Sáng 3.11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, mưa tại các tỉnh Nam Trung Bộ đến sáng nay đã giảm nhiều. Hiện lượng mưa chỉ còn dưới 15mm. Tuy nhiên lũ có khả năng lên lại.

Lũ có khả năng lên lại

Dự báo, lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên lại từ ngày 3.11. Ảnh: Thái Bình

Tình hình lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai đang xuống chậm. Tuy nhiên, dự báo, lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên lại.

Theo báo cáo của bộ Công thương và Vụ quản lý công trình thủy lợi, tình hình hồ chứa tại các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận tính đến 4g ngày 3.11, các hồ có cửa tràn là Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình, hiện vẫn an toàn. Các hồ tràn tự do, nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20 ÷ 80cm đang tràn tự do về hạ du, hiện tại vẫn an toàn. Về hồ thủy điện, 6g sáng 3.11, hồ sông Ba Hạ xả 5.298m3/s, mực nước hồ 103,55/105.00; Sông Hinh xả lũ 1.000 m3/s, mực nước hồ 207,51/209.00. Hiện các hồ chứa vẫn an toàn.

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho bà con Nam Trung Bộ. Theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, thiệt hại do mưa lũ tính đến nay đã có 8 người chết (trong đó, Khánh Hòa 5 người, Phú Yên 3 người), 6 người mất tích (Ninh Thuận 4 người, Khánh Hòa 1 người, Phú Yên 1 người). Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 nước đã rút, đường sắt đoạn Đèo Cả đã khắc phục sạt lở và thông xe. Quốc lộ 26 bị ngập nhiều đoạn từ 0,1 – 0,3m, xe tải, xe gầm cao vẫn có thể di chuyển được. Tại Khánh Hòa, tuyến đường Khánh Lê – Lâm Đồng bị sạt lở 3 vị trí, đang triển khai thu dọn, dự kiến ngày 5.11 sẽ thông tuyến. Hàng trăm ngôi nhà, hàng nghìn ha hoa màu của người dân bị mưa lũ tàn phá.

Trong khi mưa lũ vẫn căng thẳng thì một đợt không khí lạnh được báo sẽ ảnh hưởng đến cả Trung và Nam Trung Bộ. Miền Bắc tiếp tục lạnh, nhất là sáng và đêm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to; Tây Nguyên có mưa vừa đến rất to; các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế có mưa đến rất to và rải rác có dông.

Ninh Thuận: huy động máy bay dời dân khỏi vùng nguy hiểm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bố trí máy bay để sẵn sàng tiếp cận và di dời người dân Ninh Thuận ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: TL SGTT

Tối ngày 2.11, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, Đoàn công tác của Chính phủ do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Đoàn đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo công tác phòng, chống lũ của địa phương từ ngày 30.10 đến ngày 2.11.

Chủ tịch nước chỉ đạo khắc phục lũ lụt tại Ninh Thuận, Khánh Hòa

 

Ngày 3.11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đi thị sát tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục lũ lụt tại hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Chủ tịch nước đã biểu dương những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và của, lưu ý không được chủ quan trong những ngày tới, được dự báo tình hình mưa lũ còn tiếp diễn. Chủ tịch nước đồng ý cấp cho Khánh Hòa 500 tấn gạo như đề xuất và hỗ trợ trước mắt cho Khánh Hòa 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Trước đó, vào sáng 3.11, chủ tịch nước và đoàn công tác của Chính phủ đã đi thị sát tình hình mưa lũ tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước và làm việc lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Ninh Thuận khôi phục sản xuất. Trước mắt, đề nghị Chính phủ cấp ngay 50 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo cho địa phương khắc phục hậu quả sau lũ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Ninh Thuận cần tiếp tục theo dỏi thường xuyên dự báo thời tiết, để có giải pháp ứng cứu, sơ tán kịp thời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở. Đối với thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm và thôn Hòa Thạnh, xã An Hải, huyện Ninh Phước đang nằm trong vùng bị cô lập mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa tiếp cận được, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia bố trí máy bay để tiếp cận và di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Địa phương tiếp tục chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng đối phó với ba đoạn đê của đê sông Dinh chạy qua các phường Phủ Hà, Mỹ Hương và Đạo Long được dự báo có nguy cơ bị vỡ khi nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đỗ về với lưu lượng lớn hơn trong thời gian tới..

Riêng hồ Phước Trung, huyện Bác Ái đang thi công bị vỡ, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT cần phải kiểm tra, đánh giá lại, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục có hiệu quả; giao Bộ GTVT tổ chức khảo sát và có giải pháp làm đường giao thông, để tuyến giao thông QL 1A từ Bắc – Nam, đoạn đi qua Ninh Thuận và tuyến QL 27 từ Phan Rang – Đà Lạt được đảm bảo cho giao thông chung của quốc gia.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến 14 giờ ngày 2.11, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cụ thể: bốn người bị mất tích, 5.152 ngôi nhà bị ngập, 455 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 12.947 ha cây trồng các loại bị ngập, hàng chục nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 12 chiếc ghe bị chìm, hàng ngàn héc-ta nuôi tôm chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng; gần 37km đường giao thông liên thôn, liên xã, liên huyện bị sạt lở; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, vật chất bị ngập sâu hư hỏng…

Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của tỉnh cùng với lực lượng vũ trang Trung ương đã di dời 6.554 hộ/26.216 khẩu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang – Tháp Chàm đến nơi an toàn, đồng thời hỗ trợ lượng thực, nước uống… chăm sóc tốt đời sống cho người dân ở vùng ngập lũ.

Phú Yên: một người bị nước cuốn trong vùng thủy điện xả lũ

Sáng 3.11, BCH Phòng chống bão lụt-TKCN tỉnh Phú Yên cho biết: lúc 5 giờ sáng nay 3.11, anh Trần Văn Dương (21 tuổi, trú thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, H.Tây Hòa, Phú Yên) đã bị nước lũ cuốn mất tích trong khi đang lội trên đường gần nhà. Đến 9 giờ 30 cùng ngày, UBND xã Hòa Bình 1, cho hay: BCH Phòng chống bão lụt – TKCN huyện Tây Hòa đã đưa ca nô cứu hộ cùng lực lượng tại chỗ tích cực tìm kiếm nhưng vẫn chưa thấy tung tích anh Dương. Nơi anh Dương bị nước cuốn nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ thống thủy điện trên sông Ba.

Ngoài ra, em Lê Thị Thanh Hương (Thủy, 13 tuổi, học lớp 8, ở thôn Thạnh Phú, xã Hòa Mỹ Tây, Tây Hòa) bị nước lũ cuốn trôi chiều 1.11 đã tìm thấy xác vào chiều 2.11. Như vậy, Phú Yên hiện đã có 3 người chết và 2 người mất tích trong đợt mưa lũ đang diễn ra.

UBND tỉnh Phú Yên cảnh cáo Thủy điện Sông Ba Hạ

Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng BCH Phòng chống bão lụt – TKCN tỉnh cho biết: sáng 3.11, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản cảnh cáo BQL Thủy điện Sông Ba Hạ về việc xả lũ với lưu lượng quá lớn mà không báo cáo chính quyền địa phương, vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành

Theo ông Lộc, do đã giảm áp lực nước về hồ chứa nên các thủy điện trên địa bàn tỉnh đang giảm lưu lượng xả lũ. Tuy nhiên, thường trực BCH Phòng chống bão lụt – TKCN Phú Yên cho biết: lúc 7 giờ ngày 3.11, thủy điện Sông Ba Hạ vẫn đang xả lũ với lưu lượng khá lớn: 4.700 m3/s. Hiện tại, nước trên các sông trong tỉnh vẫn đang lớn, tiếp tục gây áp lực nhiều vùng hạ lưu, triều cường đe dọa nhiều khu dân cư dọc sông, biển; tỉnh đang chỉ đạo lực lượng cứu hộ trực chiến 100% tại các điểm xung yếu.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *