Căn phòng 10m2 trong ngõ sâu trên đường Cầu Giấy, mái ngói, nền đất, nước giếng khoan, nhà vệ sinh chung cho cả 10 phòng, giá lên đến 950 nghìn, thay vì khoảng 600-700 nghìn đồng trước đây.

Lang thang nhiều ngày để tìm phòng trọ giá rẻ, Nhi gần như tuyệt vọng. Hơn một tuần liền, cô tân sinh viên đi mọi ngóc ngách để tìm nhưng đều không có chỗ. Một vài nơi còn chỗ thì giá thuê lên tới 1,2-1,8 triệu đồng một tháng. “Số tiền đó cho cả nhà mình sống đầy đủ cả tháng dưới quê, làm sao mà thuê được”, Nhi nói. Cũng định tìm người chia sẻ phòng trọ để thuê nhưng mới từ quê lên không quen ai nên cô tân sinh viên chưa tìm được người.

Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Giá phòng trọ sinh viên ở một số nơi tăng tới gần 50% so với vài tháng trước. Ảnh: Hoàng Hà

Một số chủ nhà khuyên Nhi phải tìm từ 2 tháng trước thì mới có cơ hội. Còn thời điểm này, phòng trọ hiếm lại tăng giá rất mạnh. Cô sinh viên này tâm sự: “Em mới biết tin đỗ đại học hơn một tuần này, sao có thể ra Hà Nội tìm nhà từ tháng 6 được”.

Ở các xóm trọ ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Bách Khoa, nhiều xóm trọ đề thẳng dòng chữ ngoài cổng sắt: “Hết phòng, miễn hỏi”. Khi thấy một tấm biển để: “Ở đây cho sinh viên thuê trọ”, vào hỏi mới biết đây chỉ là một điểm chuyên môi giới nhà cho thuê. Nếu muốn được đưa đến nơi có phòng thì phải mất từ 200 -500 nghìn đồng cho môi giới, tùy phòng đẹp hay xấu.

Theo khảo sát của VnExpress.net, các phòng theo mô hình dãy trọ, chung công trình phụ ở ngoài, ngày trước có giá từ 600 – 700 nghìn đồng thì bây giờ đều lên đến 900 nghìn hay một triệu. Thậm chí một căn nhà 10m2 trong ngõ sâu trên đường Cầu Giấy, mái ngói, nền đất, nước giếng khoan, nhà vệ sinh chung cho cả 10 phòng, giá còn lên đến 950.000 đồng.

Các phòng cho thuê gần các trường đại học đều có giá từ 1 đến 1,8 triệu, tùy căn hộ khép kín hay không. Nhiều bạn sinh viên chấp nhận thuê nhà ở khu vực cách trường cả chục km, sáng dậy sớm bắt 2 chuyến xe bus mới đến được trường để có thể giảm được vài trăm nghìn tiền trọ. “Chịu khó một chút cũng giảm được tiền trọ để đi học Tiếng Anh”, Thành Hưng, trọ ở khu vực Hoàng Mai nói.

“Chịu khó ra các mạn xa xa như Dịch Vọng hay Phúc Tân, Long Biên thì có thể tìm được phòng trọ giá rẻ. Nhưng tìm được rồi, các bạn cũng nên chú ý xem an ninh ở đó ra sao vì các khu vực đó cũng tập trung nhiều thành phần xã hội. Tốt nhất, khi kiếm được phòng, các bạn sinh viên nên “làm rắn” mà đòi chủ nhà ký hợp đồng từ 6 tháng đến một năm, tránh tình trạng bỗng dưng bị đuổi ra đường hay giá phòng, giá điện nước bất ngờ tăng cao”, Minh Phương – sinh viên năm cuối Đại học Thương Mại đưa ra lời khuyên.

Ngoài việc tăng giá phòng trọ, các chủ nhà thường yêu cầu sinh viên phải đóng tiền đặt cọc khoảng 500.000 đồng, cộng tiền thuê và tiền nước tháng đầu tiên. “Nhỡ các cháu đến ở vài bữa rồi lặng lẽ dọn đồ đi thì cô biết tìm ai mà đòi. Ở đâu cũng thế cả, nếu các cháu không đồng ý thì để cô cho người khác thuê”, cô Hà, có phòng cho thuê gần trường Đại học Kinh tế Quốc dân giải thích.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *