Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhiều tỉnh sẽ áp dụng mô hình phát hiện, xử lý vi phạm nồng độ cồn kiểu mới ngay trong Tết này.
Lái xe thở vào máy để xác định có nồng độ cồn hay không, mỗi xe mất thời gian chỉ khoảng 1 phút cho công tác kiểm tra. Ảnh: Tiền phong |
Sáng 9/12, Ủy ban ATGT Quốc gia cùng Cục CSGT đường bộ – đường sắt và Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, áp dụng thí điểm kinh nghiệm quốc tế.
Đây là một chiến dịch áp dụng qui trình kiểm tra nồng độ cồn theo phương pháp mới. Lái xe sẽ không phải dừng lại mà vẫn có thể ngồi trên xe trong lúc CSGT kiểm tra sơ bộ để phát hiện có sử dụng rượu – bia hay không. Khi máy phát tín hiệu lái xe "có mùi" rượu bia thì người điều khiển phương tiện mới phải xuống xe để đo nồng độ cồn xác định mức độ vi phạm.
Hình thức kiểm tra này được đánh giá thân thiện với người dân và cũng giúp cho hiệu suất kiểm tra được nhiều hơn. Sau 20 ngày thực hiện thí điểm tại Quảng Ninh từ ngày 11/11 – 30/11, lực lượng tuần tra kiểm soát (TTKS) đã dừng kiểm soát được hơn 3.500 trường hợp và phát hiện lập biên bản 170 trường hợp vi phạm, chiếm 4,9%.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết tỷ lệ vi phạm rượu – bia tham gia giao thông do Cục CSGT báo cáo chỉ có 5 – 6% nhưng số liệu thống kê từ một số bệnh viện lớn như Việt – Đức hay Từ Dũ thì trong số các vụ TNGT đến cấp cứu tại bệnh viện có đến 60% lái xe có uống bia rượu. Và đây chủ yếu là các ca chấn thương nặng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ kinh nghiệm thí điểm tại Quảng Ninh, chúng tôi sẽ đánh giá được tác dụng của phương pháp kiểm tra mới, từ đó sẽ nhân rộng ra toàn quốc. Đặc biệt đối với một số tỉnh đang triển khai dự án kiểm soát rượu – bia cần sớm được thực hiện phương pháp này.
Theo Kinh tế & Đô thị