Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có hướng dẫn việc cho vay vốn khi có bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với các ngân hàng thương mại.
Theo đó, tối đa trong vòng 7 ngày kể từ khi có hồ sơ vay vốn và thông báo chấp thuận bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển, các ngân hàng thương mại tiến hành ký hợp đồng vay vốn với các DN nếu đủ điều kiện.
Việc giải quyết hồ sơ vay vốn bảo lãnh sẽ được đẩy nhanh. (Ảnh: VNN) |
Việc giải ngân sẽ được thực hiện ngay sau khi có chứng nhận bảo lãnh bản gốc từ Ngân hàng Phát triển.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi thanh toán nợ, chỉ chậm 01 ngày kể từ khi đến kỳ hạn mà DN không trả được nợ, ngân hàng thương mại có thể yêu cầu Ngân hàng Phát triển thực hiện bảo lãnh.
Trường hợp bị từ chối bảo lãnh, thì chỉ sau 1 ngày có quyết định từ chối, ngân hàng thương mại sẽ yêu cầu Ngân hàng Phát triển giao lại các tài sản bảo lãnh để xử lý thu hồi nợ.
Quy định của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, các DN được vay vốn bảo lãnh phải có phương án kinh doanh được Ngân hàng Phát triển chấp thuận; Có quy mô vốn dưới 20 tỷ và tối đa 1.000 lao động, kể cả các hợp tác xã đều được xem xét cho vay vốn bảo lãnh.
Các DN hoạt động tư vấn, bất động sản trừ hoạt động xây nhà giá thấp, nhà ở công nhân thuê… không được vay vốn bảo lãnh.
Việc cho vay vốn bảo lãnh thực hiện theo cơ chế thông thường phù hợp với các quy định và lãi suất cho vay theo cơ chế thị trường. Các ngân hàng sẽ giám sát việc sử dụng vốn của DN trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng.
Nới quy định về cầm cố giấy tờ có giá
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện sửa đổi quy định về tiêu chuẩn giấy tờ có giá của các ngân hàng được cầm cố để vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, giấy tờ có giá để cầm cố vay vốn không nhất thiết phải được phát hành bằng đồng Việt Nam.
Giấy tờ có giá chỉ cần đáp ứng các điều kiện: Được phép chuyển nhượng; thuộc sở hữu hợp pháp của ngân hàng xin vay; Có thời hạn còn lại tối thiểu bằng thời gian vay.
Theo Phước Hà (VietNamNet)