ giá thì có thể làm những điều này trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của chính sách kích cầu. Vô hình trung, thay vì kích thích DN trong nước, chúng ta có thể kích thích hộ cho các DN nước ngoài. Tất nhiên, chúng ta cũng phải chia sẻ với các nhà làm chính sách một số khó khăn, như tâm lý của những người có khả năng chuyển đổi từ VND sang USD có thể làm tỷ giá biến động quá mức. Một khó khăn nữa là vấn đề vay nợ ngoại tệ của các DN trong nước bằng USD, nhưng thu nhập lại bằng VND.
Chính sách thứ ba là đầu tư công và đầu tư của các DN nhà nước. Hiện nay, đầu tư của Việt Nam chiếm khoảng 40% GDP, trong đó quá nửa là đầu tư của khu vực nhà nước. Do tính hiệu quả của khu vực này chưa cao nên dẫn đến hậu quả không mong muốn là lạm phát tăng cao. Năm 2009, chúng ta không tăng vốn đầu tư, nhưng cần điều chỉnh lại cơ cấu sao cho vốn được phân bổ vào nơi có hiệu quả nhất, tạo ra việc làm, gia tăng giá trị và xuất khẩu… cho nền kinh tế.
Chính sách thứ tư là Chính phủ cần chủ động chuẩn bị cho các DN nắm bắt cơ hội khi kinh tế thế giới phục hồi. Cụ thể là gia tăng năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa, vì đây là khu vực tạo ra việc làm cho 95% lao động. Trong năm 2008, một mảng trong bộ phận này đã bị suy sụp và bị ảnh hưởng do khó khăn của thị trường và chính sách có những điểm bất cập. Thành tựu xây dựng khu vực kinh tế dân doanh của chúng ta suốt từ năm 1990 đến nay đã bị vỡ mất một mảng. Chính sách trong năm 2009 này không được phép để khu vực này suy sụp thêm nữa. Thứ nhất, phải đảm bảo cho họ tiếp cận với nguồn lực trong nền kinh tế, cụ thể là vốn, đất đai, giảm bớt các thủ tục. Thứ hai, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế giữa DN nhà nước và DN dân doanh. Thứ ba, có chính sách hỗ trợ trên diện rộng, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo, xúc tiến tư vấn thương mại. Điều này nếu thực hiện đồng bộ sẽ giải quyết được nhiều nút thắt cổ chai của nền kinh tế bấy lâu nay như: giáo dục, nguồn nhân lực, thể chế hành chính và vấn đề cơ sở hạ tầng.
Theo Giang Thanh (ĐTCK)